Sau thành công của Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tiếp tục mở rộng xây dựng chuỗi cung ứng các sản phẩm dệt may bằng việc “rót” gần 1.000 tỷ đồng cho một loạt nhà máy tại Hà Tĩnh...
Hướng đi chiến lược
Trao đổi tại buổi làm việc mới nhất giữa lãnh đạo doanh nghiệp và chính quyền địa phương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội - Đặng Vũ Hùng cho hay: “Các địa phương ở miền Trung đang là mục tiêu đầu tư của Tổng Công ty trong thời gian tới. Hiện nay, năng lực, thế mạnh và “tinh hoa” của Tổng Công ty được huy động và hội tụ để triển khai dự án tại Hà Tĩnh. Với 4 nhà máy và 2 công trình phụ trợ, mục tiêu của toàn dự án là tạo một chuỗi liên kết cung ứng các sản phẩm dệt may để phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu”.
Dự kiến, các nhà máy thuộc dự án sẽ giải quyết việc làm cho 2.500 lao động địa phương. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh vào ca
Với tổng diện tích quy hoạch 19 ha thuộc cụm công nghiệp Nam Hồng (phường Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh), từ nay đến tháng 8/2018, dự kiến 4 nhà máy sẽ lần lượt được xây dựng và đi vào hoạt động. Theo đó, Nhà máy May Hồng Lĩnh 1 có mức đầu tư 110 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2016; Nhà máy May Hồng Lĩnh 2 có mức đầu tư 80 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2017; Nhà máy Dệt khăn Hồng Lĩnh có mức đầu tư 314 tỷ đồng, khởi công cuối năm 2017 với công suất 1.500 tấn/năm; Nhà máy Dệt nhuộm và Dệt kim Hồng Lĩnh có mức đầu tư 410 tỷ đồng với công suất 1.400 tấn/năm. Ngoài ra, 2 dự án phụ trợ là trung tâm xử lý nước thải và trạm bơm nước cấp cho toàn khu vực với công suất 4.000m3/ ngày được song song triển khai sớm nhằm phục vụ những điều kiện cần thiết để các dự án đi vào hoạt động.
Phối hợp triển khai
Đến nay, 11/19 ha mặt bằng đã được giải phóng và 10,4 ha đã tiến hành san lấp; các đơn vị liên quan đã thống nhất danh mục các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp Nam Hồng, trước mắt, để phục vụ các dự án dệt may với tổng mức đầu tư trên 110 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Văn Hổ cho biết: “UBND thị xã đã thành lập hội đồng bồi thường, GPMB và triển khai các thủ tục theo đúng quy trình. Diện tích trước mắt cần GPMB là 10,59 ha (trong đó, có 8 ha của 113 hộ và 2,59 ha của 1 tập thể)”.
Ngoài các nội dung đã cơ bản hoàn thành thì vẫn còn khá nhiều phần việc đòi hỏi sự phối hợp giữa địa phương và chủ đầu tư như báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký giấy chứng nhận đầu tư, lập thủ tục giao đất... Do vậy, cũng trong cuộc họp mới nhất bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã thống nhất các nội dung như: các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu các chính sách để ưu tiên hỗ trợ; bố trí nguồn kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tiến hành bàn giao mặt bằng đúng thời hạn; tổ chức đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực…
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội cho biết sẽ nỗ lực để thực hiện dự án vào cuối năm 2015 và tích cực đồng hành với địa phương trong quá trình triển khai dự án. Trước mắt, phía công ty sẽ hỗ trợ cho địa phương ứng trước kinh phí bồi thường GPMB và xem xét phương án sẽ làm chủ đầu tư thực hiện công trình phụ trợ cấp nước từ hồ Đá Bạc về công trình trong thời gian tới.
Với sự nỗ lực của các bên liên quan như hiện nay, chắc hẳn không lâu nữa, các nhà máy dệt may sẽ thi đua sản xuất trên địa bàn tỉnh, tạo nên nhịp độ mới, sức sống mới trên địa bàn. Từ chỗ chỉ biết cấy, cày, chăn nuôi, nhiều người dân sẽ dậy sớm, đến nhà máy may làm việc với kỷ luật công nghiệp cao, góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị…
Theo Thành Chung: Baohatinh.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023