VPPA-Sau một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã bước đầu phát huy hiệu quả của một hiệp định thực chất và được kỳ vọng cao.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) cho biết, sau một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), số liệu cấp C/O EUR.1 phản ánh, EVFTA đã bước đầu phát huy hiệu quả của một hiệp định thực chất và được kỳ vọng cao, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Hơn một năm qua, doanh nghiệp Việt đã chớp được thời cơ gia tăng xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA ở mức độ nào?
Từ ngày 1/8//2020 đến 31/12/ 2020, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 70.759 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 2,65 tỷ USD đi 27 nước EU, chiếm 15,06% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Tính từ đầu năm đến ngày 31/10/ 2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 168.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD, tương đương 20,37% kim ngạch xuất khẩu đi EU.
Kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang EU sau hơn một năm triển khai được xem là khá tốt, thậm chí, tỷ lệ cấp 20,37% đã đạt mức tương đương một số hiệp định thương mại tự do (FTA) khác sau nhiều năm thực thi.
Cần lưu ý, con số 20,37% chỉ là tỷ lệ cấp trung bình của mẫu C/O EUR.1 từ đầu năm đến hết tháng 10. Tỷ lệ cấp C/O khác nhau theo thị trường từng nước EU (Luxembourg 69,51%, Bỉ 48,82%, Pháp 29,31%) và mặt hàng xuất khẩu (da giày hơn 90%, thuỷ sản hơn 70%, sản phẩm cao su 20%).
Như vậy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều hơn?
Chúng ta không chỉ nhìn vào tỷ lệ cấp C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu để nhận định doanh nghiệp đang tận dụng FTA cao hay thấp. Tỷ lệ cấp C/O EUR.1 20,37% không có nghĩa là gần 80% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam đi EU phải chịu thuế cao. Bởi vì, chúng ta còn chưa tính các lô hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ theo EVFTA, hay những lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP, hoặc các lô hàng xuất khẩu hưởng thuế MFN trong WTO cũng chiếm một lượng đáng kể.
EVFTA chỉ mới có hiệu lực được hơn một năm, nhưng từ những năm trước đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi GSP của EU đơn phương dành cho Việt Nam. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu còn hưởng MFN 0% theo cam kết của EU trong WTO.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương)
Những mặt hàng xuất khẩu nào của ta đang được cấp C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch cao nhất, thưa bà?
Giày dép đang là ngành dẫn đầu với 90,79% lô hàng giày dép của ta xuất khẩu đi EU đều được cấp C/O, trị giá 3,94 tỷ USD. Tiếp đến là thủy sản, vali, túi xách, các loại kim loại, sắt thép, cao su và sản phẩm cao su, thủy sản, gạo.
Từ đầu năm đến hết tháng 10/2021, giày dép, dệt may, thủy sản, nhựa đang được cấp C/O với kim ngạch cao… Nhưng điều này không có nghĩa là nhóm hàng nông sản có tỷ lệ cấp C/O không cao, bởi trị giá của mặt hàng công nghiệp lớn hơn nhiều so với mặt hàng nông nghiệp. Ngoài việc chỉ so sánh đơn thuần về trị giá, nếu nhìn vào số lô hàng điện thoại hay cà phê được cấp C/O trong tổng số các lô hàng đã xuất, thì sẽ thấy tương quan từ một cách tiếp cận khác.
Theo quy định tại EVFTA, C/O EUR.1 được phép cấp sau thời điểm xuất khẩu, nên có trường hợp tỷ lệ cấp C/O theo thị trường hoặc theo mặt hàng không phản ánh hoàn toàn mức độ sử dụng C/O tại thời điểm thống kê. Các mặt hàng có kim ngạch sử dụng C/O cao là các mặt hàng mà mức thuế quan ưu đãi FTA của EU dành cho Việt Nam thấp hơn so với GSP và tiêu chí xuất xứ EVFTA lỏng hơn hoặc tương đương GSP.
Một số doanh nghiệp băn khoăn rằng, hàng hoá đã xuất khẩu hàng sang EU theo GSP hoặc MFN, thủ tục thông quan tại nước nhập khẩu cũng đã xong, thì liệu EU có cho phép đổi chứng từ theo EVFTA hay không?
Hiện nay, với những lô hàng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu vào EU, EU vẫn sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA. Đây là điểm doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng và được hưởng ưu đãi thuế quan theo cách này. Đó là trường hợp hàng hóa xuất khẩu sang EU sử dụng C/O mẫu A, đã được nhập khẩu vào EU, nhưng các nước EU vẫn cho Việt Nam hưởng ưu đãi theo EVFTA, nếu thuế quan EVFTA thấp hơn GSP.
Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với 14 FTA đã có hiệu lực và từ đầu năm tới có thêm RCEP. Bà có lưu ý gì với các doanh nghiệp để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng?
Xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, nhưng cũng vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp cần có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường mà Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan.
Trước kia, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ đề nghị cấp C/O ưu đãi theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa theo từng thị trường để xây dựng kế hoạch kinh doanh và đầu tư sản xuất phù hợp.
Vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu, nắm rõ quy tắc xuất xứ theo từng thị trường, từng cam kết cụ thể. Cuối cùng, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp chứng từ chứng nhận xuất xứ được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Theo Báo Đầu tư
http://vppa.vn/doanh-nghiep-tan-dung-tot-uu-dai-evfta/
VPPA
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023