Sản phẩm nhựa dùng một lần tiếp xúc với thực phẩm (Single use plastic for food –SUPF) gồm có túi nhựa, ống hút nhựa và các loại đựng thực phẩm khác như cốc, khay, nắp, … Các nước trên thế giới đã có những biện pháp khác nhau về lệnh cấm, thuế/phí để giảm thiểu SUPF. Bài viết này thống kê các biện pháp đã được áp dụng ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương và hiệu quả việc giảm thiểu SUPF.
Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, xác định năm 2020 giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010. Chỉ thị 08/CT-BCT phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, đến năm 2025 áp dụng trên cả nước.
Để góp phần thực hiện giảm thiểu SUPF, bài viết này tập trung tổng hợp các thông tin, kết quả, biện pháp của các nước trên thế giới đã và đang thực hiện để giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải từ SUPF nhằm mục tiêu đánh giá kết quả của các biện pháp đã và đang áp dụng có hiệu quả, phổ biến làm cơ sở để cơ quan quản lý định hướng áp dụng tại Việt Nam.
Phương pháp tiến hành
Tham khảo kết quả của các nghiên cứu đi trước trên thế giới. Thu thập thông tin chọn lọc với từ khóa tìm kiếm bằng tiếng anh đối với SUPF là “plastic bags”, “single-use plastic(s)”, “plastic straws”, “national policies”, “legislation”, “bans” hoặc “taxes”,... Các tìm kiếm thông tin được kiểm tra tham chiếu và sử dụng các trang web chính thức của các tổ chức và thư viện điện tử. Thông tin từ tài liệu nghiên cứu của tạp chí, hội thảo, chính sách chính phủ từ ProQuest, ScienceDirect, Web of Science, ...
Kết quả và thảo luận
Luật của các nước trên thế giới đối với SUPF
Túi nhựa
Lệnh cấm sử dụng túi nilon đã được ban hành ở 90/96 nước và vùng lãnh thổ từ năm 1991 đến 2018. Chính sách được ban hành rộng rãi từ năm 2010, đặc biệt là ở Châu Âu sau khi chỉ thị 2015/720 EU được ban hành. Luật quy định về các cửa hàng phải trả thuế và phí: Có 11/96 nước được thu thập thông tin đã ban hành luật cửa hàng phải trả thuế cho việc sử dụng túi nilon dùng một lần. Quốc gia đầu tiên áp dụng việc này là Đức (năm 1991), các cửa hàng bán lẻ phải trả trả 5-10cents/túi nilon. Luật quy định về việc người dân phải trả thuế khi sử dụng túi nhựa áp dụng lần đầu tiên ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển (1970); Đức (1991), Đan Mạch (1994) và Ireland (1995). Sau đó chính sách này lan rộng sang một số bang của Mỹ, Đông Nam Á và một vài quốc gia ở Nam Phi. Luật quy định các nhà sản xuất phải trả phí, hiện nay duy nhất Đan Mạch là nước duy nhất đã thực hiện từ năm 1994, nhà sản xuất túi nhựa phải trả thuế dựa trên trọng lượng túi. Túi nhựa có giá khoảng 37–65 cents/túi. Luật quy định về độ dày túi, có khoảng 20/96 nước thu thập thông tin ra quy định này. Các nước ban hành lệnh sớm nhất năm 2002 và mới nhất là năm 2019. Phổ biến các nước cấm túi nhựa có độ dày < 30 µm. Pháp, EU, Canada, Ấn Độ cấm túi độ dày < 50 µm. Một số ít các nước cấm túi có độ dày < 20 -25 µm như Trung Quốc, Israel, Romania.
Ống hút nhựa
Ở Mỹ, các pháp lệnh cấm ống hút bắt đầu ở cấp thành phố, khu vực nhỏ, sau đó áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, áp dụng vào tháng 4/2012 ở bãi biển Miami, Florida và cấm sử dụng ống hút nhựa. Sau đó được áp dụng tại Florida (San Luis Obispo), đảo Marco và Fort Myers và cấm các doanh nghiệp phân phối ống hút nhựa tại địa phương này. California là bang đầu tiên của Mỹ thông qua dự luật chỉ cung cấp ống hút khi khách hàng yêu cầu. Dự luật này có hiệu lực thực hiện từ năm 2019. Với dự luật này, hình phạt nhẹ là phạt tù giam 6 tháng và phạt tiền 1000 USD. Ullapool là thị trấn đầu tiên ở Scotland cấm sử dụng ống hút nhựa trong tất cả các quán cà phê, quán bar và nhà hàng. Đối tượng áp dụng hướng tới tiếp theo là các quán cà phê, bảo tàng, trung tâm thể thao, văn phòng, trường học và các văn phòng trong thành phố.
Ngoài Anh, Mỹ, tại Đài Loan và Delhi - Ấn Độ cũng đã bắt đầu thực hiện lệnh cấm sử dụng “ống hút nhựa”. Kể từ năm 2019, các cửa hàng thực phẩm và đồ uống như chuỗi thức ăn nhanh phải ngừng cung cấp ống hút nhựa tại cửa hàng. Từ năm 2020, ống hút nhựa miễn phí sẽ bị cấm ở tất cả các cửa hàng thực phẩm và đồ uống, cũng như các hộp đựng và dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm dùng một lần. Từ năm 2025, thuế/phí sẽ được áp dụng cho việc sử dụng ống hút nhựa mang đi. Lệnh cấm tuyệt đối sẽ được áp dụng vào năm 2030.
Đồ tiện dụng (dao, dĩa, thìa nhựa, cốc, nắp, hộp nhựa, các sản phẩm làm từ polystyrene)
Pháp đã thông qua luật có hiệu lực vào năm 2020, áp dụng luật tăng trưởng xanh để đảm bảo các sản phẩm phân hủy hoàn toàn và phân hủy sinh học. Đài Loan ban hành lệnh cấm thìa/dĩa vào năm 2030, từ năm 2025, nếu sử dụng người tiêu dùng phải trả tiền. Chính phủ Seychelles đã cấm nhập khẩu, thương mại và sử dụng cốc nhựa, đĩa, dao kéo và phạt tiền nếu vi phạm, hiệu lực từ 01/7/2017. Ở Delhi, Ấn Độ cấm hoàn toàn việc sử dụng dao dĩa, túi, cốc. Ở Australia, thành phố Darebin bang Victoria, đã có lệnh cấm hộp nhựa đựng thực phẩm và cốc. Ở Malibu City Council, California cấm ống hút, que nhựa, và dao/dĩa nhựa trong các nhà hàng từ 1/6/2018. BBC công bố kế hoạch loại bỏ cốc nhựa, dao/dĩa nhựa từ năm 2020 và dự kiến giảm khoảng 2 triệu cốc nhựa/năm thông qua chương trình “Hành tinh xanh”.
Kết quả tổng hợp các tài liệu đã công bố cho thấy rằng lệnh cấm ở quốc gia hoặc địa phương nhận được sự hưởng ứng và trở thành làn sóng ủng hộ loại bỏ Polystyrene sử dụng đựng thực phẩm.
Các kết quả đánh giá hiệu quả của lệnh cấm
Trên thế giới, các chính sách giảm thiểu sử dụng SUPF đã được thực hiện bằng cách áp dụng các lệnh cấm/thuế và phí. Mục tiêu để chính sách hạn chế SUPF không ảnh hưởng tới người tiêu dùng Homonoff (2015) đề xuất tính“thuế” $0,05/túi SUPF, kết quả giảm >40% ở Washington Metropolitan, trong khi “tặng” $0,05/túi SUPF chỉ giảm nhẹ. Tương tự, Muralidharan and Sheehan (2017) thấy rằng thuế có hiệu quả hơn phí với những người tiêu dùng có ý thức chưa tốt về môi trường; những người có nhận thức cao hiệu quả tương đương giữa thuế và phí.
Hiệu quả của thuế được chứng minh bằng khả năng chấp nhận nộp thuế. Một số nước như Ireland, Israel, England và Scotland lệnh cấm và thuế được áp dụng đã giảm thiểu lớn SUPF. Ở Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã tiết kiệm được 4,8 triệu tấn dầu và giảm tiêu thụ 800.000 tấn nhựa trong 4 năm sau lệnh cấm SUPF năm 2009.
Các yếu tố như chi phí sinh hoạt và trình độ học vấn ảnh hưởng đến hiệu quả cấm SUPF, các gia đình có thu nhập thấp đến trung bình có xu hướng không tuân thủ lệnh cấm nhiều hơn các gia đình có thu nhập cao, vì SUPF được cung cấp miễn phí. Những người có trình độ học vấn cao hơn có xu hướng thực hiện lệnh cấm SUPF rộng hơn và hiểu giá trị của lệnh cấm. Các yếu tố khác như vị trí địa lý, định hướng phát triển kinh tế, cũng ảnh hưởng đến lệnh cấm SUPF.
Nói chung, các lệnh cấm và thuế SUPF đã giảm đáng kể ở các khu vực đã áp dụng.
Chính sách khuyến khích
Chính sách khuyến khích cũng có giá trị và hiệu quả góp phần giảm thiểu SUPF như chương trình “StopSucking” khuyến khích người tiêu dùng từ chối sử dụng ống hút nhựa khi mua đồ uống và đóng góp vào kế hoạch cấm toàn thành phố ở Seattle. Một số công ty có tầm ảnh hưởng quốc tế đã thực hiện các chương trình riêng để giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng SUPF. Mặc dù các ví dụ về chính sách khuyến khích chưa đầy đủ, chưa giải quyết được triệt để nhưng cũng đã góp phần vào các kế hoạch tổng thể để giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần.
Các chiến lược về pháp luật và chương trình khuyến khích thúc đẩy thay đổi hành vi
Kết quả thảo luận về các biện pháp giảm SUPF bằng luật và không bằng luật, hai phương thức đều có giá trị bổ sung và ảnh hưởng lẫn nhau. Chương trình khuyến khích “StopSucking” đã thành công và là tiền đề cho lệnh cấm ở toàn thành phố ở Seattle, WA. Tương tự, chỉ thị (không phải luật) khuyến khích, đã áp dụng và hiệu quả. Hiển nhiên, hai hình thức này có thể áp dụng song song và đồng thời, phương thức thực hiện có thể “từ trên xuống” hoặc “từ dưới lên”. Một vấn đề khác cần xem xét là nhận thức của người tiêu dùng đối với chấp nhận (bằng luật) và sự tự nguyện (khuyến khích), cái nào hiệu quả hơn. Romer and Tamminen (2014) đã thảo luận về phí/thuế có tác dụng làm giảm đáng kể SUPF vì nó thúc đẩy nhanh hơn việc ban hành luật. Còn khuyến khích là những mong muốn thay đổi hành vi, chấp nhận thuế/phí và thực hiện luật cấm. Chiến lược giảm SUPF có thể kết hợp để đạt được tác động tích cực và có thể thay đổi hành vi và thói quen của con người hướng tới sự phát triển thân thiện môi trường.
Định hướng tương lai giảm SUPF
Lệnh cấm nếu được thực thi đúng cách, nó là biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề gốc rễ, phương pháp quản lý chưa hiệu quả, các chính phủ cần cải thiện và khuyến khích tài chính để thay đổi hành vi tiêu dùng. Nhà bán lẻ, nhà sản xuất bằng các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy mô hình thiết kế và sản xuất sản phẩm thay thế. Tương lai, để thay đổi mức tiêu thụ SUPF, cần có sự phối hợp đa chiều của các bên có liên quan cùng song song thực hiện để giảm SUPF phổ biến và rộng khắp. Nghiên cứu phát triển sản phẩm thay trong tương lai nên hướng tới việc tiêu chuẩn hóa các phương pháp giám sát đánh giá đặc tính của nhựa, phân loại và những rủi ro nếu sử dụng SUPF và những cảnh báo về tác động ô nhiễm chất thải nhựa.
Kết luận
Chiến lược và các giải pháp để giảm sử dụng SUPF của các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ đều có hiệu quả. Thuế và lệ phí là những biện pháp can thiệp trực tiếp vào người tiêu dùng, bắt buộc thực hiện. Lệnh cấm hoàn toàn hoặc một phần điều chỉnh trên cơ sở SUPF đã có phương án sản phẩm thay thế. Đa số luật được ban hành thành ở nhiều cấp chính quyền (từ các thành phố cho đến liên bang). Có nhiều các biện pháp không phải là luật mà là khuyến khích mọi công dân tự nguyện thực hiện (như hệ thống bán lẻ thực phẩm và đồ uống). Những cách tiếp cận này sẽ giúp các biện pháp cải tiến hơn để hoàn thiện hệ thống luật giảm thiểu SUPF. Nhiều hình thức khác nhau, áp dụng đồng thời, song song sẽ có hiệu quả để giảm tiêu thụ SUPF lâu dài. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều nguồn SUPF và biện pháp thi hành luật còn bất cập chưa được giải quyết. Tuy nhiên, đánh giá này cho thấy, có nhiều biện pháp để áp dụng để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật được điều chỉnh cho phù hợp với từng khu vực được thực hiện.
http://rippi.com.vn/tong-quan-cac-giai-phap-han-che-su-dung-san-pham-nhua-dung-mot-lan-tiep-xuc-voi-thuc-pham-supf-cua-cac-nuoc-tren-the-gioi-bid572.html
Rippi
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023