Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940509838
CÔNG NGHIỆP 4.0 – LỘ TRÌNH ÁP DỤNG VÀO DOANH NGHIỆP BAO BÌ VIỆT NAM

1. Cách mạng 4.0 là gì?

Tại Ấn Độ, có một nhà phát minh rất được mọi người trong vương quốc nể trọng vì những đóng góp của mình. Được thưởng cho một sáng chế, ông thưa rằng “Thưa đức vua, xin ngài hãy ban tặng tôi gạo sao cho lấp đầy ô cờ này, ô đầu 1 hạt, ô sau gấp đôi ô trước và cứ thế cho đến hết”. Nhà vua không ngại ngần đồng ý và kết quả là tất cả gạo trong kho ông đã không đủ để thực hiện lời hứa của mình.

Thực tế đó là cách nhìn nhận của chúng ta đối với nền công nghiệp 4.0, nếu mỗi hạt gạo tượng trưng cho các thông tin mà hàng ngày chúng ta thu thập và xử lý. Hiện nay chúng ta đang đứng ở nửa sau bàn cờ với lượng thông tin khổng lồ, việc xử lý chúng đã ra khỏi sự tưởng tượng và đã đi qua một hệ không gian khác mà đôi khi chúng ta cũng chưa hình dung được.

Công nghiệp 4.0 là một khái niệm xuất phát từ nước Đức, được định nghĩa là các kết nối thông minh giữa các quá trình trong một doanh nghiệp, như khâu Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, thiết kế và thử nghiệm, kế hoạch vật tư, sản xuất, kho vận, bảo trì bảo dưỡng, chăm sóc khách hàng… Sự kết nối 4.0 được phân làm hai loại: Kết nối theo chiều ngang và kết nối theo chiều dọc. Kết nối theo chiều ngang là các hệ dòng chảy thông qua các giai đoạn trong quá trình hoạt động, ví dụ dòng chảy vật tư, dòng chảy nhiên liệu và dòng chảy thông tin trong nội bộ doanh nghiệp, hay có thể là sự kết nối xuyên công ty ở những dự án liên kết. Ngược lại kết nối theo chiều dọc được tạo ra giữa các tầng của phả hệ công ty, ví dụ giữa quản lý cơ sở, quản lý cấp trung và quản lý cấp cao… Hai loại kết nối này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và bổ sung tạo nên sự hoàn chỉnh của doanh nghiệp.

Hiện nay nhiều công ty trên thế giới đã áp dụng 4.0 rất thành công vào sản xuất, dẫn đầu có thể kể đến công ty Bayer với hệ thống dự báo và phân tích lỗi hệ thống sản xuất thông qua mạng xã hội nhằm đáp ứng việc bảo trì bảo dưỡng, công ty Daimler với việc cải tiến khâu kho vận bằng hệ thống định vị, công ty Volkswagen với kính dữ liệu giúp cung cấp thông tin kịp thời… Heidelberg, một trong những công ty sản xuất máy in đầu ngành cũng đang theo đuổi xu hướng này bằng chiến dịch “Push to stop” với việc kết nối thông số giữa các máy in cũng như giữa máy in và bộ phận kế hoạch, bộ phận sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tin với tốc độ cao.

Tuy vậy 4.0 không quá xa vời ở phương trời Âu Mỹ, có thể nói mỗi người trong chúng ta đều đã tiếp xúc và sử dụng công nghệ 4.0 hàng ngày, đó chính là Google. Đây là công ty sớm đã áp dụng 4.0 vào dịch vụ, họ thu thập thông tin, kiểm soát dữ liệu người dùng, tổng hợp và đưa ra các phỏng đoán, gợi ý rất chuẩn xác.

2. Phương án tiếp cận

Để tiếp cận công nghệ 4.0 đối với một doanh nghiệp Việt Nam, nên nhận thức rằng 4.0 là cấp độ cao hơn của việc áp dụng phương pháp LEAN mà chúng ta vẫn hằng quen. Chặng đường phát triển chung có thể được chia thành các giai đoạn:

·         Thu thập, lưu trữ và đánh giá thông tin: trong giai đoạn này số liệu thực tế tại mọi thời điểm sẽ được ghi nhận và sẽ được chia sẻ vào đúng thời điểm, đến đúng người theo nhu cầu thực tế. Dòng chảy thông tin được thiết lập và cải tiến.

·         Sự tương tác được thiết lập giữa con người và máy móc, giữa thiết bị này và thiết bị khác. Ở giai đoạn này doanh nghiệp cần cân nhắc thời điểm và vị trí áp dụng máy móc thay thế con người để khai thác tối đa tiềm năng.

·         Đến một thời điểm nhất định khi 2 giai đoạn đầu đã diễn ra, có thể nghĩ đến tương lai nơi trí tuệ nhân tạo được sử dụng để quyết định một số công việc cần khả năng phân tích một lượng lớn thông tin trong thời gian giới hạn. Đây là đỉnh cao của công nghiệp 4.0 nơi máy móc dần thay thế con người.

Theo 1 cuộc khảo sát các doanh nghiệp tại Đức, các vận cản lớn nhất khi thực hiện công nghiệp 4.0 tại Đức sắp xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là:

·         Tiêu chuẩn hóa

·         Cách thức tổ chức công việc, quy trình

·         Đảm bảo nguồn vật tư đúng chuẩn và sẵn sàng

·         Thích ứng với mô hình kinh doanh mới

·         Kiến thức về bảo mật

·         Lực lượng lao động

·         Nghiên cứu & Đào tạo

·         Hành lang pháp lý liên quan 4.0

Nên nhớ rằng, những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Lean mà chúng ta đang gặp phải như kẹt nghẽn dòng chảy thông tin, vướng mắc trong quản lý và lãnh đạo, các phát sinh không mong muốn trong sản xuất cần được giải quyết trước khi áp dụng 4.0 chứ không phải sẽ được giải quyết bởi công nghiệp 4.0

3. Lộ trình áp dụng

Lộ trình áp dụng Công nghiệp 4.0 theo cách tiếp cận LEAN được đề nghị như sau:

Bước 1: Đảm bảo việc xây dựng một quy trình ổn định, rõ ràng, mạch lạc. Thiết lập các tiêu chuẩn.

Mục đích của bước 1 là tạo ra một cấu trúc công ty rõ ràng, ổn định ngay từ khi khởi đầu, đảm bảo có nền tảng tốt cho các cải tiến ở giai đoạn tiếp theo. Các hoạt động đều được ghi nhận làm tiền đề cho các chuỗi thay đổi sau này.

Bước 2Nhận diện và cải tiến sử dụng các công cụ 5S, 7 lãng phí, Lean…

Giai đoạn này cần được lãnh đạo bởi người đứng đầu doanh nghiệp mục đích để thiết lập và duy trì văn hóa cải tiến liên tục. Việc tối ưu hóa và hợp lý hóa quy trình hoạt động được tiến hành dựa vào các công cụ 5S, 7 lãng phí, Lean, Kaizen…

Bước 3: Tập trung giải quyết các rào cản trong dòng chảy thông tin đảm bảo không có các sự dứt gãy trong truyền thông

Khi phần lớn các cải tiến quan trọng đã được thực hiện và quy trình hoạt động của doanh nghiệp đạt được độ ổn định nhất định, lúc này hoạt động cải tiến theo LEAN sẽ được tập trung vào dòng chảy thông tin. Có thể khởi động chúng bằng cách đánh giá và phân tích các trở ngại khó khăn đang gặp phải trong việc chia sẻ thông tin và chúng ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Song song cần xem xét vào việc áp dụng kỹ thuật số để tăng khả năng tiếp cận thông tin và giảm thiểu thời gian truyền tin giữa các bộ phận có nhu cầu.

Bằng cách này, từng bước các dữ liệu sẽ được thành lập, tập hợp, truyền đi, xử lý – Một trong những nền tảng của 4.0.

Bước 4: Từng bước áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi kỹ thuật số vào các công đoạn, kết nối dòng chảy thông tin

Sau giai đoạn 3, các dãy thông tin nhỏ của các công đoạn sẽ được hình thành, giúp cho việc nối chuỗi chúng lại thành dòng chảy thông tin ở giai đoạn 4 diễn ra một cách dễ dàng hơn.

Bằng việc cải tiến dòng chảy thông tin, không những dữ liệu được truyền đi nhanh hơn, chính xác hơn mà quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ được cải tiến cho phù hợp với tình hình mới. Bảo vệ và bảo quản thông tin là điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn này.

Bước 5: Tiến hành tự động hóa các công đoạn có thể thay thể con người

Ở bước này, doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng robot hóa thay thế con người nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bước 6Cải tiến liên tục và cập nhật hệ thống thường xuyên đảm bảo sự hoàn chỉnh

Trong thế giới kỹ thuật số 4.0, việc cải tiến cũng được áp dụng đối với dòng chảy thông tin để chúng được thông suốt và ổn định. Đặc biệt quan trọng do khác với tài sản ở dạng vật lý dễ nhận biết, thông tin là tài sản vô hình nên khi có vấn đề đôi khi cần thời gian rất lâu chúng ta mới có thể nhận dạng.

Tầm nhìn lâu dài, các dòng chảy thông tin sẽ được phát triển không những trong phạm vi doanh nghiệp mà còn ở phạm vi kết nối nhiều doanh nghiệp với nhau, thành chuỗi từ nhà cung cấp đến khách hàng.

Cuối cùng, với sự thay đổi của dòng chảy thông tin, các thay đổi kèm theo sẽ diễn ra liên quan đến mô hình doanh nghiệp, chiến lược, các quy trình làm việc, đó chính là bước cuối cùng dẫn đến cuộc cách mạng 4.0.

4. Chuẩn bị nguồn lực con người

Trong tất cả các quá trình chuyển đổi đã nêu ở trên đều có liên quan đến yếu tố con người. Ngay từ những thay đổi đầu tiên là việc lập kế hoạch cho lộ trình 4.0 đến những thử nghiệm, thất bại, tiếp tuc thử nghiệm...

Việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực sẽ có sự thay đổi đáng kể: Cụ thể cần bổ sung yêu cầu về Kiến thức IT và sự thông hiểu về hệ thống công nghiệp thông tin (ERP). Lực lượng IT cần có khả năng biết, hiểu rõ ràng về lĩnh vực mình đang phụ trách, tức là bao gồm cả về quy trình sản xuất và mọi thứ xung quanh nó cũng như chuyên môn nghiệp vụ IT. Ngược lại những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất cũng cần được hướng dẫn để hiểu rõ về hệ thống IT đang sử dụng cho doanh nghiệp mình. Việc trao đổi thường xuyên giữa 2 bên cần được tổ chức và đảm bảo không có vướng mắc. Cụ thể, một người thợ vận hành, trước đây ngoài việc được đào tạo về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của máy móc sẽ được đào tạo thêm về việc vận hành thiết bị bằng các công cụ số hóa (tự động hóa), giải quyết vấn đề khi gặp trục trặc với số hóa… ngược lại một số kỹ năng có thể sẽ không yêu cầu quá cao do chúng đã được thay thế bằng máy móc, robot.

Với những chuyển đổi dự kiến sẽ diễn ra, lực lượng nhân lực cần có khả năng thích nghi cao, chịu chấp nhận thất bại và rút ra bài học từ những thất bại đó. Việc này cần được triển khai rộng rãi, ngay ở tầm văn hóa doanh nghiệp và thực hiện bởi người đứng đầu.

5. Phần kết

Nền công nghiệp 4.0, cũng như các nền công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0 đã diễn ra, là một trong những xu hướng tất yếu và sẽ là một thách thức nhưng cũng là cuộc chơi đầy hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt.Chúng ta nên chọn cách tiếp cận trên nền những hệ thống có sẵn để rút ngắn khoảng thời gian triển khai và khoảng cách công nghệ cũng như sử dụng hợp lý nguồn vật lực, đem lại “lợi thế sân nhà” khi tham gia cuộc chơi này.

Nguồn: hhbb.vn

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939