Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940502989
Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2022

du-bao-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-nam-2022

Fitch Ratings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống chỉ còn 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 đạt 3%, giữ nguyên so với dự báo đưa ra tháng 6/2022. Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế tháng 9/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022, cụ thể dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%, khu vực đồng Euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%, Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%, Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống còn 3,3%.

Trong khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5,4% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022), Phi-li-pin đạt 6,5% (tăng 0,5 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 2,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm), Xin-ga-po đạt 3,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm), Malaysia đạt 6,0% (giữ nguyên).

WB và IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam lần lượt là 7,5% và 7%. ADB giữ nguyên mức 6,5% so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022.

Xu hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu

1. Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với dự báo đưa ra trước đó

Theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra” phát hành vào tháng 9/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 đã bị hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022. Cụ thể, tháng 01/2022, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 và 2023 là 4,1% và 3,3%;  đến tháng 8/2022, đã giảm xuống, chỉ còn 2,8% và 2,3%. Theo đó, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023. Mặc dù những dự báo này không chỉ ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2022-2023, nhưng theo kinh nghiệm từ những cuộc suy thoái trước đó, có ít nhất hai nhân tố cảnh báo suy thoái sẽ diễn ra trong những tháng sau. Đó là (1) Tăng trưởng toàn cầu suy yếu đáng kể trong năm trước; (2) Tất cả các cuộc suy thoái toàn cầu trước đây đều trùng khớp với sự suy thoái mạnh hoặc suy thoái hoàn toàn ở một số nền kinh tế lớn.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của IMF nhận định suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu khi rủi ro làm giảm tăng trưởng gia tăng. Sự phục hồi của năm 2021 đã bị che mờ bởi những diễn biến ngày càng ảm đạm trong năm 2022. Kết quả hoạt động kinh tế tốt hơn dự kiến trong Quý I/2022, nhưng GDP thế giới đã giảm trong quý II/2022 do giảm tăng trưởng của Trung Quốc và một số nền kinh tế phát triển. Rủi ro làm giảm tăng trưởng được đề cập trong Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 đang thành hiện thực, với lạm phát cao trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn của châu Âu làm cho điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt mạnh mẽ. Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại rõ rệt, phản ánh tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ucrana.

Trong kịch bản cơ sở, IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022. Nói chung, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong hai năm 2022-2023 bị điều chỉnh tiêu cực. Tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2022 được dự báo ở mức 2,3%, giảm 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022, phản ánh mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong hai quý đầu năm 2022.

Tăng trưởng của khu vực đồng Euro cũng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm, đạt 2,6% trong năm 2022. Điều này phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc xung đột ở Ucraina cũng như các điều kiện tài chính thắt chặt, với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu chấm dứt mua tài sản ròng và nâng lãi suất vào tháng 7/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, những điều chỉnh dự báo chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ suy giảm mạnh. IMF hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 1,1 điểm phần trăm, xuống còn 3,3%, mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được điều chỉnh giảm 0,8 điểm phần trăm, xuống còn 7,4% trong năm 2022.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2022[1], Fitch Ratings nhận định cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế thế giới. Do đó, Fitch Ratings đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng, theo đó GDP toàn cầu năm 2022 được dự báo đạt 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. Khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh được dự báo sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm 2022 trong khi đó suy thoái nhẹ sẽ xuất hiện tại Hoa Kỳ vào giữa năm 2023. Sự phục hồi của Trung Quốc bị hạn chế bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để phòng chống dịch COVID-19, theo đó tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,8% trong năm 2022.

Trong Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế ngày 26/9/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng trong năm 2022. Sau khi phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng của kinh tế thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc xung đột ở U-crai-na,  các đợt bùng phát liên tục của dịch COVID-19 tại một số khu vực trên thế giới và áp lực tăng giá năng lượng và thực phẩm. GDP toàn cầu trì trệ trong quý II/2022 và giá trị sản xuất của các nền kinh tế G20 đều giảm.

Mặc dù dự báo tăng trưởng quý III/2022 vẫn tương đối tích cực, được hỗ trợ bởi tăng trưởng ở Trung Quốc, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn. OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 (so với dự báo trong tháng 6/2022), ở mức 3%, nhưng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống mức 2,2% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022).

Hình 1: Đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2021 và 2022 của các tổ chức quốc tế (Nguồn: WB, IMF, Fitch Ratings, OECD)

2. Tổng quan biến động thị trường thế giới

Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm trong nửa cuối năm 2022

Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)[2]  tháng 8/2022 cho thấy thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2022 nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với Quý I và có khả năng tiếp tục yếu đi trong nửa cuối năm 2022. Số liệu dự báo dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm do xung đột đang diễn ra ở Ucraina, áp lực lạm phát gia tăng và chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển.

Các thành phần của thước đo hàng hóa cho thấy xu hướng tăng trưởng không rõ ràng. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu tương lai (100,1) trên mức xu hướng nhưng động lực đã giảm xuống. Chỉ số sản phẩm ô tô (99,0), chỉ thấp hơn một chút so với mức xu hướng. Các chỉ số về vận tải hàng không (96,9) và linh kiện điện tử (95,6) đang ở dưới xu hướng, trong khi chỉ số nguyên liệu thô (101,0) tăng nhẹ trên xu hướng. Riêng chỉ số vận chuyển container (103,2) là một trường hợp ngoại lệ, đã tăng mạnh trên xu hướng do tăng các chuyến hàng qua các cảng của Trung Quốc khi quốc gia này nới lỏng các biện pháp phong tỏa COVID-19.

Theo WB, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ suy yếu trong quý II/2022 do nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp ở một số nền kinh tế lớn đang giảm dần, thương mại tiếp tục gián đoạn do xung đột ở Ucraina. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) toàn cầu về đơn hàng xuất khẩu mới ở mức 49,5 điểm trong tháng 6/2022, ghi nhận tháng giảm thứ tư liên tiếp. Nhu cầu toàn cầu giảm đối với hàng hóa chế biến, chế tạo, kết hợp với việc nới lỏng một số nút thắt trong chuỗi cung ứng khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch đã góp phần làm giảm chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất. Chỉ số giá đầu vào toàn cầu PMI đạt 69,5 điểm trong tháng 6/2022, tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao trong năm 2022.

Giá cả và lạm phát tăng

Theo WB, những cú sốc do nguồn cung đã gây ra biến động mạnh trên thị trường năng lượng toàn cầu. Xung đột tại Ucraina làm gián đoạn đáng kể hoạt động thương mại và sản xuất các mặt hàng năng lượng. Để đối phó với cuộc chiến, một số quốc gia gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canađa, đã công bố lệnh cấm đối với dầu của Nga, trong khi Liên minh châu Âu có kế hoạch cấm dầu thô và nhiên liệu tinh chế của Nga vào năm 2023. Nga đã trả đũa bằng cách cắt giảm trực tiếp xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang một số nước châu Âu. Những gián đoạn này đã làm trầm trọng thêm căng thẳng hiện có trên thị trường năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu. Lý do, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và chiếm một phần đáng kể trong xuất khẩu than và dầu thô toàn cầu. Cú sốc năng lượng hiện nay sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu.

Theo WB, thị trường hàng hóa tiếp tục biến động. Giá dầu thô Brent trung bình ở mức 120 USD/thùng trong tháng 6 trước khi giảm xuống dưới 100 USD/thùng vào giữa tháng 7/2022, chủ yếu do hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng 15% trong tháng 6 (so với cùng kỳ tháng trước) và tiếp tục tăng trong tháng 7 khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Trong khi đó, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của EU từ Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong năm 2022, bù đắp phần nào sự sụt giảm nhập khẩu từ Nga do kết quả về các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở U-crai-na.

Giá kim loại đã giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc giảm và tăng trưởng toàn cầu yếu.

Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc[3] (FFPI) đạt 138,0 điểm vào tháng 8/2022, giảm 2,7 điểm (1,9%) so với tháng 7/2022. Tuy giảm nhưng chỉ số này vẫn cao hơn 10,1 điểm (7,9%) so với cùng kỳ năm trước. Tất cả năm chỉ số phụ của FFPI đều giảm nhẹ trong tháng 8/2022. IMF nhận định giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đã ổn định trong những tháng gần đây nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2021.

Nguyên nhân chính của lạm phát giá lương thực toàn cầu, đặc biệt giá ngũ cốc, là do tác động từ cuộc xung đột ở U-crai-na và các hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia. Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi lương thực chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng, đang cảm nhận rõ rệt tác động của lạm phát giá lương thực, thực phẩm.

IMF[4] nhận định lạm phát toàn cầu tăng một phần do giá thực phẩm và năng lượng tăng. Lạm phát năm 2022 được dự báo tăng 6,6% ở các nền kinh tế phát triển và 9,5% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tăng lần lượt là 0,9 và 0,8 điểm phần trăm và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt

Theo WB, các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng xấu đi, phản ánh chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn thế giới và sự lo lắng về rủi ro ngày càng tăng. Tại các nền kinh tế phát triển, lợi suất trái phiếu chính phủ có nhiều biến động. Giữa tháng 6/2022, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Đức lần lượt tăng vọt lên khoảng 3,5% và 1,75%, nhưng sau đó giảm mạnh trở lại trong bối cảnh lo ngại về hoạt động kinh tế toàn cầu suy yếu. Giá cổ phiếu toàn cầu giảm trong tháng 6/2022 nhưng sau đó đã ổn định phần nào. Đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với các đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.

Theo IMF, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Tại các nền kinh tế phát triển, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát, các điều kiện tài chính trên toàn thế giới sẽ tiếp tục thắt chặt. Việc tăng chi phí đi vay sẽ tạo áp lực lên dự trữ quốc tế, gây ra thiệt hại cho các nền kinh tế có nợ ròng bằng đô la. Những thách thức như vậy sẽ xảy ra vào thời điểm mà vị thế tài chính của chính phủ ở nhiều quốc gia đã bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đồng nghĩa với việc ít dư địa hơn cho hỗ trợ chính sách tài khóa.

Theo OECD, lạm phát tiến tới trên mức mục tiêu khiến các ngân hàng trung ương phản ứng mạnh mẽ hơn, dẫn đến thắt chặt các điều kiện tài chính. Thị trường chứng khoán ở nhiều nơi trên thế giới đã giảm mạnh, lợi suất trái phiếu danh nghĩa tăng, đồng đô la Mỹ tăng giá đáng kể. Chênh lệch trái phiếu doanh nghiệp tăng, đặc biệt ở châu Âu. Dòng vốn chảy ra từ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi tăng. Lãi suất cao hơn cũng đang làm giảm động lực trên thị trường nhà đất. Doanh số bán, cho vay thế chấp và mua nhà đã giảm mạnh ở nhiều quốc gia.

Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới

IMF đánh giá triển vọng tăng trưởng toàn cầu với rủi ro lớn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Những rủi ro chính là:

Thứ nhất, cuộc xung đột ở U-crai-na làm tăng giá năng lượng. Việc ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nền kinh tế châu Âu vào năm 2022 sẽ làm tăng đáng kể lạm phát trên toàn thế giới do giá năng lượng cao hơn. Ở châu Âu, có thể buộc phải phân bổ năng lượng, ảnh hưởng đến các lĩnh vực công nghiệp chính và làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng ở khu vực đồng Euro vào năm 2022.

Thứ hai, lạm phát vẫn ở mức cao. Một số yếu tố có thể khiến lạm phát duy trì đà tăng trong dài hạn. Các cú sốc liên quan đến nguồn cung đối với giá lương thực và năng lượng từ cuộc xung đột ở U-crai-na có thể làm tăng mạnh lạm phát và tác động tới lạm phát cơ bản, dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Các ngân hàng trung ương lớn đã phản ứng với lạm phát cao bằng cách tăng lãi suất nhưng rất khó để xác định chính xác mức độ thắt chặt chính sách cần thiết để giảm lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế. Giá lương thực và năng lượng tăng gây ra khó khăn, đói kém và bất ổn trên diện rộng, không chỉ đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới ổn định xã hội ở nhiều quốc gia.

Thứ ba, điều kiện tài chính thắt chặt hơn gây ra tình trạng khó khăn về nợ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Khi các ngân hàng trung ương ở nền kinh tế phát triển tăng lãi suất để chống lạm phát, các điều kiện tài chính trên toàn thế giới sẽ tiếp tục thắt chặt. Việc tăng chi phí đi vay, nếu không có các chính sách tiền tệ tương ứng trong nước, sẽ tạo áp lực đối với dự trữ quốc tế, gây thiệt hại về định giá giữa các nền kinh tế có nợ ròng bằng đô la.

Thứ tư, suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc vẫn tiếp diễn sẽ ảnh hướng đến các nền kinh tế khác.

Thứ năm, nền kinh tế thế giới phân chia thành nhiều nhóm khác nhau. Trong trung hạn, xung đột ở U-crai-na sẽ phân chia nền kinh tế thế giới thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ khác biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ.

Tăng trưởng của một số nền kinh tế

1. Hoa Kỳ

Theo báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới ngày 01/9/2022 của Cơ quan kinh tế- xã hội của Liên Hiệp quốc (UNDESA), tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ được dự báo chỉ đạt 1,5% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 06/2022 trong bối cảnh lạm phát cao, các điều kiện thị trường lao động khó khăn và Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Mặc dù chi tiêu dùng đóng góp khoảng 70% hoạt động kinh tế nhưng dự kiến sẽ yếu đi. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khó khăn, thu nhập bình quân theo giờ của khu vực tư nhân mặc dù tăng 5,4% trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng bình quân lạm phát trong giai đoạn này ở mức 8,3% nên đã khiến cho sức mua của hộ gia đình suy giảm. Trong khi đó, đồng đô la tăng giá tiếp tục làm tăng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.

Thị trường nhà ở đạt ngưỡng cao đỉnh điểm do lãi suất trả góp tăng cao và chi phí xây dựng tăng đột biến trong khi đầu tư vào bất động sản và doanh số bán nhà giảm. Fed đã nâng lãi suất chính sách chủ yếu từ 0 – 0,25% trong tháng 3/2022 lên 2,25 – 2,5% vào tháng 8/2022. Ngày 21/9/2022, Fed thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% – 3,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Các quan chức của Fed dự báo lãi suất có thể lên đến 4,4% trong năm 2022.

Theo IMF, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ năm 2022 dự báo đạt 2,3%, điều chỉnh giảm 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022, phản ánh tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong hai quý đầu năm 2022 với động lực của tiêu dùng tư nhân ngày càng yếu, một phần do sức mua của hộ gia đình giảm và tác động của chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt.

ADB nhận định nền kinh tế Hoa Kỳ suy giảm sau hai quý đầu năm 2022 GDP liên tiếp giảm. Bùng nổ biến thể Omicron COVID-19 dẫn đến những hạn chế và gián đoạn, khiến tiêu dùng giảm trong nửa đầu năm. Đầu tư trong quý II giảm 13,2%. Mức tiêu thụ hàng hóa giảm nhưng được bù đắp bởi tiêu dùng dịch vụ tiếp tục tăng, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu của chính phủ giảm do một số chương trình liên bang giảm dần.

Xuất khẩu ròng đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Xuất khẩu tăng 17,6%, nhưng nhập khẩu chỉ tăng 2,8%. Thu nhập ở Mỹ tiếp tục tăng do thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% vào tháng 7 sau khi giữ ở mức 3,6% kể từ tháng 3/2022, nhưng đã tăng lên 3,7% vào tháng 8/2022.

Lạm phát vẫn ở mức cao, 8,3% trong tháng 8/2022 sau khi đạt đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022, chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng cao. Theo ADB, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ yếu đi trong năm nay, với dự báo được điều chỉnh giảm xuống 1,6% từ mức dự báo 3,9% đưa ra trong tháng 4/2022. Điều chỉnh giảm phản ánh việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn để đối phó với lạm phát cao hơn dự kiến.

Theo báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế ngày 26/9/2022 của OECD, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo đạt 1,5% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,0 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.

 

Hình 2: Đánh giá tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2021 và 2022 (Nguồn: ADB, IMF, UN, Fitch Ratings, OECD)

Trước tình trạng lạm phát cao và tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ tăng nhanh gây ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế, Fitch Ratings[5] dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 1,7% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.

Chỉ số PMI trong tháng 8/2022 của Hoa Kỳ được điều chỉnh giảm nhẹ so với số ước tính sơ bộ, ở mức 44,6 điểm, thấp hơn so với mức 47,7 điểm của tháng 7/2022. Chỉ số này phản ánh tháng giảm thứ hai liên tiếp của hoạt động kinh doanh khu vực tư nhân và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Suy giảm trong hoạt động của khu vực dịch vụ được bù đắp bởi tăng trưởng nhẹ của ngành chế biến, chế tạo. Các nhà cung cấp dịch vụ ghi nhận sản lượng giảm mạnh và lượng đơn hàng mới giảm nhanh chóng xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Sản lượng và hoạt động kinh doanh mới của các nhà máy ở Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự sụt giảm.

Trading Economics[6] dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ quý III/2022 tăng 0,3% so với quý trước và tăng 1,3% so với quý III/2021.

2. Khu vực đồng Euro

UNDESA nhận định các nền kinh tế thuộc khu vực đồng Euro đã cho thấy khả năng chống chịu trước căng thẳng từ xung đột ở Ucraina. Tuy nhiên, khu vực đồng Euro đang phải đối mặt với ba áp lực lớn từ khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao và thắt chặt chính sách tiền tệ. GDP của khu vực này dự báo tăng 2,5% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022.

Nguy cơ đóng cửa hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga trong mùa đông tới có thể dẫn đến thiếu năng lượng trầm trọng, khả năng cao sẽ đẩy Đức, Hunggary và Italia rơi vào suy thoái. Giá năng lượng và lương thực tăng cao đang tác động lớn đến các hộ gia đình, khiến niềm tin người tiêu dùng thấp kỷ lục trong tháng 7, thậm chí còn thấp hơn mức ở thời điểm bắt đầu đại dịch.

Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp có thể sẽ giúp tăng nhu cầu nội địa. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ đã tăng lãi suất cơ sở vào tháng 7/2022, kết thúc quãng thời gian 8 năm áp dụng lãi suất âm.

Theo báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế phát hành ngày 21/9/2022, ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực đồng Euro năm 2022 xuống còn 2,5%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022. Dự báo lạm phát của khu vực đồng Euro ở mức 7,9% trong năm 2022. Mặc dù triển vọng tăng trưởng xấu đi nhưng ECB dự kiến ​​sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong 12 tháng tới để hạn chế áp lực lạm phát.

Triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng Euro vẫn chịu nhiều rủi ro. Cuộc chiến leo thang ở U-crai-na, đặc biệt là bế tắc chính trị ngày càng tồi tệ giữa EU và Liên bang Nga có thể làm gián đoạn thêm nguồn cung năng lượng và làm chệch hướng sự phục hồi của khu vực đồng Euro. Chiến tranh cũng có thể khiến giá năng lượng và lương thực cao hơn dự kiến ​​trong thời gian dài, do đó khiến lạm phát tăng cao và đè nặng lên tăng trưởng. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, các điều kiện thanh khoản và căng thẳng gia tăng trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng có thể làm giảm tăng trưởng.

OECD điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro, từ mức 2,6% của dự báo tháng 6/2022 lên mức 3,1%.

Theo IMF, tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro dự báo đạt 2,6%, điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022.

Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 8/2022 của khu vực đồng Euro đạt 48,9 điểm, điều chỉnh giảm so với số liệu sơ bộ 49,2 điểm, phản ánh mức giảm lớn nhất của hoạt động khu vực tư nhân kể từ tháng 02/2022. Cả ngành dịch vụ và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm mạnh. Sự yếu kém trong hoạt động nói chung phản ánh nhu cầu giảm, với các đơn hàng mới cũng giảm với tốc độ nhanh hơn vào giữa quý III.

Theo Trading Economics,[7] GDP quý III/2022 của khu vực đồng Euro dự báo giảm 0,1% so với quý II/2022 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước

 

Hình 3: Đánh giá tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2021 và 2022 (Nguồn: ADB, UN, IMF, OECD)

3. Nhật Bản

Theo ADB, nền kinh tế Nhật Bản trong quý II tăng 2,2%, là quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng tích cực. Chi tiêu cho dịch vụ tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ sau khi các hạn chế đi lại do dịch COVID-19 được dỡ bỏ vào cuối tháng 3. Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, du lịch và ăn uống tăng giúp tăng trưởng phục hồi trong quý II. Xuất khẩu quý II tăng vừa phải. Lạm phát giá tiêu dùng từ tháng 4 đến tháng 6 đạt trên 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực tăng giá chủ yếu do giá nhập khẩu cao hơn gây ra bởi cuộc chiến ở U-crai-na và sự mất giá của đồng yên so với đô la Mỹ do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng tăng. Mặc dù lạm phát ở Nhật Bản vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác nhưng đây là lần đầu tiên trong gần 14 năm lạm phát của Nhật Bản tăng ít nhất 2%.

ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản xuống còn 1,4% cho năm 2022 từ mức dự báo 2,7% vào tháng 4/2022. Sự phục hồi ổn định của tiêu dùng tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm. Xuất khẩu dự kiến ​​sẽ phục hồi nhưng sẽ yếu hơn trong thời gian tới ​​do tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô và việc nối lại hoạt động du lịch từ nước ngoài bị đình trệ. Lạm phát tăng nhanh và tăng trưởng tiền lương yếu sẽ đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt là ở nhóm thu nhập thấp và ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng. Lạm phát được dự báo sẽ tăng 2,1% trong năm 2022.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản đạt 1,7%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2022.

OECD điều chỉnh giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, xuống 1,6% cho năm 2022 từ mức 1,7% đưa ra trong dự báo tháng 6/2022.

Chỉ số PMI tổng hợp tháng 8/2022 của Nhật Bản đạt 49,4 điểm, cao hơn mức sơ bộ 48,9 điểm nhưng thấp hơn mức 50,2 điểm trong tháng 7/2022. Đây là tháng đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động của khu vực tư nhân kể từ tháng 02/2022 trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng nhanh và hoạt động của lĩnh vực dịch vụ và chế biến, chế tạo đều suy yếu. Các đơn hàng mới giảm lần đầu tiên trong sáu tháng, các đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh.

Theo Trading Economics[8], GDP quý III/2022 của nền kinh tế Nhật Bản dự báo tăng 0,5% so với quý II/2022 và tăng 0,8% so với quý III/2021.

 

Hình 4: Đánh giá tăng trưởng của Nhật Bản năm 2021 và 2022. (Nguồn: WB, ADB, IMF, OECD)

4. Trung Quốc

Theo UNDESA, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ chậm lại, đạt khoảng 4% năm 2022. Tăng trưởng GDP trong quý II đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua do áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát bùng phát gia tăng các ca lây nhiễm biến thể Omicron. Động lực tăng trưởng dự kiến ​​sẽ được tăng cường vào nửa cuối năm 2022, như đẩy nhanh phát hành trái phiếu chính phủ, đặc biệt nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi cắt giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Với lạm phát dưới mức mục tiêu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã duy trì chính sách hỗ trợ và hạ lãi suất đối với thời hạn 5 năm và 1 năm trong tháng 8/2022. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực lớn như sự xuất hiện trở lại của các biến thể có khả năng lây truyền cao của dịch COVID-19. Mặc dù các biện pháp giảm nhiệt trên thị trường bất động sản có thể cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô trung hạn nhưng lại gây ra khó khăn lớn hơn cho ngành tài chính trong thời gian tới.

Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp cao ở khu vực thành thị có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân. Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng cũng tạo thêm bất ổn cho triển vọng kinh tế Trung Quốc.

IMF nhận định nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù đã phục hồi sau các đợt phong tỏa vào nửa cuối năm 2022, theo đó tăng trưởng GDP của quốc gia này được dự báo đạt 3,3% năm 2022.

ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 đạt 3,3%, điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2022. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo tăng trưởng chung của các nước châu Á đang phát triển.

Theo Fitch Ratings, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc bị kìm hãm bởi những biện pháp phòng chống lây lan đại dịch COVID-19 và khủng hoảng bất động sản kéo dài. Theo đó, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.

Theo OECD, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 bị điều chỉnh giảm mạnh, từ mức 4,4% theo dự báo trong tháng 6/2022 xuống còn 3,2%, giảm 1,2 điểm phần trăm.

Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của WB ngày 27/9/2022 dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 2,2 điểm phần trăm từ mức 5,0% của dự báo trong tháng 4/2022.

Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 8/2022 đạt 53,0 điểm, giảm 1 điểm so với 54 điểm trong tháng 7/2022. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua do tác động của làn sóng lây nhiễm COVID gần đây và tình trạng thiếu hụt năng lượng sau đợt hạn hán lịch sử. Kết quả mới nhất cho thấy đã phục hồi tăng trưởng trong khu vực tư nhân, với hoạt động dịch vụ tiếp tục tốt hơn hoạt động chế biến, chế tạo.

Theo Trading Economics[9], GDP quý III/2022 của nền kinh tế này tăng 1,3% so với quý trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Hình 5: Đánh giá tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 và 2022. (Nguồn: WB, ADB, IMF, OECD)

5. Đông Nam Á

ADB[10] nhận định nhu cầu trong nước mạnh hơn do mở cửa lại thị trường, biên giới và nhu cầu bên ngoài giảm do rủi ro toàn cầu tăng đang định hình tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. ADB điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 so với dự báo trong tháng 4/2022. Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định đối với khu vực này khi nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn vì cuộc xung đột ở Ucraina, giá hàng hóa và thực phẩm tăng, lãi suất toàn cầu cao hơn sẽ đẩy nhanh lạm phát, thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai trong thời gian tới.

Theo ADB, tăng trưởng năm 2022 khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh tăng, lên 5,1% so với dự báo 4,9% trong tháng 4/2022 do tăng trưởng mạnh tại Indonesia, Mianma và Philippin. Chi tiêu dùng ở các nền kinh tế trên đã tăng nhanh sau khi mở cửa lại biên giới. Tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a được hưởng lợi từ thặng dư thương mại. Đầu tư vào Philippin cũng đang tăng lên. Dự báo tăng trưởng năm 2022 của Lào, Singapore, Thái Lan điều chỉnh giảm do nhu cầu từ các nền kinh tế lớn yếu hơn. Tăng trưởng của Bruney, Campuchia, Malaysia và Việt Nam không đổi so với dự báo trong tháng 4/2022.

Dự báo tăng trưởng năm 2022 của Indonesia được nâng từ mức 5,0% (dự báo trong tháng 4/2022) lên 5,4%. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ vẫn mạnh trong những tháng còn lại của năm 2022, mặc dù lạm phát cao hơn. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong những tháng tới, nhưng cán cân thương mại được dự báo thặng dư, chiếm 0,5% GDP.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Malaysia, ở mức 6,0% như được đưa ra trong tháng 4/2022. Các yếu tố thúc đẩy triển vọng trong ngắn hạn của Malaysia gồm: nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi việc mở cửa trở lại thị trường và biên giới, đồng thời cải thiện việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình và tiếp tục nỗ lực tiêm chủng vắc-xin.

Dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ dẫn dắt sự phục hồi của nền kinh tế Malaysia trong thời gian tới. Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng năm 2022 với mức thâm hụt tài khóa dự kiến khoảng 6% GDP. Chính phủ sẽ tăng chi đầu tư phát triển vào cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kết nối kỹ thuật số mạnh mẽ hơn, cải thiện các cơ sở chăm sóc sức khỏe và đẩy mạnh các dự án nâng cao trình độ và đào tạo lại lực lượng lao động.

Dự báo tăng trưởng năm 2022 của Thái Lan được điều chỉnh giảm nhẹ từ mức 3% (dự báo trong tháng 4/2022) xuống 2,9%. Giá hàng hóa toàn cầu được dự báo sẽ tăng do xung đột tại U-crai-na, tăng trưởng yếu hơn ở nền kinh tế của các đối tác thương mại của Thái Lan, đầu tư trong nước thấp hơn và lạm phát cao hơn làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng Thái Lan trong những tháng còn lại của năm 2022. Xuất khẩu dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng do lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2022 được điều chỉnh lên 6 triệu (tăng 1 triệu du khách so với dự báo trong tháng 4/2022). Sản lượng nông nghiệp năm 2022 dự báo tăng 4,5% khi sản xuất lúa, mía, đậu tương, ngô và cây ăn quả được hỗ trợ bởi thời tiết thuận lợi.

Dự báo tăng trưởng của Philippin năm 2022 được nâng từ mức 6,0% (dự báo trong tháng 4/2022) lên 6,5% do giá trị sản xuất cao hơn dự kiến, được củng cố bởi sự phục hồi của đầu tư và tiêu dùng hộ gia đình. Một số hoạt động kinh doanh và giải trí hiện đã trở lại mức trước đại dịch. Các dự án cơ sở hạ tầng công cộng lớn đang được tiến hành và các chỉ số của khu vực tư nhân, chẳng hạn như PMI, sản xuất công nghiệp và nhập khẩu, tiếp tục mở rộng.

GDP của Singapore đã tăng 4,1% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng dịch vụ và sản xuất tăng mạnh. Tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 khó có thể duy trì trong nửa cuối năm 2022 do môi trường bên ngoài xấu đi. Tăng trưởng chậm hơn dự kiến ở hầu hết các đối tác thương mại lớn, áp lực lạm phát tiếp tục tăng do gián đoạn nguồn cung toàn cầu và giá hàng hóa tăng do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ucraina khiến dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Singapore được điều chỉnh giảm từ mức 4,3% (dự báo trong tháng 4/2022) xuống còn 3,7%.

WB nhận định tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi, nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 và tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, WB nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của ASEAN-5 (Indonesia, Thái Lan, Philippin, Malaysia và Việt Nam) từ 4,9% (dự báo tháng 4/2022) lên 5,4%.

Dự báo tăng trưởng của 5 quốc gia ASEAN trong năm 2022 như sau: Indonesia giữ nguyên mức tăng trưởng 5,1% như trong dự báo tháng 4/2022; tăng trưởng của Malaysia điều chỉnh tăng 0,9 điểm phần trăm, từ 5,5% lên 6,4%; tăng trưởng của Philippin điều chỉnh tăng 0,8 điểm phần trăm, từ 5,7% lên 6,5%; tăng trưởng của Thái Lan điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm, từ 2,9% lên 3,1%; tăng trưởng của Việt Nam được điều chỉnh tăng cao nhất, từ 5,3% lên 7,2% (tăng 1.9 điểm phần trăm).

Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng QIII/2022 so với cùng kỳ năm trước của In-đô-nê-xi-a, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Singgapore lần lượt đạt 3,1%, 6,4%, 7,5%, 3,7%, 3%. Tăng trưởng quý III/2022 so với quý II/2022 của các quốc gia trên lần lượt là 2%, 1,3%, 0,8%, 0,5% và 1,3%.

Hình 6: Dự báo tăng trưởng năm 2022 của một số quốc gia ASEAN(tại thời điểm tháng 9/2022). (Nguồn: ADB, WB)

6. Việt Nam

Dự báo của Ngân hàng Thế giới

Trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2022, Ngân hàng Thế giới nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn.

WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Cùng với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.

Lạm phát bình quân dự báo 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố.

Trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 cùng với hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn là rủi ro chính. Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn nữa, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại.

Tình trạng giãn cách y tế ở Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế này, gây ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị toàn cầu trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất ổn trước mắt và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn của nền kinh tế toàn cầu.

Dự báo của IMF

IMF[11] nhận định triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác.

Nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng và các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi. Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của chính phủ đã giúp gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động bán lẻ và du lịch.

Theo đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, đây là quốc gia duy  nhất được điều chỉnh tăng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu giới hạn ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực toàn cầu do nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm 2021. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ, chẳng hạn như y tế và giáo dục, cũng rất thấp.

Giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương trong năm. Sự phục hồi chậm của nền kinh tế trong năm 2021 đã giúp kiềm chế lạm phát cơ bản, khiến chi phí lương thực và năng lượng biến động thấp hơn các nước trong khu vực.

Dự báo của ADB

Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng tăng 7,7% trong quý II/2022 và đạt trung bình 6,4% trong nửa đầu năm.

Tăng trưởng dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi lên mức 6,6% từ mức 3,9% trong cùng kỳ năm 2021 nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu. Sự phục hồi của nền kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng, tăng từ mức 9,1% lên 9,5% và cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế phục hồi đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, khoảng 101.300 doanh nghiệp đã đăng ký trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% về số doanh nghiệp và tăng 16,2% về tổng số lao động so với cùng kỳ năm 2021.

Tự cung tự cấp lương thực, chuỗi cung ứng trong nước phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa và dịch vụ chính (ví dụ như xăng dầu, điện, chăm sóc sức khỏe và giáo dục) đã kiềm chế lạm phát ở mức trung bình 2,6% trong 8 tháng đầu năm 2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì thành công chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho nguồn tài chính chi phí thấp, giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khi chuỗi cung ứng trong nước được phục hồi và việc kiểm soát giá cả hiệu quả đã giúp kiềm chế lạm phát.

Sự phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022 (so với dự báo trong tháng 4/2022).

Trong báo cáo tháng 8/2022, Moody[12]  đánh giá rất tích cực đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo đó tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5%, cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Ngày 6/9/2022, Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định[13]. Trading economics dự báo tăng trưởng quý III/2022 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam đạt 7,2%.

Hình 7:  Dự báo tăng trưởng Việt Nam của một số tổ chức quốc tế (Nguồn: WB, IMF, ADB, Moody)

 

Hình 8: Tốc độ tăng trưởng GDP quý III năm 2022 của một số quốc gia. Đơn vị tính: % (Theo gso.gov.vn)

Theo tạp chí Doanh nghiệp hội nhập

https://vppa.vn/du-bao-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-nam-2022/

VPPA

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939