Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940506123
Khi TPP có hiệu lực: Nguy cơ “bùng nổ” tranh chấp sở hữu trí tuệ

Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Đây là thách thức không nhỏ khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn PGS.TS Đoàn Năng (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.

Thưa PGS.TS Đoàn Năng, ông có nhận xét như thế nào về công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay?

Vấn đề bảo hộ quyền SHTT đã được Việt Nam triển khai quyết liệt, đặc biệt từ khi trở thành thành viên của WTO. Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thiện một cách cơ bản hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT. Về cơ bản, hệ thống này đáp ứng yêu cầu của WTO về bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, vấn đề thực thi pháp luật về bảo hộ quyền SHTT còn nhiều bất cập, đây cũng chính là điểm yếu nhất của Việt Nam hiện nay khiến cho tình trạng vi phạm quyền SHTT còn khá nặng nề.

Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống cơ quan thực thi pháp luật bảo hộ quyền SHTT hiện nay còn yếu và thiếu; sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống này chưa tốt, hiệu quả công tác không cao. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này cũng mỏng và yếu; thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà… Ngoài ra, nhận thức của các tổ chức, cá nhân cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân về bảo vệ quyền SHTT cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ và tự bảo vệ quyền SHTT còn nhiều bất cập.

Ví dụ, chúng ta chưa có tòa chuyên trách về SHTT. Trên thực tế, nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… không có tòa chuyên ngành thụ lý, giải quyết. Tòa dân sự lại không có các thẩm phán chuyên trách về SHTT nên chưa xử được các vụ tranh chấp này.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức dịch vụ SHTT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng. Đội ngũ giám định viên SHTT hiện còn rất ít. Các tổ chức giám định gần như chưa có để giám định các vi phạm về quyền SHTT để giúp tòa án có cơ sở khoa học và pháp lý tin cậy khi đưa ra quyết định. Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị nhiều tổ chức, cá nhân đủ năng lực để có thể đứng ra đảm nhận công việc giám định, nhưng đến nay mới chỉ có Viện Khoa học SHTT thuộc Bộ KH&CN đảm nhận được công việc này.

Các DN, đặc biệt các DN vừa và nhỏ, các tổ hợp tác, các hộ kinh doanh gia đình một mặt chưa quan tâm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về tôn trọng quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân khác, mặt khác cũng chưa quan tâm hoặc chưa quan tâm đúng mức tới việc đăng ký bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Vì vậy cho đến nay, hiện tượng vi phạm quyền SHTT của tổ chức, cá nhân diễn ra tràn lan, nhiều khi không kiểm soát nổi.

Đây là vấn đề rất đáng lo ngại khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ làm “bùng nổ” các tranh chấp về SHTT.

Với những hạn chế như vậy, Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức gì khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thưa ông?

Không phải ngẫu nhiên mà khi đầu tư vào Việt Nam, các tập đoàn lớn nước ngoài đều đề nghị Chính phủ Việt Nam cam kết chống vi phạm quyền SHTT của họ. Bảo hộ quyền SHTT là vấn đề hết sức quan trọng, cho nên Hiệp định TPP đã dành hẳn một chương riêng với 83 điều để điều chỉnh các vấn đề về sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các đối tượng khác của quyền SHTT và cả việc thực thi các quyền về SHTT cũng như các vấn đề khác về quyền SHTT mà các thành viên đồng ý hợp tác.

Những quy định này được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quy định tại Hiệp định TRIPS của WTO, tuy nhiên có bổ sung một số yêu cầu, quy định cao hơn, khắt khe hơn so với các quy định của các điều ước quốc tế chuyên ngành hiện hành, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo thực thi pháp luật về bảo hộ quyền SHTT.

Lâu nay Việt Nam đã cố gắng rất nhiều để thực hiện bảo hộ quyền SHTT ở mức rất cao của Hiệp định TRIPS, nay mức bảo hộ quyền SHTT của TPP còn cao hơn TRIPS. Điều này đặt các DN Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế vào trạng thái không dễ dàng và tốn kém khi muốn sớm tiếp cận, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Đặc biệt là khi thực hiện các quy định của TPP về bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó có vấn đề gay cấn là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm, bảo hộ quyền SHTT đối với nông hóa phẩm.

Một điểm cần lưu ý là hiện nay Việt Nam vẫn chỉ áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý các hành vi vi phạm quyền SHTT. Nay TPP đã hình sự hóa việc xử lý các hành vi này. Tất nhiên việc xử lý sẽ tùy theo mức độ để có biện pháp hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tù tương ứng. Tuy nhiên, nếu các DN tiếp tục có hành vi vi phạm bản quyền, nguy cơ phá sản là rất cao.
Vậy việc cần làm hiện nay là gì, thưa ông?

Về mặt phạm vi đối tượng được bảo hộ quyền SHTT cũng như nội dung của quyền cần được bảo hộ, có một số quy định tại Việt Nam cần rà soát, chỉnh sửa hệ thống pháp luật hiện hành về SHTT thì mới tương thích với Hiệp định TPP. Đồng thời, Việt Nam cũng phải gia nhập thêm một số điều ước quốc tế về bảo hộ quyền SHTT mà TPP yêu cầu như Hiệp ước quyền tác giá năm 1996, hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm năm 1996…

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung kịp thời pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, chúng ta cần sớm có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật, chấm dứt tình trạng quá yếu kém như đã nêu ở trên.

Đây là thách thức không nhỏ bởi việc thực hiện các quy định của Hiệp định TPP đòi hỏi Việt Nam không chỉ thay đổi quy định của pháp luật mà còn phải đổi mới tư duy, thay đổi cả phương pháp tiếp cận và phong cách làm việc. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để thúc đẩy sự thay đổi một cách nhanh chóng. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền SHTT không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ TPP nói riêng cũng như thu hút đầu tư nước ngoài nói chung mà còn thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo ở trong nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi): HQ Online

Vinatext

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939