Ngày 24/2, tại Trường quay S9 Đài Truyền hình Việt Nam đã diễn ra chương trình Đối thoại chính sách với chủ đề “Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta”.
Đến dự buổi đối thoại có ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP; ông Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội các nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam; ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Tại buổi đối thoại, ông Trần Quốc Khánh cho biết, hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là kết quả của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Điều này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất Thế giới. TPP sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường 12 nước thành viên. Những cam kết trong hiệp định là các khung khổ chuẩn mực để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, đối với doanh nghiệp, thị trường và khách hàng là tiền đề quan trọng nhất. Tham gia hội nhập sâu nền kinh tế quốc tế tạo cơ hội mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Áp lực của các hiệp định đòi hỏi các doanh nghiệp phải hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tham gia được vào chuỗi cung ứng này phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh và quy mô của từng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp vượt lên đáp ứng được yêu cầu của chuỗi, đạt chuẩn mực của các doanh nghiệp trong chuỗi trên toàn thế giới thì doanh nghiệp đó đã đạt chuẩn mực của thế giới. Đây là áp lực, thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để sau 5 đến 10 năm các doanh nghiệp của chúng ta sẽ hình thành và mang chuẩn mực của thế giới. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt quy mô sản xuất lớn hay nhỏ, quan trọng là có thể liên kết được với nhau và cùng nhau đáp ứng quy mô của chuỗi. Lợi thế cạnh tranh của một quốc gia đến từ hệ thống các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, từ xã hội và tốc độ của các nhà đầu tư. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện ở năng suất lao động, công nghệ và sở hữu những thương hiệu, còn đóng góp của xã hội vào năng lực cạnh tranh của quốc gia chính là ở trình độ văn hóa. Không những thế, Nhà nước cũng cần phải cạnh tranh với các quốc gia khác về năng lực quản trị quốc gia. Chính vì vậy, rất cần có một hệ thống chỉ tiêu đo lường của quốc gia để đánh giá chính xác sức khỏe của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa giữa nhiệm vụ quản lý nhà nước với khuôn khổ để tự doanh nghiệp có không gian phát triển. Đồng thời, Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Hàn Mạnh Tiến nhận định, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Kết thúc buổi đối thoại, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, với thời gian 2 năm để chuẩn bị khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, nền kinh tế của chúng ta cần có những bước đột phá để có thể khai thác được những lợi thế mà hiệp định này mang lại.
Vinatex
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023