VPPA-Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng từ dịch Covid-19, diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 được tổ chức với chủ đề chính "Phát triển nhân lực logistics". Trong đó, làm rõ các giải pháp khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực logistics sau đại dịch và xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phát triển nguồn nhân lực logistics là vấn đề không mới, nhưng có ý nghĩa then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics
Logistics Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics” do Bộ Công Thương chủ trì đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Sau hai Phiên Hội thảo chuyên đề, chiều nay (14/12), Phiên Toàn toàn thể của Diễn đàn đã được diễn ra với sự tham dự của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng nhiều đại biểu khách mời.
Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Theo Bộ Công Thương, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đòi hỏi doanh nghiệp ngày càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, trong đó có vấn đề phát triển nguồn nhân lực logistics.
Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phát triển nguồn nhân lực nói chung và trong ngành logistics nói riêng đang là chủ đề mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời chuẩn bị cho việc phục hồi đà tăng trưởng sau tác động của dịch Covid-19.
Bộ trưởng nhấn mạnh, “đây là vấn đề không mới, nhưng có ý nghĩa then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
Cũng theo Bộ trưởng, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14-16%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021 duy trì mức tăng trưởng hai con số, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định, ngành logistics của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển
Cùng quan điểm, dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trên 160 quốc gia và đứng thứ 3 trong ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động logistics có tăng, đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong top 10 Chỉ số Logistics thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt khoảng 14-16%/năm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ưu tiên phát triển nhân lực và tập đoàn logistics
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn đồng thời đặt ra những thách thức cho ngành logistics Việt Nam.
Trưởng Ban kinh tế Trung ương chỉ rõ, dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam tiếp tục bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% GDP.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển…
Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới.
Ngoài ra, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao.
Bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam chỉ ra những thách thức và cơ hội phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới
Trong khi đó, bà Carolyn Turk – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam cũng cho rằng, trong năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao; thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp…
Nêu nguyên nhân khiến ngành logistics Việt Nam phát triển chưa xứng tầm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đó là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực logistics. Việc đào tạo chuyên sâu về logistics chưa được quan tâm đúng mức; quy mô đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics chưa đầy đủ, đồng bộ; Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế. Đặc biệt, việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế, chưa bắt kịp xu thế quốc tế, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phát triển ngành logistics nói chung và nhân lực ngành logistics nói riêng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công Thương mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Do vậy, Bộ trưởng Công Thương đề nghị và khuyến khích các công ty logistics trong nước nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghệ lần thứ Tư trong lĩnh vực logistics nhằm thúc đẩy tự động hóa tối đa các quy trình hoạt động, giúp hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất và cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng trong điều kiện nhân lực hạn chế và thị trường có nhiều biến động.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị, các doanh nghiệp gấp rút triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; kết nối các phương thức vận tải; xúc tiến thành lập các khu thương mại tự do, tạo điều kiện cho các địa phương có lợi thế phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm quản lý thống nhất chất lượng hàng hóa, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt đề nghị việc tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngay sau Phiên toàn thể, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi về các chủ đề như “Ngành Logistics Việt Nam trước những vận hội mới”, “Phát triển nhân lực logistics – yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics”, “Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và những tác động đối với Việt Nam”…
Cũng trong Phiên này, Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2020-2021; Báo cáo Logistics Việt Nam 2021; Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị cũng đã được diễn ra.
Theo Tạp chí Công thương
http://vppa.vn/dien-dan-logistics-viet-nam-2021-uu-tien-phat-trien-nhan-luc-va-tap-doan-logistics/
VPPA
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023