Khi tham gia TPP, Việt Nam phải áp dụng nhiều quy định khắt khe từ các khâu kéo sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất và may, tuy nhiên lâu nay ngành Dệt May Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may, sợi chứ khâu dệt và nhuộm còn đang rất yếu, lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Vậy bài toán “Dệt nhuộm” sẽ được giải như thế nào?
Trong xưởng nhuộm 8/3
Dệt nhuộm - “nút thắt” DMVN?
Theo quy định của TPP, một sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan 0%, thì tất cả các nguyên liệu, bắt đầu từ sợi trở đi phải được sản xuất tại các nước TPP. Trong chuỗi cung ứng dệt may, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được trọn vẹn cả 3 khâu: Sợi, dệt, nhuộm, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của chúng ta còn hết sức khiêm tốn, chỉ đạt khoảng trên 50%. Tỷ lệ này chưa cao chủ yếu là ở khâu đoạn dệt, nhuộm còn yếu kém, nếu chúng ta không tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP, các doanh nghiệp DMVN khó có thể được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ và các nước trong TPP. Thời gian qua, chúng ta phụ thuộc quá lớn vào nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không phải là nước thành viên TPP.
Hiện nay, trong chuỗi cung ứng dệt may ít đơn vị nào làm được tất cả các khâu từ sợi đến sản phẩm may mà phải chuyên môn hoá, mỗi đơn vị thực hiện một công đoạn. Theo báo cáo, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cho biết trong số hơn 6.000 DN DM, số Doanh nghiệp may chiếm đến 70%; DN dệt 17%; kéo sợi 6%; nhuộm 4%; phụ trợ 3%. Ngoài ra, 70% hàng XK của Việt Nam được thực hiện theo phương thức cắt - ráp - hoàn thiện…
Ngành DMVN đã có làn sóng các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào ngành sợi. Tiêu biểu là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Sợi Phú Bài 2, Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh, Nhà máy Sợi Đồng Văn. Bốn dự án sản xuất nguyên phụ liệu sợi khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sản xuất. Tổng công ty 28, Công ty Dệt may Thành Công, Tổng công ty CP Phong Phú cũng đang đầu tư hoặc xúc tiến hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu sợi phục vụ cho ngành dệt may. Nếu chỉ chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp sợi thôi thì chưa đủ, chưa tròn chuỗi, muốn phát triển bền vững và được hưởng lợi từ TPP thì cần có sự phát triển đồng bộ, tức là bên cạnh sợi cần có dệt, nhuộm đi kèm. Thế nhưng, cái khó là phát triển lĩnh vực nhuộm đang gặp rào cản về môi trường. Thực tế nhiều tỉnh, thành không khuyến khích đầu tư cho dệt, nhuộm vì e ngại vấn đề môi trường. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho ngành, vì khâu dệt - nhuộm - hoàn tất đang là "nút cổ chai" cản trở bước tiến của ngành.
Cần một “lối mở” cho dệt nhuộm
Thời gian gần đây, đang có một luồng đầu tư mạnh mẽ từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước để thiết lập chuỗi cung ứng khép kín từ sợi tới may. Đặc biệt là các nhà đầu từ đến từ Ấn Độ. Họ rất quan tâm tìm giải pháp gắn kết công nghệ hỗ trợ từ Ấn Độ với các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp tới. Sự quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực sợi cho thấy điểm yếu của ngành DMVN khi đứng trước các cơ hội lớn để mở rộng thị trường. Đây có thể coi là một nút thắt khó gỡ của DMVN, không những gặp khó khăn do thiếu vốn mà chúng ta còn thiếu về công nghệ, do đó chúng ta cần phải kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng ta có thể hướng tới Ấn Độ, vì công nghệ của họ rất tốt, hơn nữa các DN của Ấn Độ làm được trọn vẹn cả ba khâu: sợi, dệt và nhuộm. Hiện, dự án thành lập Khu công nghiệp Dệt may Ấn Độ ở TP HCM đã được Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu hàng dệt và sợi tổng hợp và tơ nhân tạo gửi đến các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề đất đai. Hầu hết các địa phương từ chối các dự án đầu tư sản xuất vào dệt nhuộm do lĩnh vực này gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, khi thu hút các dự án FDI đầu từ vào dệt nhuộm, chúng ta cần có các chính sách khuyến khích phù hợp, vừa cần khắt khe trong lựa chọn các dự án theo hướng chuẩn công nghệ, mà không hạ thấp chỉ tiêu môi trường, nhưng Chính phủ cần hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý nước thải trong ngành nhuộm. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may về nguyên phụ liệu, các chuyên gia của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam phải có hạ tầng khu công nghiệp tốt như quỹ đất lớn, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước sạch. Đồng thời, những doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nếu được hoạch định về địa điểm đầu tư tốt, sẽ có được sự tập trung hóa quản lý các dự án đầu tư dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm. Việc hình thành những cụm công nghiệp dệt nhuộm sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm thiểu chi phí, giải quyết phần nào bài toán về nguyên phụ liệu cho ngành DMVN…
Vì vậy, điều cần thiết của ngành dệt may lúc này là phải có sự phát triển đồng bộ, cần sản xuất song song giữa dệt và nhuộm. Khi hiệp định TPP có hiệu lực, chúng ta phải giải được bài toán về xuất xứ nếu muốn hưởng lợi từ các điều khoản của TPP, Việt Nam rất cần có một quy hoạch phát triển dệt nhuộm tại các địa phương thích hợp.
Lê Thương,Ảnh: Xuân Quý
Vinatex
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023