Theo dự thảo, đối tượng rừng trồng thanh lý là: Rừng trồng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí trồng rừng thay thế trên diện tích đất được Nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng để đầu tư phát triển rừng không đạt tiêu chí rừng trồng hoặc không có khả năng phục hồi, phát triển do rủi ro thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác cần phải thanh lý.
Rừng trồng của dự án đầu tư phát triển rừng bằng nguồn vốn ODA, dự án do các tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ và nguồn thu hợp pháp khác bị rủi ro thiên tai hoặc do các nguyên nhân khác mà cần phải thanh lý thì thực hiện theo quy định của từng Hiệp định, văn kiện dự án hoặc thỏa thuận hợp tác đã ký kết với nhà tài trợ. Trường hợp trong Hiệp định, văn kiện dự án hoặc thỏa thuận hợp tác không có quy định cụ thể thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này.
Dự thảo nêu rõ cách xác định rủi ro như sau: Rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai. Rủi ro do các nguyên nhân khác như các yếu tố về đất đai, dịch bệnh, sâu bệnh, sinh vật gây hại rừng,… do cơ quan, đơn vị, tổ chức có rừng đề nghị thanh lý lập hồ sơ xác định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Thanh lý rừng trồng
Theo dự thảo, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thanh lý rừng của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan đơn vị quản lý rừng tổ chức thực hiện việc thanh lý rừng.
Phương thức, trình tự, thủ tục thanh lý rừng: tự thực hiện; đấu thầu.
Giá trị lâm sản tận thu (nếu có) được xác định theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức thực hiện thanh lý rừng trồng.
Các chi phí liên quan đến việc thanh lý tài sản được sử dụng từ nguồn thu từ thanh lý tài sản (nếu có). Trường hợp chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu lớn hơn số tiền thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu thì đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách của địa phương; đối với rừng trồng thuộc các cơ quan trung ương quản lý thì các cơ quan trung ương có rừng thanh lý xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách được giao hằng năm. Đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ trường hợp số thu từ thanh lý tài sản không đủ thì được lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý rừng trồng
Dự thảo nêu rõ, chi phí thanh lý rừng trồng bao gồm chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và tận thu lâm sản. Mức chi tổ chức thực hiện thanh lý rừng và tận thu lâm sản (nếu có) thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì cấp có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng quyết định mức chi, đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp. (1)
Các chi phí liên quan đến việc thanh lý rừng được sử dụng từ nguồn thu từ thanh lý rừng (nếu có). Chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu (nếu có) do tổ chức, cá nhân nhận thu mua lâm sản ứng trước và được khấu trừ vào giá trị lâm sản tận thu phải trả cho Nhà nước.
Trường hợp không có tổ chức, cá nhân nào đề nghị được thu mua lâm sản tận thu thì chi phí thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu do ngân sách nhà nước địa phương ứng trước để thực hiện đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý và do ngân sách nhà nước giao cho các Bộ, ngành trung ương có rừng thanh lý ứng trước đối với rừng trồng thuộc trung ương quản lý. Các khoản tạm ứng này được hoàn trả từ nguồn thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu.
Trường hợp chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu lớn hơn số tiền thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu thì đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách của địa phương; đối với rừng trồng thuộc các cơ quan trung ương quản lý thì các cơ quan trung ương có rừng thanh lý xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách được giao hằng năm.
Cơ quan quyết định thanh lý rừng trồng phê duyệt quyết toán chi phí tổ chức thực hiện thanh lý rừng và xử lý lâm sản tận thu theo quy định.
Số tiền thu được từ thanh lý rừng và lâm sản tận thu sau khi quyết toán hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản đã ứng để chi phí thanh lý theo các nội dung nêu tại phần (1) được phân chia chính sách hưởng lợi theo quy định. Đối với phần giá trị thuộc về nhà nước thì được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, cụ thể: nộp vào ngân sách trung ương đối với rừng trồng do Bộ, ngành trung ương quản lý; nộp vào ngân sách địa phương đối với rừng trồng do địa phương quản lý.
Theo báo Chính phủ
https://vppa.vn/de-xuat-quy-dinh-thanh-ly-rung-trong/
VPPA
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023