Sáng 02/8/2018, tại Tòa nhà số 10 Nguyễn Huệ, quận 1, Tp. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Những tác động của CPTPP và EVFTA đối với ngành Dệt May Việt Nam”, thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyênThái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với giá trị cốt lõi là tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan. Theo ý kiến của các chuyên gia, thì dệt may là một trong những ngành có nhiều lợi thế và cơ hội xuất khẩu khi các hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào thực thi.
Tại buổi hội thảo, ông Vương Đức Anh – Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại - Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: “CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với giá trị cốt lõi là tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, EVFTA và CPTPP cũng đem đến một số thách thức nhất định. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường nội địa; đối mặt với các các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ khá chặt chẽ”.
Theo ông Vương Đức Anh, quy tắc xuất xứ của CPTPP, EVFTA tuy có chặt chẽ nhưng vẫn có những điều khoản linh hoạt giúp các doanh nghiệp dệt may trong nước dần thích ứng. Cụ thể như quy định về nguồn cung thiếu hụt trong CPTPP sẽ có 187 loại sợi, vải có thể nhập khẩu từ ngoài khối nhưng vẫn được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó có 179 mặt hàng được áp dụng vĩnh viễn, còn 8 mặt hàng chỉ được áp dụng trong 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Để tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA và CPTPP mang lại, doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường. Hơn nữa, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể phát triển bền vững.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược về dài hạn: "Có 5 yếu tố mà cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn thấy, điều quan trọng nhất là chúng ta phải đào tạo nguồn lực, nếu cộng đồng doanh nghiệp không quan tâm,chúng ta cứ thờ ơ thì chúng ta sẽ không đủ nguồn lực vào sân chơi này. Vấn đề thứ hai mà tôi cho rằng cực kỳ quan trọng, đó là chúng ta phải chuyển dịch sản xuất, chúng ta phải làm từ thiết kế, sử dụng nguyên liệu trong nước thì chúng ta mới lấy được lợi ích hiệu quả của Hiệp định Thương mại này. Vấn đề thứ ba là phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác. Vấn đề thứ 4 là triển khai hiệu quả các dự án đầu tư, đầu tư bài bản cho hiệu quả Hiệp định Thương mại. Vấn đề thứ năm là phải đầu tư công nghệ, chúng ta phải có chiến lược giải pháp, nếu không chúng ta không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn".
Với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước, thời gian tới, VITAS cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giúp doanh nghiệp hiểu cặn kẽ hơn nữa về các hiệp định CPTPP, EVFTA. Cụ thể, VITAS sẽ mở lớp tập huấn về tự chứng nhận xuất xứ, tổ chức hội thảo về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang các thị trường và nhiều hoạt động khác.
Theo vinatex.com
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023