Tái chế suốt 40 năm nay chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức.
Những nghịch lý của ngành tái chế
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, cho biết, ngành thu gom, tái chế rác thải đã xuất hiện và phát triển khoảng 40 năm nay, hình thành nên mạng lưới hàng nghìn làng nghề tái chế trên khắp cả nước, tập trung gần những thành phố lớn.
Hàng nghìn làng nghề tái chế này, suốt gần nửa thế kỷ qua đã góp công sức rất lớn cho bức tranh toàn cảnh về quản lý chất thải rắn. Phế liệu nhựa, giấy, kim loại từ sinh hoạt, từ các nhà máy, khu công nghiệp và cả nguồn phế liệu nhập khẩu được tập kết về các làng nghề để chế tạo ra sản phẩm mới.
Ước tính, có hàng triệu người đang làm việc trong khu vực thu gom và tái chế rác thải phi chính thức, là lực lượng lao động rất lớn. Điều này đặt ra nghịch lý khi có lực lượng “hùng hậu” như vậy nhưng Việt Nam vẫn thuộc top đầu các nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới, chưa kể đến ô nhiễm trắng xuất hiện từ núi rừng cho tới đô thị.
Lý giải điều này, ông Vượng cho biết, ngành công nghiệp tái chế dù đã hình thành hơn 40 năm nay nhưng vẫn còn “non trẻ” bởi không có sự hướng dẫn hay hỗ trợ, đầu tư đổi mới, nâng cao quy trình. Thành ra, suốt hàng chục năm, ngành này chỉ mở rộng quy mô chứ chưa có nhiều sự thay đổi mang tính tăng cường hiệu quả.
Đối với lượng rác thải phát sinh, ngành tái chế chỉ thu gom rác thải có giá trị tái chế đủ để tạo ra nguồn lợi kinh tế. Rác thải, phế liệu không có giá trị hoặc khó tái chế sẽ không được thu gom mà thải bỏ ra môi trường.
Mặt khác, tái chế ở các làng nghề phi chính thức cũng là nguồn phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Đó là khí thải bốc mùi khó chịu, là dòng nước bẩn xả trực tiếp xuống sông, hồ chưa qua xử lý.
Nghề đồng nát sẽ ra sao khi có công cụ thu gom, tái chế bắt buộc?
Ô nhiễm thứ cấp đe dọa đến sức khỏe của chính những người dân sinh sống và làm việc tại các làng nghề, cũng là “điểm yếu” khiến họ chịu sự lên án, chỉ trích từ dư luận và truyền thông, báo chí. Nhiều ý kiến gay gắt đòi cấm, đòi bỏ các làng nghề nhưng nếu không làm tái chế, người dân chẳng biết làm gì để sinh sống.
Nghịch lý thứ hai là lượng rác nhựa xả ra môi trường nhiều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam rất thiếu nguyên liệu nhựa. Theo ông Vượng, hàng năm Việt Nam phải nhập khoảng 7 triệu tấn nhựa nguyên sinh làm đầu vào cho sản xuất.
Tuy nhiên, chỉ riêng nhựa nguyên sinh không thể đáp ứng được đầu vào cho ngành công nghiệp nhựa, bởi nhiều thị trường đang đặt ra tỷ lệ tái sinh bắt buộc trong mỗi sản phẩm nhựa. Mặt khác, nhựa nguyên sinh cũng có giá thành cao, khiến doanh nghiệp nhựa bị đội chi phí, mất sức cạnh tranh.
Tổng giá trị nhập khẩu nhựa năm 2021 là 11 tỷ USD, chưa kể 7 tỷ USD nhựa bán thành phẩm. “Nếu ngành tái chế phát triển, với lượng rác nhựa hàng triệu tấn mỗi năm, chúng ta không chỉ tiết kiệm hàng tỷ USD mà còn tạo ra hàng vạn công ăn việc làm trong nước”, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh nhận xét.
Gian nan tìm đường
“Tái chế rất khó”, ông Vượng, người có hàng chục năm đồng hành với nghề tái chế nhận định.
Sự khó của tái chế đến từ khâu phân loại. Chỉ tính riêng nhựa, mỗi loại nhựa đã có hàng trăm sản phẩm khác khác nhau, cần các cách xử lý khác nhau chứ không thể trộn chung lại được. Hàng chục loại nhựa ứng với hàng nghìn mẫu nhựa khác nhau, thách thức những công nghệ phân loại tiên tiến nhất.
Sau hàng chục năm “loay hoay”, ngành tái chế như tìm được tia sáng mở đường với công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cùng các chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nghị định hướng dẫn luật.
Ông Vượng ví EPR như “động cơ đẩy” cho nền kinh tế tuần hoàn và ngành công nghiệp tái chế. Với công cụ này, trách nhiệm đặt lên các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, từ đó tạo ra dòng tiền đầu tư để phát triển ngành công nghiệp tái chế.
Tuy nhiên, động cơ đẩy là chưa đủ. Để ngành tái chế vận hành được trơn tru, cần phải có những yếu tố khác là “động cơ kéo” và “chất bôi trơn”.
Có chính sách tốt, không khó để nâng cao tỷ lệ tái chế.
Trong đó, “động cơ kéo” là thị trường đầu ra cho ngành tái chế. Thị trường là yếu tố quan trọng nhất để phát triển một ngành công nghiệp. Nếu không có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp dù có được đầu tư bao nhiêu, sản xuất hiện đại, tiên tiến thế nào cũng không thể tồn tại.
Để phát triển thị trường tái chế, theo ông Vượng, cần có những quy định từ phía Nhà nước, ví dụ như tỷ lệ nhựa tái sinh bắt buộc cho mỗi sản phẩm nhựa. Mặt khác, văn hóa tiêu dùng bền vững cũng cần được nâng cao để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm tái chế một cách tích cực hơn.
“Chất bôi trơn” trong ngành công nghiệp tái chế là nhóm giải pháp nhằm giúp việc tái chế trở nên dễ dàng hơn. Đó là quy định về thiết kế sinh thái, về phân loại rác thải tại nguồn…
Những quy định này cần được ban hành kịp thời, không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn là đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho ngành tái chế, khi dòng lưu chuyển rác thải nhựa xuyên quốc gia ngày càng bị thắt chặt.
Nguồn: theleader.vn
http://rippi.com.vn/cong-nghiep-tai-che-gan-nua-the-ky-van-con-non-tre-bid823.html
rippi
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023