Nguyên liệu chính dùng cho sản xuất các sản phẩm giấy chủ yếu từ hai nguồn chính là: bột giấy nguyên thủy sản xuất từ nguyên liệu gỗ hoặc phi gỗ và bột giấy tái sinh. Với yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu phi gỗ đã và đang được quan tâm trong công nghiệp sản xuất bột giấy trên thế giới đặc biệt những quốc gia có diện tích trồng cây lương thực lớn.
Rơm rạ và bã mía là hai loại nguyên liệu phi gỗ rất phổ biến tại Việt Nam. Xơ sợi xenlulo từ rơm và bã mía thường mảnh hơn xơ sợi gỗ, tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng khá lớn. Chất lượng của xơ sợi rơm lúa, bã mía nhìn chung tương đương với gỗ lá rộng, rất thích hợp sử dụng cho sản xuất giấy bao bì công nghiệp. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học cho quá trình sản xuất bột giấy cũng đã được quan tâm khá sớm. Việc đầu tư cho nghiên cứu thử nghiệm chưa nhiều, chủ yếu là ứng dụng một số loại enzym cho một số công đoạn sản xuất bột giấy. Chưa có công trình nghiên cứu cụ thể về ứng dụng trực tiếp một số chủng vi sinh vật để sản xuất bột giấy từ nguyên liệu là phụ phẩm nông nghiệp.
Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục trắng để sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ và bã mía” thuộc Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020” do Bộ Công Thương chủ trì. Đề tài thực hiện từ 7/2015. Từ kết quả nghiên cứu, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thực hiện sản xuất thử nghiệm thành công. Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài và đánh giá cao kết quả cũng như khả năng ứng dụng thực tế của đề tài trong sản xuất công nghiệp.
Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước thực hiện nghiệm thu đề tài tại Bộ Công Thương
Trong quá trình nghiên cứu, từ 37 chủng nấm mục trắng, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 04 chủng phù hợp cho sản xuất bột giấy sinh học từ rơm lúa và bã mía là PC, TV, CP1-9 và CP1-23; Xây dựng được quy trình công nghệ tạo chế phẩm nấm mục trắng ổn định, khả thi để sử dụng trong sản xuất bột giấy sinh học đồng thời xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất bột giấy sinh học từ rơm lúa và bã mía có sử dụng chế phẩm nấm mục trắng.
Tiến sĩ Cao Văn Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết “Việc nghiên cứu công nghệ sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ và bã mía có sử dụng chế phẩm sinh học là một lĩnh vực nghiên cứu mới, có triển vọng với một nước nông nghiệp như nước ta. Kết quả nghiên cứu là tiền đề cho các nghiên cứu sâu rộng hơn và tiến tới tự sản xuất chế phẩm sinh học, bột giấy sinh học nhằm giảm bột giấy hóa học tẩy trắng cho sản xuất giấy. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp muốn chuyển đổi công nghệ sang hướng phát triển bền vững, giảm ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hướng phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới”.
Trong khuôn khổ nghiên cứu, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thiết kế mô hình thiết bị sản xuất với công suất 500kg/ngày. Công ty Cp giấy Mục Sơn được lựa chọn là đơn vị tiến hành sản xuất thử nghiệm. Qua ba đợt sản xuất thử nghiệm, tổng khối lượng thu được là 11 tấn bột giấy sinh học. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng bước đầu tiến hành sản xuất thử nghiệm giấy làm lớp sóng có sử dụng bột giấy sinh học từ rơm lúa và bã mía. Tổng khối lượng sản xuất thử nghiệm là 35,8 tấn sản phẩm.
Đánh giá bước đầu, chất lượng bột giấy sinh học và chất lượng giấy thu được trong quá trình sản xuất thử nghiệm đảm bảo chất lượng, phù hợp cho sản xuất giấy bao bì công nghiệp. Các chỉ tiêu về nước thải trong quá trinh sản xuất bột giấy sinh học từ rơm lúa và bã mía đáp ứng với QCVN 10:2008/BTNMT. Do đó, các doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ này có thể sử dụng phương án xử lý nước thải chung với hệ thống nước thải xeo giấy của nhà máy.
Tiến sĩ Cao Văn Sơn bảo vệ đề tài cấp Nhà nước tại Bộ Công Thương
Tiến sĩ Cao Văn Sơn nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu góp phần cung ứng cho ngành công nghiệp giấy một sản phẩm mới, hạn chế lượng bột giấy nguyên thủy, giấy nhập khẩu. Từng bước giúp doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm cho ngành sản xuất giấy hiện nay.
Theo thống kê, sản xuất bột giấy ở Việt Nam chỉ đáp ứng được 37% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập khẩu chủ yếu dựa trên công nghệ hóa học, hiệu suất thấp, gây ô nhiễm môi trường rất cao. Vì vậy, sản xuất bột giấy bằng công nghệ sinh học là xu thế tất yếu, góp phần đưa Việt Nam hướng tới một nền sản xuất công nghiệp xanh và bền vững.
http://rippi.com.vn/su-dung-nam-muc-trang-san-xuat-bot-giay-sinh-hoc-tu-rom-ra-va-ba-mia-bid236.html
Rippi
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023