Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940506864
Chú trọng nghiên cứu chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp giấy

Mặc dù không phải là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, song các sản phẩm đại diện của ngành giấy như: Bột giấy, giấy in, viết, tissue… lại là những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống. Những năm gần đây ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường.

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô - Bộ Công Thương là đơn vị nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực công nghiệp giấy. Viện luôn quan tâm chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao nhiều công nghệ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành giấy.

TS. Đặng Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã có cuộc trò chuyện với Trang TTĐT Khoa học công nghệ ngàng Công Thương (https://khcncongthuong.vn/) về những đóng góp trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện đối với sự phát triển ngành Giấy.

bi_ch_trng_nghin_cu...cng_nghip_giy_a1 

TS. Đặng Văn Sơn - Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô.
 

Chú trọng nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông có thể chia sẻ kết quả nghiên cứu KHCN nổi bật Viện đã đạt được trong thời gian qua?

TS. Đặng Văn Sơn:

Như chúng ta đã biết, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn ngành giấy Việt Nam có những bước phát triển đột biến, năng lực sản xuất giấy tăng trung bình trên 30%/năm; sản lượng sản xuất tăng trung bình trên 25%/năm; nhu cầu tiêu dùng tăng trên 12%/năm; nhập khẩu tăng trung bình 3%/năm và xuất khẩu tăng trung bình trên 65%/năm. Theo thống kê năm 2018, năng lực sản xuất đạt mức trên 5,5 triệu tấn; sản lượng sản xuất đạt 4,14 triệu tấn; nhu cầu tiêu dùng đạt 5,37 triệu tấn; nhập khẩu đạt 2,08 triệu tấn; xuất khẩu đạt sản lượng 0,85 triệu tấn. Năng lực sản xuất tăng chủ yếu đối với sản phẩm giấy bao bì và giấy tissue, các sản phẩm giấy in, viết về cơ bản không có nhiều sự biến động. Năng lực sản xuất tăng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, sản lượng giấy của doanh nghiệp FDI chiếm gần 50% sản lượng giấy sản xuất trong nước và chủ yếu là sản phẩm giấy bao bì công nghiệp và có xu hướng tăng trong giai đoạn tới khi một loạt các dự án mở rộng đi vào hoạt động có thể tăng năng lực sản xuất trên 1,5 triệu/năm.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất bột giấy về cơ bản không có nhiều thay đổi: sản lượng bột BHKP (bột giấy hóa học tẩy trắng) không thay đổi, sản lượng các loại bột hóa học không tẩy, bột bán hóa có xu hướng giảm do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt.

nhpkhugiyvovn

Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn ngành giấy Việt Nam có những bước phát triển đột biến, năng lực sản xuất giấy tăng trung bình trên 30%/năm.

Trước thực trạng đó, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong ngành nói chung và của Viện nói riêng thời gian qua chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguyên - nhiên - vật liệu trong sản xuất bột giấy BHKP; nâng cao chất lượng các sản phẩm giấy bao bì, giấy in và giấy viết, giấy tissue; nghiên cứu công nghệ sản xuất các mặt hàng giấy đặc biệt, giấy kỹ thuật; ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất bột giấy, sản xuất giấy và hóa chất phụ gia; cải tạo và nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn nhằm đạt yêu cầu về xả thải theo QCVN.

Trong giai đoạn 2016-2020 được sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ban ngành, đặc biệt là Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, Viện đã đề xuất và được giao thực hiện 06 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, 02 dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) cấp Nhà nước; 27 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 04 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ. Hầu hết các nhiệm vụ KHCN, dự án SXTN đều hướng tới chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất trong ngành; hoặc tạo ra sản phẩm mới thay thế hàng nhập khẩu, phục vụ tiêu dùng trong nước; hoặc là công cụ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành…

Hiện nay, Viện đã cải tạo nâng cấp dây chuyền sản xuất giấy tại xưởng thực nghiệm, nâng công suất lên tới 3 tấn/ngày trên cơ sở dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện. Với dây chuyền sau khi cải tạo có thể đạt công suất tới 1.000 tấn giấy/năm (gấp 3 lần so với khi chưa cải tạo), có thể sản xuất được nhiều mặt hàng giấy kỹ thuật cao.

Bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí từ NSNN thông qua các nhiệm vụ KHCN, dự án sản xuất, Viện cũng đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, nâng cao năng lực thử nghiệm và giám định các sản phẩm về giấy, bột giấy, nguyên liệu sản xuất giấy, bột giấy của Viện. Từ 2018-2020, Viện đã xây dựng được 01 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 (mã số VILAS 1051) về lĩnh vực giấy, bột giấy và các sản phẩm có liên quan; xây dựng được 01 phòng giám định đạt chuẩn ISO/IEC 17020:2012 (mã số VIAS 073) về lĩnh vực giấy, bột giấy, giấy loại và nguyên liệu gỗ, dăm mảnh gỗ, vật tư hóa chất ngành giấy.

Bằng sự nỗ lực của đơn vị cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ban ngành trong giai đoạn 2016-2020, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã từng bước ổn định, tạo tiền đề để phát triển bền vững và tăng cường tính tự chủ.

bi_ch_trng_nghin_cu...cng_nghip_giy_a2.jpg

Bộ Công Thương nghiệm thu các đề tài KHCN của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô.

Lấy doanh nghiệp là trung tâm

Được biết, các nghiên cứu của Viện phần lớn xuất phát từ nhu cầu thực tế và đã áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp trong ngành. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp ngành Giấy được Viện triển khai như nào?

TS. Đặng Văn Sơn:

Các hoạt động KHCN của Viện trong giai đoạn 2016-2020 đã tăng cường sự gắn kết hơn giữa đơn vị nghiên cứu và triển khai với các doanh nghiệp trong ngành, lấy doanh nghiệp là trung tâm để hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và hướng tới sản xuất sạch, sản xuất xanh.

Cụ thể, công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp được áp dụng triển khai sản xuất thương mại trên dây chuyền sản xuất tại Xưởng thực nghiệm của Viện và được chuyển giao cho 02 doanh nghiệp là Công ty CP Giấy Vạn Điểm, Công ty CP Giấy Việt Thắng. Với khối lượng hàng ngàn tấn/tháng, công nghệ đã thay thế phần lớn hàng nhập khẩu (từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Công nghệ cũng giúp các đơn vị gia công lớn như Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty CP Văn phòng phẩm Hải Phòng sản xuất tiêu dùng trong nước và tiến đến xuất khẩu.

Hiện tại, Viện đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị để đưa vào sản xuất thương mại chế phẩm sinh học xử lý nhựa để cung cấp cho Nhà máy giấy Bãi Bằng, Công ty CP Giấy An Hòa. Sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đây cũng là sản phẩm đầu tiên, duy nhất được nghiên cứu và ứng dụng ở quy mô công nghiệp đối với quá trình sản xuất bột giấy tại Việt Nam. Công nghệ này ứng dụng chế phẩm sinh học có chứa chủng xạ khuẩn CXD2-17 và vi khuẩn CVSCV1-1 cho xử lý nhựa trong dăm mảnh nguyên liệu gỗ trong quá trình sản xuất bột giấy hóa học tẩy trắng, giảm trên 70% hàm nhựa cây có trong dăm mảnh gỗ sau 14-21 ngày bảo quản mà chất lượng bột giấy không thay đổi, mức dùng kiềm giảm tới 2%, thời gian phải vệ sinh hệ thống chưng bốc - cô đặc tăng trên 50%, giảm trên 70% thời gian đứt giấy của máy xeo.

Công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor - Giá thể sinh học tự do) đã được Viện chuyển giao, ứng dụng trên hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Giấy Vạn Điểm công suất 4.200 m3/ngày đêm, chất lượng nước sau xử lý đạt cấp A theo QCVN 12-MT:2015/BTNMT. Ngoài ra, công nghệ này cũng đang tiếp tục được chuyển giao, ứng dụng tại dây chuyền 2 của Công ty CP Giấy Hưng Hà.

Dự án phối hợp giữa Viện và Công ty CP Giấy Vạn Điểm đã xây dựng được 01 dây chuyền sản xuất keo copolymer styren acrylate (SAE) dùng để chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp công suất 50 tấn/tháng đặt tại Công ty CP Giấy Vạn Điểm với nguồn vốn đối ứng của Công ty. Sản phẩm của dự án đã được thương mại hóa, cung cấp cho hơn 10 đơn vị sản xuất bao bì ở khu vực miền Bắc với giá thành hạ, chất lượng tốt hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành chỉ bằng 50%, giúp nâng cao khả năng chống thấm của sản phẩm giấy lên 15-20%, tiết kiệm nước sạch từ 30-50%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với dùng keo chống thấm nội bộ.

bi_keo_chng_thm....giy_bao_b_a2

Sản phẩm của dự án sản xuất thử nghiệm keo SAE tại công ty CP giấy Vạn Điểm.

Khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của Viện chắc chắn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động phối hợp, chuyển giao với doanh nghiệp. Viện có giải pháp nào để hoàn thành kế hoạch, tiến độ năm 2021 và trong giai đoạn tới?  

TS. Đặng Văn Sơn:

Thời điểm hiện tại, Viện đang gặp phải một số khó khăn như: phải tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư. Hiện nay, trang thiết bị của Viện nhìn chung đã cũ, chưa được đầu tư mới, nâng cấp nên rất khó khăn trong việc nghiên cứu thử nghiệm các công nghệ mới. Vấn đề nguồn nhân lực cho nghiên cứu và triển khai đang trong giai đoạn chuyển giao giữa các thế hệ, gây thiếu hụt cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là những cán bộ nghiên cứu có năng lực và chuyên môn cao.

Ngoài ra, do toàn bộ khuôn viên của Viện nằm trong khu dân cư nội thành Hà Nội nên việc ứng dụng sản xuất thực nghiệm kết quả của các đề tài, nhiệm vụ và mở rộng, tăng công suất sản xuất một số sản phẩm giấy đăc biệt công nghệ cao gặp khó khăn vì liên quan tới vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ và môi trường dân cư xung quanh…

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các nhiệm vụ KHCN triển khai ở các doanh nghiệp rất khó tiến hành do yêu cầu về phòng dịch và thực hiện 3 tại chỗ của Doanh nghiệp.

giy_bao_b_ng_dng_nh_tng

Sản phẩm giấy chống thấm bề mặt do Viện phối hợp nghiên cứu và sản xuất tại công ty CP giấy Vạn Điểm.

Đối với tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, trước hết Viện đã tăng cường tối đa công tác phòng dịch tại cơ quan theo hướng dẫn của Chính Phủ, của UBND thành phố Hà Nội. Viện thực hiện tiêm vắc-xin sớm, đủ liều cho tất cả CBVC, người lao động. Khuyến khích các đơn vị bố trí hợp lý cho cán bộ nhân viên làm việc online tại nhà và có kiểm soát, hàng tuần kiểm tra nội dung, tiến độ công việc thực hiện. Bố trí hợp lý cán bộ nghiên cứu thực hiện thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm. Xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện các nội dung công việc phối hợp với các đơn vị bên ngoài. Tận dụng mọi nguồn lực để duy trì và đảm bảo thu nhập cho CBVC, người lao động giúp mọi người ổn định, yên tâm làm việc và chống dịch.

Về lâu dài, Viện cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết khó khăn, cụ thể:

* Về nhân lực: Khuyến khích và tạo điều kiện tối đa về thời gian, trang thiết bị nghiên cứu, đề tài nghiên cứu đối với những cán bộ nghiên cứu có nguyện vọng học nâng cao trình độ, đặc biệt là trên đại học chuyên ngành công nghệ giấy, môi trường…; Tuyển dụng cán bộ nghiên cứu mới và cán bộ nghiên cứu có năng lực, trình độ chuyên môn cao; Tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là cán bộ trẻ đi thực tế các đơn vị sản xuất, phối hợp với các đơn vị sản xuất trong xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất.

Tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu có năng lực, tâm huyết làm chủ nhiệm đề tài, chủ nhiệm dự án. Thực hiện cơ chế khoán đề tài, nhiệm vụ KHCN để nâng cao tính chủ động, trách nhiệm cá nhân và tăng thu nhập cho cán bộ nghiên cứu. Rà soát, đánh giá lại năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ nghiên cứu hiện có để bố trí đúng người đúng việc, phát huy tối đa sở trường của từng người. Đào tạo lại về lý thuyết công nghệ cũng như thực tế sản xuất cho số công nhân hiện có nhằm đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm mới, trang thiết bị mới.

* Về đầu tư: Trong giai đoạn tới, Viện sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư các trang thiết bị nghiên cứu, kiểm định, máy móc thiết bị sản xuất cho các Trung tâm nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, dịch vụ phân tích, kiểm định và giám định sản phẩm và mở rộng sản xuất.

Song song với đó Viện lập đề án và báo cáo Bộ Công Thương và thành phố Hà Nội nhằm nhanh chóng thực hiện việc di dời Trung tâm Sản xuất Thực nghiệm ra ngoài nội thành, để tăng cường công tác ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất công nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho CBVC và người lao động. Giảm thiểu những rủi ro liên quan tới vấn đề về an toàn phòng cháy và môi trường dân cư xung quanh.

* Về tổ chức quản lý: Tiếp tục xây dựng, sửa đổi và ban hành các nội quy, quy chế nội bộ để đảm bảo hoạt động nghiên cứu khoa học có hiệu quả. Liên tục đổi mới công tác nghiên cứu - triển khai các đề tài, dự án theo hướng các kết quả của đề tài, dự án phải trở thành hàng hóa và có khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất. Cải tiến công tác xây dựng và giao kế hoạch nghiên cứu khoa học theo hướng tăng cường tính chủ động và trách nhiệm cho các đơn vị và các cán bộ nghiên cứu khoa học.

Tăng cường quản lý nội bộ, tiết kiệm chi tiêu, đầu tư hiệu quả các dự án. Cùng với đó, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ.

Hướng tới phát triển bền vững

Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã và đang từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển, nghiên cứu của Viện trong thời gian tới?

TS. Đặng Văn Sơn:

Theo dự báo, trong giai đoạn 2021-2025 và tới năm 2030, ngành giấy Việt Nam sẽ vẫn có mức tăng trưởng cao, chủ yếu là các sản phẩm giấy bao bì, giấy tissue. Với sản phẩm giấy bao bì, giấy tissue trong những năm tới sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy trong nước tăng cao là do nhu cầu về bao bì của các ngành nông nghiệp, thủy sản, may mặc, giầy da… ngày một tăng. Mặt khác việc hạn chế rác thải nhựa, túi nilon, nhựa dùng một lần cũng thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm giấy để thay thế.

Do vậy định hướng các hoạt động khoa học công nghệ của ngành giấy Việt Nam trong giai đoạn này sẽ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: (1) Chính sách quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp thu gom tái chế và quản trị doanh nghiệp; (2) Ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, vật liệu nano trong công nghiệp giấy; (3) Ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0; (4) Tận dụng, tái chế, tái sử dụng và xử lý các loại chất thải công nghiệp giấy, phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiêp giấy; (5) Vật liệu, bao bì giấy thân thiện môi trường thay thế túi nilon, nhựa dùng một lần; (6) Vật liệu mới trên nền xenlulo; (7) Giấy đặc biệt ứng dụng trong thực phẩm, bảo an, an ninh quốc phòng, khử khuẩn…; (8) Thiết bị và hệ thống tái chế giấy loại, thiết bị và hệ thống lò hơi sử dụng sinh khối cho hiệu suất cao… 

Trên cơ sở định hướng chung của ngành, với năng lực nghiên cứu hiện tại và khả năng phát triến trong giai đoạn tới, định hướng hoạt động KHCN của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô giai đoạn 2021-2025, có xét tới 2030 sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Tiếp tục nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học cho quá trình xử lý nguyên liệu nhằm giảm các hợp chất nhựa tạo thành trong quá trình sản xuất bột giấy và sản xuất giấy; Tiếp tục nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại giấy kỹ thuật, vật liệu xenlulo, dẫn xuất xenlulo, tấm xenlulo đặc biệt nhằm thay thế các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, bảo mật và y tế; Nghiên cứu sản xuất, ứng dụng các phụ gia và hóa chất, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường dùng trong quá trình sản xuất giấy bao bì nhằm tiết kiệm năng lượng, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu các giải pháp công nghệ thu hồi, tận thu và tái sử dụng các sản phẩm phụ, các chất thải của quá trình sản xuất bột giấy và giấy, nghiên cứu các giải pháp công nghệ giảm thải tại nguồn, giảm khối lượng chất thải phải xử lý; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học mới, tiên tiến cho xử lý chất thải ngành giấy. Đồng thời, Viện sẽ kết hợp với các Bộ, ban ngành nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm giấy, bột giấy và các sản phẩm liên quan.

http://rippi.com.vn/chu-trong-nghien-cuu-chuyen-giao-cong-nghe-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-nganh-cong-nghiep-giay-bid704.html

RIPPI

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939