VPPA-Một năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Ngành giấy Việt Nam nói riêng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường biến động, chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ trong đại dịch có nhiều thay đổi đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với Ngành, với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (Hiệp hội) đã thực sự đồng hành với với các hội viên, với Ngành vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19.
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một năm nữa đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như đối với các doanh nghiệp Ngành giấy nói riêng. Tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn và căng thẳng kéo dài, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho các doanh nghiệp còn nặng nề hơn so với năm 2020, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người lao động.
Các doanh nghiệp Ngành Giấy đã gặp phải rất nhiều khó khăn, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung giấy phế liệu thiếu, chi phí logistics và vận tải đường biển tăng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành còn chịu thiệt hại rất lớn do phải thực hiện các biện pháp vừa chống dịch vừa sản xuất như “3 tại chỗ, một cung đường, hai điểm đến”, chi phí sản xuất gia tăng, chi phí ăn ở và xét nghiệm Covid cho công nhân thực hiện sản xuất tại chỗ; gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và gián đoạn chuỗi tiêu thụ sản phẩm…
Nối tiếp năm 2020, một năm hoạt động với nhiều sự kiện nổi bật và thành công, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong năm 2021 vẫn được các cơ quan nhà nước đánh giá là một trong số các Hiệp hội Ngành nghề, hoạt động tích cực trách nhiệm, tiếp tục là cầu nối giữa các doanh nghiệp Hội viên với các Bộ, Ngành và cơ quan quản lý nhà nước. Nhất là trong vấn đề quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tích cực phản ánh và đề xuất tới các cơ quan quản lý nhà nước các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất bình thường.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp bị buộc phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Văn phòng Hiệp hội đã phối hợp cùng với các công ty kiến nghị tới Chính phủ, địa phương để tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình là việc phối hợp với Công ty CP XNK Bắc Giang, kiến nghị với chính quyền tỉnh cho công ty tổ chức mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, nhằm bảo đảm sản xuất của công ty, công nhân không nghỉ việc vừa bảo đảm phòng chống dịch, bảo đảm sản xuất. Hay như việc tháo gỡ khó khăn cho Công ty CP giấy Sài Gòn bị phong tỏa hoạt động trong thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4, Văn phòng Hiệp hội đã nhanh chóng kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, tới UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu… đề xuất và kiến nghị, xem xét tình hình thực tế và dỡ bỏ phong tỏa cho Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn, để công ty nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường trong cuối tháng 10/2021.
Ngoài những kiến nghị, đề xuất độc lập và cụ thể với các cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyên môn, Hiệp hội còn tích cực tham gia và phối hợp cùng với các Hiệp hội khác kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid, cụ thể như: tổ chức hoạt động sản xuất với mô hình “3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến”, “vùng xanh an toàn”, ưu tiên tiêm văc-xin” nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực phía nam; giảm tiền điện cho các doanh nghiệp Ngành giấy giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021; kiến nghị về hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, không phải quyết toán thuế 2020; tạm thời bỏ quy định về số giờ làm thêm hàng tháng không quá 40 giờ, vì các nhà máy sản xuất giấy thường xuyên hoạt động 24/24, trong khi nhân lực thiếu hụt; cũng như ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid cho người lao động thuộc Ngành giấy…
Trong năm 2021, Hiệp hội đã gửi nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất tới các cơ quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khác về nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020. Tham dự các Hội thảo chuyên đề và tham gia góp ý cho các dự thảo Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các nội dung kiến nghị của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam hầu như đã được các Ban soạn thảo Nghị định, Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia chấp thuận và sửa đổi, có văn bản đã được ban hành, có văn bản đã được thông báo kết quả sửa đổi và chờ ban hành.
Trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Hiệp hội đã kiến nghị và đã được Ban soạn thảo chấp thuận và đưa vào văn bản nghị định ban hành, cụ thể:
– Tiếp tục gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nhằm cụ thể hoá việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp vượt qua đại dịch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 (Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19);
– Tiếp tục gia hạn việc lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục khí thải, nước thải đến hết 31 tháng 12 năm 2024;
– Cho phép xử lý đốt rác thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường, điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường, thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp;
– Nâng mức lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200m3/ngày (24 giờ) lên 500m3/ngày (24 giờ) mới bắt buộc phải lắp đặt quan trắc môi trường tự động;
Về việc tham gia góp ý xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam: Hiệp hội đề xuất và kiến nghị việc ban hành các QCVN cần phải phù hợp với trình độ công nghệ, quy mô kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành hoạt động, cụ thể:
– Trong dự thảo Quy chuẩn 33:2021/BTNMT (Quy chuẩn về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất), Hiệp hội đã kiến nghị về tỷ lệ phần trăm tạp chất, độ ẩm của giấy thu hồi nhập khẩu, về phương pháp phân hạng và xếp loại nguyên liệu;
– Trong dự thảo QCVN 40:2021, thay thế cho QCVN 12-MT:2015 (Quy chuẩn nước thải công nghiệp trong ngành giấy), Hiệp hội đã kiến nghị loại bỏ các chỉ tiêu về AOX, dioxin-fural trong nước thải của các nhà máy bột giấy và giấy. Kết quả trong Dự thảo cơ quan soạn thảo đã chấp nhận và loại bỏ các chỉ tiêu dioxin-fural ra khỏi danh mục các chỉ tiêu phải xét nghiệm tại nhà máy sản xuất giấy từ nguyên liệu giấy thu hồi, chỉ xem xét áp dụng chỉ tiêu này đối với các nhà máy bột giấy có sử dụng công đoạn tẩy trắng;
– Kiến nghị về những bất cập trong việc cấp chi tiết các mã HS trong Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đề nghị cơ quan cấp phép chỉ nên cấp tổng khối lượng phế liệu và các loại mã HS được nhập, không nên cấp khối lượng chi tiết cho từng mã HS. Điều khoản này, cơ quan quản lý đồng ý về chủ trương và đang xem xét, xin ý kiến chuyên gia và sớm trả lời;
Trong năm 2021, Văn phòng Hiệp hội cũng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công của của cơ quan quản lý chuyên môn đó là Bộ Công Thương, điển hình là thực hiện việc xây dựng “Chiến lược Ngành công nghiệp Giấy Việt Nam giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nhiệm vụ có quy mô lớn và khá là nặng nề, phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cùng với việc xây dựng Chiến lược ngành, Văn phòng còn thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ khác theo sự phân công của Bộ Công Thương như: Đổi mới khoa học công nghệ trong ngành; Quản lý nguyên liệu giấy thu hồi…
Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thực hiện các chỉ thị về phòng chống dịch của Thủ tướng cũng như của các địa phương, Văn phòng Hiệp hội đã không thể tổ chức các hội nghị và hội thảo, mặc dù Văn phòng đã chuẩn bị chi tiết về nội dung và kế hoạch thực hiện các sự kiện này như: Hội thảo về lò hơi đồng đốt trong các nhà máy giấy; Hội thảo về kinh tế tuần hoàn; Hội nghị toàn thể hội viên và Hội thảo kỹ thuật ngành giấy năm 2021. Chính điều này cũng gây khó khăn về mặt tài chính cho Văn phòng Hiệp hội, nguồn thu tài chính bị cắt giảm, duy nhất chỉ còn từ hội phí hội viên, nhưng Văn phòng vẫn thực hiện và phải chi phí cho các công việc thường xuyên, mua thông tin, cũng như chi phí cho việc chuẩn bị các hội nghị, hội thảo nhưng không được tổ chức.
Mặc dù không phải là cơ quan chuyên môn về công tác truyền thông, nhưng Văn phòng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam vẫn thực hiện và duy trì đều đặn các công tác thông tin thường xuyên của Văn phòng: mua thông tin từ nước ngoài, thông tin và dữ liệu hải quan, thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, dịch thuật, biên tập, sàng lọc thông tin, biên soạn và phát hành đều đặn các Bản tin kinh tế ngành, cập nhật tin lên trang Website, phát hành Tạp chí (online), cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành và phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Trong năm 2021, số lượng hội viên của Hiệp hội đã tăng thêm 03 Hội viên, thành phần hội viên của Hiệp hội có sự đồng đều về các lĩnh vực, ngành nghề như: sản xuất, đào tạo, dịch vụ và môi trường…, nhưng trong đó các doanh nghiệp hội viên sản xuất vẫn chiếm đa số, đổi mới cả về chất và lượng trong các lĩnh vực: đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2021 – Mặc dù phải liên tục đối phó với đại dịch, thị trường liên tục xáo trộn và biến động, giá nguyên liệu đầu vào (giấy thu hồi) và chi phí vận tải lên cao, chi phí hoạt động gia tăng. Tuy vậy, theo như số liệu thống kê của Văn phòng Hiệp hội thì hai chỉ tiêu tiêu dùng và sản xuất của ngành vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng; Tổng tiêu dùng giấy các loại năm 2021 ước đạt 5,702 triệu tấn, tăng 4,2% so với 5,40 triệu tấn của năm 2020, trong đó giấy bao bì đạt 4,65 triệu tấn, tăng 6,2%; Tổng sản lượng giấy các loại ước đạt 5,35 triệu tấn, tăng 4,6% so với 5,0 triệu tấn của năm 2020, trong đó riêng giấy bao bì tăng 6%, đạt 4,57 triệu tấn.
Các dự án đầu tư dây chuyền sản xuất giấy bao bì giai đoạn cuối 2020 và đầu 2021 đã bắt đầu hoạt động ổn định và cung cấp sản phẩm ra thị trường như: Công ty CP giấy Marubeni, Công ty CP giấy Khôi Nguyên, Công ty CP giấy Toàn Cầu, Công ty CP giấy Phát Đạt, Công ty CP giấy Tân Huy Kiệt, Công ty giấy Miza, Công ty giấy Hưng Hà, Công ty CP giấy Việt Trì…. Cùng với đó các dự án đầu tư mới đã được cấp phép đầu tư cũng đang bước vào giai đoạn chuẩn bị mặt bằng và tiến hành xây dựng và lắp máy như: Công ty TNHH giấy VinaKraft (tại Vĩnh Phúc), Công ty TNHH Cheng Loong (Bình Dương), Công ty CP giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty CP giấy Hoa Lư, Công ty CP giấy Hoàng Hà Hải Phòng, Công ty CP giấy Thành Dũng…
Năm 2021 đã qua đi, một năm khó khăn đối phó với đại dịch Covid của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như của các doanh nghiệp Ngành giấy, của Văn phòng Hiệp hội nói riêng. Văn phòng đã thực hiện được nhiều việc lớn, có ý nghĩa và có giá trị đối với Ngành, đối với doanh ngiệp như: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid, gia hạn giấy phép nhập khẩu phế liệu; Kiến nghị, đề xuất cho Nghị định, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; Xây dựng chiến lược Ngành; Thực hiện các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ…, cũng như một số các công việc được phân công khác. Mặc dù vậy, vẫn còn những tồn tại khách quan và chủ quan như không thể tổ chức được các Hội nghị, Hội thảo đã lên kế hoạch, đã dày công chuẩn bị cả về nội dung cũng như các công việc hậu cần kỹ thuật…
Bước sang năm 2022, một năm nữa đang chờ đón phía trước, Văn phòng cũng có những phương hướng cho hoạt động của mình, tiếp tục thực hiện tốt các công việc thường xuyên của Văn phòng, sẵn sàng tổ chức các hội nghị, hội thảo khi điều kiện cho phép, thực hiện các công tác chuyên môn, các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ được giao.
Dịch Covid vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề tới đời sống chung của xã hội, việc hồi phục và phát triển trở lại sau đại dịch là cả một giai đoạn đầy cam go phía trước, nhưng với tinh thần trách nhiệm Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, là đại diện đáng tin cậy và có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Ngành giấy Việt Nam./.
BAN BIÊN TẬP
http://vppa.vn/2021-dai-dich-covid-19-va-mot-nam-nua-vuot-kho-cua-nganh-giay-viet-nam/
VPPA
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023