Mặc dù thị trường còn nhiều thách thức xen lẫn cơ hội, nhưng các DN ngành giấy vẫn có kế hoạch mở rộng sản xuất – kinh doanh. Hơn nữa, triển vọng từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu cho DN ngành giấy.
Các DN ngành giấy vẫn đầu tư mở rộng sản xuất để đón đầu cơ hội từ FTA
Doanh nghiệp còn gặp khó
Theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), cả nước hiện có hơn 300 DN trong lĩnh vực sản xuất giấy, đa phần các DN có quy mô nhỏ dưới 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu giấy thời gian qua đều có mức tăng trưởng khả quan, hoạt động xuất khẩu vẫn được duy trì và có tăng trưởng. Vì thế, trong những tháng cuối năm và đầu năm sau, giấy bao bì có nhiều triển vọng khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do nền kinh tế nước này đang phục hồi nhanh. Xuất khẩu giấy tissue cũng có triển vọng rất tốt khi nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, giấy in, viết thì do nhu cầu trong khu vực rất yếu và tồn kho vẫn đang cao, cạnh tranh giá bán khốc liệt nên việc kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.
Với xu hướng tích cực của thị trường, kết quả kinh doanh của các DN ngành giấy có sự phân hóa rõ rệt, khi nhiều DN vẫn ghi nhận lãi lớn nhưng cũng có DN nhỏ và vừa lại gặp khó. HĐQT Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DHC) mới đây dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường vào đầu tháng sau về việc tăng kế hoạch doanh thu lên 15%, từ 2.338 tỷ đồng lên 2.680 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 50%, từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Hiện nay, 9 tháng đầu năm 2020, DHC đã đạt doanh thu thuần gần 2.022 tỷ đồng và lãi ròng 237 tỷ đồng lãi ròng, gấp lần lượt 2,6 lần và 3,1 lần cùng kỳ. Theo ban lãnh đạo DHC, kết quả này có được là nhờ Nhà máy Giao Long - giai đoạn 2 đi vào hoạt động từ cuối năm trước, sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh.
Còn đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco, 9 tháng năm 2020 ghi nhận 241 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 15 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ riêng trong quý 3, DN này lại có sự tăng trưởng mạnh tới 23,4% so với cùng kỳ về lợi nhuận sau thuế. Theo ban lãnh đạo Hapaco, nguyên nhân là do trong quý 3, dù chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19 tới kinh doanh, nhưng các DN thành viên đã cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, tối giản chi phí… nên kết quả lợi nhuận tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Với các DN ngành giấy quy mô nhỏ và vừa, tình hình sản xuất – kinh doanh không thực sự khả quan. Theo ông Hà Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang, nếu như những năm trước, công ty sản xuất – xuất khẩu mặt hàng giấy có trị giá trung bình lên tới 7 triệu USD. Các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10%. Nhưng năm nay, trước “cơn bão” Covid-19 thì hoạt động kinh doanh đang chịu ảnh hưởng nặng nề, xuất khẩu giảm mạnh. Hơn nữa, không chỉ Covid-19, hoạt động xuất khẩu của DN còn chịu thiệt hại do giá container tăng mạnh tới 3-4 lần so với trước đây, giấy lại là mặt hàng tốn nhiều diện tích, tốn nhiều container nên ảnh hưởng lớn tới doanh thu của DN.
Kỳ vọng từ FTA
Theo đại diện VPPA, những tháng cuối năm, DN xuất khẩu giấy phải chịu thách thức từ sự cạnh tranh về giá bán với giấy nhập khẩu từ Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan… Đặc biệt, do tình hình lao động mất việc làm, DN phải tạm thời đóng cửa hoặc đóng cửa hoàn toàn tăng nhanh, người dân thắt chặt chi tiêu… nên nhu cầu giấy in, giấy viết cũng sẽ giảm. Xuất khẩu giấy bao bì vào các thị trường Indonesia, Philippines, Ấn Độ, khu vực châu Phi, Nhật Bản, Tây Âu dự báo cũng sẽ bị thu hẹp lại.
Tuy nhiên, các DN vẫn không để những thách thức trên ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, mà vẫn cố gắng đầu tư để duy trì sản xuất. Mới đây, Tập đoàn Hapaco đã quyết định đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất giấy tissue với kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh. Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Giấy Việt Trì đã thông qua kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất giấy bao bì với công suất 100.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần XNK Bắc Giang cũng đầu tư mở rộng nhà máy, máy móc, dây chuyền sản xuất cũng như nâng cấp trang thiết bị…
Đặc biệt, các DN ngành giấy đang đặt nhiều kỳ vọng vào các FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết. Như mới đây, Hiệp định RCEP được ký kết sẽ tạo sự thay đổi về thời gian áp dụng và mức thuế quan đối với một số loại giấy và bìa, nhiều quốc gia sẽ giữ nguyên mức thuế, đồng thời có lộ trình giảm, hạ về 0% các mức thuế giấy, bìa… Ông Hà Ngọc Hoa kỳ vọng, việc tham gia vào các FTA này sẽ giúp xuất khẩu của DN tăng 2-3 lần so với trước đây khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, giúp các DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa đều có thể xuất khẩu, kể cả các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, ông Hoa nhấn mạnh, những kỳ vọng này chỉ có thể đạt được khi dịch Covid-19 chấm dứt hoặc thế giới có vắc xin phòng chống dịch, nếu không thì việc xuất khẩu, giao thương quốc tế vẫn sẽ gặp bất lợi.
http://rippi.com.vn/doanh-nghiep-giay-tang-dau-tu-ky-vong-xuat-khau-tu-fta-bid586.html
Rippi
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023