Ngày 25/11/2015 tại Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc trọng thể Hội nghị thường niên Liên đoàn thời trang châu Á lần thứ 12. “Thời trang châu Á – Giá trị và sự khác biệt” là chủ đề của AFF 2015. Hiệp hội Dệt May Việt Nam – thành viên thứ 6 của AFF đăng cai tổ chức Hội nghị lần này nhân năm AFF Việt Nam làm chủ tịch luân phiên của AFF.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và đoàn chủ tịch AFF trong Lễ khai mạc Hội nghị
Được biết, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á vào năm 2009. AFF ra đời năm 2002 với 3 thành viên là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2007 và 2008 có thêm Singapore và Thái Lan gia nhập. AFF có mục tiêu gia tăng nỗ lực giữa các nước thành viên nhằm sử dụng các nguồn lực thời trang châu Á để thực hiện khát vọng gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu châu Á ra thị trường thế giới. Sau 12 năm phát triển, AFF đã trở thành một tên tuổi lớn trong ngành thời trang toàn cầu, có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa xây dựng tầm nhìn chiến lược, chuỗi liên kết Thời trang châu Á, mang đến lợi ích cho các thành viên, thu hút sự quan tâm của xã hội. Hội nghị AFF được tổ chức mỗi năm một lần tại mỗi nước nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong AFF. Sự chủ động và nỗ lực không ngừng của mỗi nước góp phần tạo nên một hệ thống tương tác chia sẻ lẫn nhau về thông tin và bí quyết để vươn lên trong ngành thời trang. Và Thương mại thời trang châu Á đã thực sự lớn mạnh, phát triển và có ảnh hưởng đáng kể tới thương mại thời trang thế giới.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, Chủ tịch AFF Việt Nam cho biết, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam thời gian qua trải qua nhiều khó khăn, nhưng ngành DMVN vẫn gặt hái được những thành tựu đáng kể: Tổng KNXK đạt 24,7 và ước đạt 27,4 tỷ đô la lần lượt trong các năm 2014 và 2015. Nhật Bản (một trong những thành viên của AFF) cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của DMVN. Việt Nam cũng nằm trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Những thành tích này có phần đóng góp của ngành thời trang và thiết kế trong nước. Tuy nhiên DMVN còn phụ thuộc nhiều vào may gia công nên giá trị gia tăng trên sản phẩm may mặc còn thấp. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu NPL chủ yếu từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Trong những năm tới, với tác động của các FTA, TPP, mang lại những cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng về 0, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khâu còn yếu của DMVN như dệt, nhuộm hoàn tất để cùng chia sẻ, hưởng lợi ích do các FTA, TPP mang lại, tạo điều kiện cho các DN DMVN tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận và tham gia các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Trong những năm qua, tham gia AFF, các nhà thiết kế Việt Nam và Dệt May Việt Nam cũng đã học hỏi được nhiều từ các thành viên AFF khác, và luôn mở rộng cửa đón nhận sự hợp tác của các thành viên này, trên tinh thần các bên cùng hưởng lợi, phấn đấu vì một nền thời trang châu Á phát triển và có bản sắc riêng, khác biệt.
Với sự kiện AFF 2015, có hội thảo do các chuyên gia hàng đầu đến từ các nước thành viên trình bày về thời trang như: Giới thiệu văn hóa, lối sống và phong cách thời trang Việt Nam; Phát triển sản phẩm thời trang (AFF Thái Lan); Áp dụng công nghệ thông tin E- Commerce vào kinh doanh thời trang của AFF Trung Quốc; Tăng cường tham gia chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và khu vực để tăng sức cạnh tranh... nhằm thúc đẩy phát triển nền thời trang và đào tạo các nhà thiết kế trẻ, giúp mỗi quốc gia có cơ hội chia sẻ thông tin liên quan đến công nghiệp thời trang.
Song hành với Hội nghị lần này là Triển lãm quốc tế thời trang và thiết bị NPL may mặc 2015. Hội nghị thường niên AFF thực sự thu hút các nhà nhập khẩu từ các nước trên thế giới đến tham gia và tìm kiếm đối tác, đồng thời mở ra cơ hội cho các DN, nhà thiết kế, đặc biệt các nhà thiết kế trẻ tìm kiếm được đơn hàng và đối tác. Hội nghị AFF 2016 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Cũng trong Lễ khai mạc Hội nghị AFF Hà Nội 2015, diễn ra cuộc trình diễn 6 bộ sưu tập mốt mới nhất đến từ 6 quốc gia thành viên AFF. Đại diện cho Việt Nam là nhà thiết kế Kelly Bùi với bộ sưu tập mốt mang màu đen huyền bí.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số hình ảnh trong các BST:
Thương hiệu Tom Dong - Trung Quốc
Thương hiệu Doblet - Nhật Bản
Thương hiệu Greedilous - Hàn Quốc
Thương hiệu ARC - Singapore
Thương hiệu Six PM - Thái Lan
Thương hiệu Kelly Bui - Việt Nam
Bích Hậu – Cẩm Hà
Vinatex
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023