Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona diễn ra, không chỉ nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng, kinh tế Việt Nam cũng bị tác động kéo theo, trong đó bao gồm ngành giấy. Bài viết sau giúp các doanh nghiệp ngành giấy có cái nhìn khách quan về mức độ ảnh hưởng để có hướng giải quyết phù hợp.
Nhận định chung về sự ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu
Nếu năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 8.8% của nền kinh tế thế giới, thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 19.5% ( tính theo sức mua tương đương (PPP)), so với Mỹ chỉ chiếm khoảng 15% tổng GPD thế giới. Cho thấy mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế của Trung Quốc đến các thị trường khác hiện nay đang tăng lên rất nhiều lần nếu so với thời điểm dịch SARS xảy ra năm 2003.
Tuy tỷ lệ tử vong của Corona hiện chỉ là 2% trên tổng ca nhiễm, thấp hơn nhiều so với SARS là 10%, nhưng số ca lây nhiễm đã lên tới 31.482, người tính đến hết 0 giờ ngày 07/02/2020, cũng như đã ảnh hưởng đến 28 quốc gia trên thế giới và vẫn đang lan truyền với tốc độ rất cao, nên tác động của dịch bệnh sẽ không hề nhỏ.
Ảnh hưởng trực tiếp tới ngành giấy Trung Quốc:
Theo phân bố địa lý thì hầu hết các các nhà máy giấy lớn của Trung Quốc cách Vũ Hán từ 600-1.000km, nên nhiều khả năng sẽ được cho phép sản xuất trở lại sớm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, do Vũ Hán ở vị trí trung tâm của Trung Quốc và được coi là “Lá phổi công nghiệp” của Trung Quốc, nên nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện trong 7-14 ngày tới thì khả năng các nhà máy giấy phải tiếp tục đóng cửa là rất cao và ngành công nghiệp giấy Trung Quốc có thể đối mặt với các vấn nạn sau đây:
1- Làn sóng công nhân viên quay lại nhà máy sau kỳ nghỉ tết có thể bị trì hoãn hoặc tạm ngưng chưa rõ thời hạn;
2- Doanh nghiệp giấy đối mặt với những thách thức lớn trong phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát an ninh;
3- Sau khi công việc bắt đầu, có thể đối mặt với tình huống thiếu hụt giấy nguyên liệu, vật tư, phụ tùng thay thế, cùng những hạn chế về năng lực và hiệu quả của dịch vụ hậu cần;
4- Nhu cầu giấy bao bì sau dịch bệnh có thể tăng mạnh và giá cả sẽ tăng đi theo với giá nguyên liệu tăng do thiếu hụt;
5- Nhu cầu về các loại hộp giấy đựng đồ ăn, khăn giấy và các loại giấy đặc biệt có thể tăng mạnh, trong khi nhu cầu về giấy văn phòng có thể sẽ giảm;
Có thể không chỉ Trung Quốc đối mặt với những vấn nạn trên, mà nhiều quốc gia khác cũng phải tìm phương án ứng phó với những vấn đề này do Trung Quốc hiện là một mắt xích quan trọng trong ngành giấy trên phạm vi toàn cầu.
Giá giấy tăng do tâm lý bất ổn
Các chuyên gia kinh tế của Fastmarkets RISI – Công ty nghiên cứu và tư vấn, cung cấp dữ liệu về ngành giấy toàn thế giới – nhận định, thời điểm này còn quá sớm để khẳng định đại dịch sẽ gây ra suy thoái kinh tế, tuy vậy cũng không thể phủ nhận mức độ ảnh hưởng tiềm tàng của nó. Đặc biệt là với các quốc gia có chi nhánh đặt tại Trung Quốc, hay có khách hàng hoặc nhà cung cấp chủ yếu là từ Trung Quốc đại lục như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đối với ngành giấy, các tác động lên cung và cầu hiện chưa quá lớn, nhưng do dịch bệnh, nên nguồn cung của Trung Quốc bị sụt giảm, dẫn đến tăng cầu lên các thị trường khác. Trong khi việc mở rộng sản xuất lúc này là một điều không khả thi. Cộng với yếu tố tâm lý bất an của người tiêu dùng, giá cả dự báo sẽ tăng trong ngắn hạn, điển hình đã có một số nhà cung cấp điều chỉnh tăng giá trong tháng 2/2020. Cụ thể: Các nhà máy giấy Duplex tại Hàn Quốc đã thông báo tăng giá USD20/MT – USD30/MT; Các nhà máy Ấn Độ (Duplex) đã công bố tăng giá USD30/MT ngay đầu tháng 2. Các nhà cung cấp giấy Couche của Hàn Quốc cũng đưa thông tin dự kiến tăng giá USD20/MT.
Việc tăng giá lần này không xuất phát 100% trực tiếp từ dịch Corona, mà một phần do giá cả của các nhà máy Ấn Độ đã ổn định khá lâu, một phần do giá nguyên liệu giấy, kể cả giấy thu hồi cũng đã tăng USD10-20/MT từ tháng 01/2020 và đây là thời điểm phù hợp để các nhà sản xuất điều chỉnh tăng giá bán.
Tác động mạnh tới ngành giấy Việt Nam
Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu giấy (chủ yếu là giấy bao bì lớp sóng và lớp mặt thông thường) sang thị trường Trung Quốc gần 540.000 tấn, chiếm tỷ trọng tới 67% tổng số giấy xuất khẩu, nên khi xuất khẩu đi Trung Quốc giảm mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các bài toán phù hợp, tránh ảnh hưởng tới sản xuất và tồn kho.
Về nhập khẩu giấy, theo số liệu tổng kết năm 2019, nếu xét về 10 dòng hàng giấy/bìa chủ đạo Việt Nam nhập khẩu cả năm thì lượng hàng có xuất xứ Trung Quốc chiếm 19.76% với số lượng là 248,565.26. Các dòng hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ngưng trệ hoạt động từ Trung Quốc bao gồm: giấy Couche, Ivory và Bristol, … Cùng với các loại vật tư, phụ tùng, thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất mà Việt Nam hiện vẫn đang phải nhập khẩu với lượng lớn từ Trung Quốc.
Bảng thông tin nhập khẩu giấy Việt Nam năm 2019 theo số liệu từ Hải quan:
STT | Tên loại hàng | 2019 | ||
Tổng số lượng giấy nhập (MT) |
Lượng hàng nhập từ Trung Quốc (MT) | % hàng Trung Quốc/ Tổng nhập | ||
1 | Giấy In báo | 41,348.00 | – | 0.00% |
2 | Giấy Fo | 86,376.00 | 11,795.00 | 13.66% |
3 | LWC, A3 | 42,838.00 | 296.00 | 0.69% |
4 | Giấy Couche | 129,120.00 | 84,925.36 | 65.77% |
5 | Bristol | 15,230.00 | 6,097.34 | 40.04% |
6 | Ivory | 151,909.00 | 97,192.73 | 63.98% |
7 | Duplex | 332,982.00 | 45,934.34 | 13.79% |
8 | Giấy Carbonless | 7,974.00 | 115.98 | 1.45% |
9 | Giấy/bìa kraft | 47,101.00 | 2,193.06 | 4.66% |
10 | Testliner, medium, white top.. | 402,730.00 | 15.45 | 0.00% |
Tổng | 1,257,608.00 | 248,565.26 | 19.76% |
Theo thông tin chúng tôi tổng hợp được, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện giao thương của nước ta và Trung Quốc đang có một số khó khăn, như:
Chính quyền các tỉnh biên giới phía Bắc đang siết chặt kiểm soát ở các cửa khẩu, Lạng Sơn tạm dừng thông quan hàng hóa tại nhiều cửa khẩu.
Các tàu xe chở hàng hóa từ Trung Quốc nhập về Việt Nam trong vòng 14 ngày từ các cảng Trung Quốc phải được kiểm dịch và cách ly theo quy định, sẽ gây phát sinh chi phí và chậm trễ tiến độ dẫn đến nguồn cung chậm, thiếu hụt, …
Hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc của Việt Nam cũng bị ùn ứ ở các cửa khẩu do không có người nhận hàng, giao hàng và nhu cầu giảm, …
Ngoài ra, lao động Trung Quốc sẽ phải kéo dài thêm ngày nghỉ, và chưa được phép nhập cảnh Việt Nam dẫn đến có thể thiếu hụt chuyên gia, lao động kỹ thuật làm sản xuất ngưng trệ…
Chính vì vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus Corona lên việc xuất nhập khẩu của ngành là không nhỏ và có thể còn kéo dài.
Giải pháp ứng phó với khó khăn
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp ngành giấy cần bình tĩnh theo sát tình hình dịch bệnh để có sự thích ứng và chuẩn bị kịp thời, và phải nhanh chóng có các giải pháp để đối phó với tình trạng khó khăn giai đoạn này, do dự báo dịch bệnh có thể còn kéo dài.
Cụ thể, các công ty trong ngành cần chủ động tìm và đa dạng hóa nguồn cung ứng vật tư, thiết bị (mền xeo, bạt sấy, phụ tùng,…), chuyên gia và các sản phẩm giấy Couche, Bristol, Ivory, Duplex, … từ các thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và các nước Châu Âu, để đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất và tránh bị lệ thuộc, bị động trong tương lai; Đồng thời đánh giá đúng nhu cầu xuất khẩu giấy bao bì và hàng hóa (chủ yếu là nông, hải sản) đi Trung Quốc để đảm bảo an toàn trong thanh khoản và không bị tồn kho cao.
Nguồn: vppa.vn