Cơ hội cho doanh nghiệp bao bì Việt Nam
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có hơn 900 nhà máy sản xuất bao bì, trong đó khoảng 70% tập trung tại thị trường phía Nam.
Những năm qua, ngành bao bì đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Ngành này cũng được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển của thương mại điện tử và các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.
“Đây cũng là một trong những ngành phát triển mạnh, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng. Ngành bao bì tăng trưởng bình quân 10%/ một năm” – ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp tham dự tập huấn "Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp"
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, những năm gần đây ngành bao bì, nhựa cũng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Bao bì nhựa phát triển mạnh do ngành thực phẩm tăng trưởng tốt. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới, cung cấp ra thị trường nhiều loại bao bì cao cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chia sẻ về cơ hội của ngành bao bì Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – quản lý Chương trình Cao cấp Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị nhà nước thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: Trong thời điểm hiện tại, bao bì không chỉ đơn thuần là công cụ bảo vệ sản phẩm, mà còn đóng vai trò to lớn trong việc gia tăng giá trị sản phẩm, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, khách hàng thông minh hơn và ngày càng trở nên “phòng thủ” với những chiến dịch quảng cáo hoa mỹ, sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ.
“Bao bì đã trở thành trợ thủ đắc lực trong việc tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, là đại sứ thường trực của doanh nghiệp trước người tiêu dùng, tạo cho khách hàng thấy sự tin cậy, cam kết của doanh nghiệp trên những thông số chân thực, hiển thị trên bao bì sản phẩm” – bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết thêm.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, bao bì cũng tác động trực tiếp đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và đã trở thành một năng lực cạnh tranh không thể thiếu, một phần tất yếu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp. Việt Nam lại là một quốc gia tiếp nhận đầu tư nước ngoài lớn, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nên cơ hội phát triển cho ngành bao bì đang rất lớn.
Việt Nam hiện có hơn 900 nhà máy sản xuất bao bì, trong đó 70% tập trung tại phía Nam
Tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp bao bì trong nước
Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng cao trong thời gian tới, nhưng theo ông Nguyễn Đức Trung, các doanh nghiệp ngành bao bì Việt Nam dường như đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu tình hình không thay đổi, rất có thể các doanh nghiệp nội địa không chỉ mất thị phần trong nước, mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, rất nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam thời gian qua họ đã kéo theo các công ty vệ tinh để cung ứng những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho chuỗi sản xuất, đóng gói hàng hóa hoàn chỉnh trước khi đưa ra thị trường. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu nói về lợi thế so sánh, các doanh nghiệp bao bì nước ngoài có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp nội địa về vốn, công nghệ, năng lực quản lý và cả mối quan hệ với những đối tác lớn. Theo đó, nếu không chủ động nâng cao năng lực, tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp bao bì nội sẽ “thua” ngay trên sân nhà.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp bao bì nội địa, mới đây Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức tập huấn “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp”. Chương trình tập huấn là một hoạt động của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, với tổng ngân sách 36 triệu đô la Mỹ, hiện là chương trình hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân lớn nhất của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực về quản trị, công nghệ, tiếp cận tài chính, đổi mới sáng tạo, tiếp cận thị trường và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
“Được thực hiện từ 2020 đến 2025, chúng tôi kỳ vọng những hỗ trợ của dự án sẽ giúp khu vực tư nhân Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với những đòi hỏi ngày càng cao và liên tục biến động của thị trường trong nước và quốc tế” – bà Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin.
Nguyễn Hòa
https://congthuong.vn/tang-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-nganh-bao-bi-181684.html
congthuong
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023