VPPA-Nhiều năm qua, Việt Nam đặt các chính sách ưu tiên dàn trải nhiều ngành công nghiệp, dẫn đến sự phát triển chưa hiệu quả, tuy nhiên một ngành rất quan trọng là công nghiệp tái chế lại chưa từng được ưu tiên.
Nói về việc phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, nhận xét, Việt Nam đang “ưu tiên tràn lan các ngành”. Điều này dẫn đến tình trạng “ngành mũi nhọn nhiều như gai mít, chẳng đâm được ai”.
Mặt khác, trong các ngành, chiến lược ưu tiên cũng rất dàn trải, không có sự rõ ràng, vì vậy không tối ưu hóa được nguồn lực.
Đây là những lý do khiến một số ngành công nghiệp tại Việt Nam dù được ưu tiên nhưng vẫn “mãi không chịu lớn”, đơn cử như ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, khó đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất sang các đối tác có ký kết hiệp định tự do thương mại.
Từ thực tế đó, ông Vượng đề xuất cần phải lựa chọn ra những mảng ưu tiên cốt lõi trong từng ngành công nghiệp, ví dụ như đối với ngành thép thì ưu tiên thép kỹ thuật, công nghệ cao; ngành dệt may ưu tiên sợi, vải; ngành nhựa ưu tiên nhựa kỹ thuật… để tạo sự lan tỏa ra toàn ngành.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng cần phải cân nhắc tới khi xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, là xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon.
Năm 2021, châu Âu đã đề xuất cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó kể từ năm 2023, các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải trong lượng hàng hóa nhập khẩu. Đây là tiền đề để châu Âu tiến hành đánh thuế carbon biên giới một số mặt hàng như sắt thép, phân bón kể từ năm 2023 và đánh thuế với tất cả các mặt hàng từ năm 2026.
Không chỉ EU mà nhiều thị trường phát triển khác cũng đang tăng cường biện pháp kỹ thuật liên quan đến phát triển bền vững. Điều này sẽ gây ra khó khăn rất lớn với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nếu sản phẩm, bao bì không tương thích với những điều kiện như thiết kế sinh thái, đảm bảo khả năng thu gom, tái chế…
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã nhanh chóng có động thái, ví dụ Hàn Quốc đã thành lập riêng một ủy ban để ứng phó với khó khăn và tận dụng cơ hội mà CBAM đem lại.
Xác định thị trường EU là thị trường quan trọng trong thương mại quốc tế, tuy nhiên Việt Nam lại đang gần như chưa có động thái gì trước những hàng rào kỹ thuật nói trên. “Chúng ta cứ nghĩ kinh tế xanh, giảm phát thải carbon là tương lai xa xôi nhưng thực tế nó đang đến chân chúng ra rồi”, ông Vượng trao đổi với Ban Kinh tế trung ương.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh đề xuất nên đặt cơ chế ưu tiên ngành tái chế, một ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng nhưng từ trước đến nay chưa từng được ưu tiên. Đặt mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, ngành công nghiệp tái chế là mảnh ghép không thể thiếu.
“Chúng ta tập trung vào các ngành sản xuất, rồi tiêu dùng nhanh nhưng lại chẳng nghĩ đến khâu sau tiêu dùng thì phải làm thế nào”, ông Vượng nhấn mạnh.
Giống như các ngành công nghiệp khác, cơ chế ưu tiên cho công nghiệp tái chế cũng cần được cụ thể hóa. Theo ông Vượng, cần tập trung tái chế những loại rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như bao bì nhựa; pin và ắc quy; dầu nhớt, săm lốp… theo nguyên tắc phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo không gây hại tới môi trường.
Phát triển ngành công nghiệp tái chế không chỉ giải quyết nạn ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế hàng tỷ USD. Tính riêng năm 2021, ngành nhựa phải nhập khẩu 11 tỷ USD hạt nhựa nguyên sinh và 8 tỷ USD nhựa thành phẩm, bán thành phẩm. Nếu có ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn, Việt Nam có thể tiết kiệm được 3 – 4 tỷ USD, thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo thiết bị tái chế và tạo việc làm cho hàng vạn lao động trong nước.
Để ưu tiên ngành tái chế, cần tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách. Đó là các vấn đề từng được ông Vượng đề cập tại nhiều diễn đàn, hội thảo về kinh tế tuần hoàn như phân loại rác tại nguồn, tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm theo hướng sinh thái; quy định tỷ lệ nguyên liệu tái sinh bắt buộc; sản xuất cho tái chế; tiêu dùng bền vững…
Cùng với đó, một số vấn đề liên quan đến kinh tế xanh cần phải nhanh chóng triển khai như thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Chuyên gia ngành tái chế nhận xét, Nghị định 06/NĐ-CP đặt lộ trình đến năm 2025 mới bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon là quá muộn. Ngoài ra, câu chuyện Bộ Tài chính hay Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ chịu trách nhiệm xây dựng sàn giao dịch này cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm, cần sớm làm rõ.
Theo báo The Leader
https://vppa.vn/de-xuat-dua-tai-che-thanh-nganh-cong-nghiep-uu-tien/
VPPA
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023