Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940506467
Phát huy vai trò của ngành dệt may trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

1.Đặt vấn đề

Năm 2015 là một năm có nhiều sự kiện nổi bật trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với việc ký kết các FTA với EU, với liên minh kinh tế Á Âu, với Hàn quốc, cộng đồng kinh tế ASEAN AEC chính thức hoạt động và đặc biệt là việc ký kết hiệp định xuyên Thái bình dương TPP. Điều này chứng minh quyết tâm chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh hội nhập sâu rộng hơn nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, khẳng định hướng chiến lược trong phát triển của Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào đôi cánh xuất khẩu. Trong tất cả các hiệp định đó, Dệt May Việt Nam đều luôn được lựa chọn là lợi ích cốt lõi khi đàm phán, và đều được các chuyên gia đánh giá là ngành có khả năng thu được lợi ích lớn nhất của Việt Nam khi các hiệp định đi vào thực thi. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để biến những lợi ích tiềm năng đó trở thành các thành quả kinh tế cụ thể đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế và nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết trình bày các quan điểm cơ bản để có thể phát huy vai trò của ngành Dệt may Việt Nam trong phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng như các yêu cầu bức thiết trong nâng cao chất lượng – hiệu quả thể chế quản trị quốc gia.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

2.Ngành Dệt may với vai trò phát triển kinh tế ở các quốc gia

Trong quá trình phát triển của các quốc gia tại khu vực châu Á trở thành các quốc gia phát triển đều có giai đoạn lấy ngành Dệt may làm trung tâm, động lực tạo việc làm, gia tăng xuất khẩu, rút lao động dư thừa ra khỏi khu vực nông nghiệp, nâng cao GDP trên đầu người. Cụ thể, đến năm 2005 khi GDP trên đầu người đã đạt 27.500 USD, Đài Loan vẫn có ngành Dệt may đóng góp vào tổng kim ngạch XK tới 6,2% với 12 tỷ USD kim ngạch, đến năm 2015 khi GDP trên đầu người đã đạt 41.000 USD Dệt may vẫn duy trì tỷ lệ 4% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng. Với Hàn quốc năm, 2015 với GDP trên đầu người trên 28,000 USD dệt may vẫn duy trì kim ngạch 14 tỷ USD chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở các nước có điều kiện gần Việt Nam như Trung Quốc với GDP trên đầu người năm 2015 đạt 8.200 USD, Dệt may vẫn đóng góp 12% tổng kim ngạch xuất khẩu (gần tương đương tỷ lệ 15% hiện nay của Việt Nam), với kim ngạch 270 tỷ USD, trong 10 năm 2005-2015 Dệt may Trung quốc tăng trên 2,5 lần từ 107 tỷ USD lên 270 tỷ USD luôn giữ tỷ trọng 12-15% trong tổng KNXK. Tại Ấn độ năm 2015, Dệt may xuất khẩu chiếm tỷ trọng 14,1% với 37 tỷ USD kim ngạch, Bangladesh Dệt may xuất khẩu chiếm tỷ trọng 90% với 30,5 tỷ USD,  Pakistan chiếm 56% tổng kim ngạch với 14 tỷ USD, Campuchia chiếm 69% tổng kim ngạch với 8,6 tỷ USD. Điểm đặc biệt của thi trường Dệt may thế giới là tổng cầu không bị suy giảm ngay cả trong điều kiện khủng hoảng kinh tế luôn duy trì mức từ 720 - 750 tỷ USD 1 năm, giúp cho các nước có năng lực cạnh tranh tốt vẫn duy trì được tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Qua các dữ liệu trên có thể thấy, các quốc gia đông dân, có dân số trẻ, khu vực nông nghiệp hiện có tỷ lệ lao động quá lớn đều lấy dệt may là đột phá khẩu cho xuất khẩu cho giai đoạn đầu tiên của CNH, đồng thời chứng minh với mức GDP trên đầu người lên tới 7.000-8.000 USD/năm vẫn có thể phát triển Dệt may xuất khẩu.

3.Hiện trạng Dệt may Việt Nam

Năm 2015 với 27,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, Dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp ~15% tổng KNXK cả nước, sử dụng trên 2,5 triệu lao động công nghiệp, tạo 1/5 số việc làm mới hàng năm trên cả nước. Việt Nam là nước có quy mô dệt may xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2014, Dệt may Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành trên thế giới khá tốt. Thị phần tại các thị trường chính đều tăng mạnh từ 1% năm 2005 tại USA lên trên 10% năm 2015. Đến 2015, Dệt may Việt Nam đã cung ứng trên 4% tổng hàng hóa Dệt may tiêu thụ trên toàn thế giới. Năng suất lao động kỹ thuật ngành May Việt Nam được xếp vào top đầu của thế giới. Thu nhập trung bình năm của công nhân Dệt may cả nước đã đạt trên 50 triệu VND, được tham gia BHXH, y tế, thu nhập cao gấp 8-10 lần thu nhập lao động trồng lúa ngay trong điều kiện được mùa, được giá với giả thiết lợi nhuận lên tới 50% và mỗi lao động có trên 2.000m2 canh tác (6 sào bắc bộ) cao hơn nhiều so với bình quân ruộng đất hiện nay.

Tuy nhiên, Dệt may Việt Nam vẫn tồn tại hạn chế cốt tử là tỷ lệ sản xuất nguyên liệu trong nước chưa cao, năm 2015 trong 27,3 tỷ USD xuất khẩu cần nhập 13,5 tỷ USD nguyên phụ liệu, trong nước chỉ có 13,8 tỷ USD trong đó 6 tỷ USD là chi phí cho lao động, nguyên phụ liệu trong nước mới đạt 7,8 tỷ USD, bằng 58% lượng nguyên liệu nhập khẩu. Các khâu có giá trị cao như thiết kế, phân phối, thương hiệu, tỷ trọng sản xuất trọn gói bao gồm cả thiết kế (ODM) còn rất thấp. Tính liên kết, chia sẻ thị trường, phục vụ chung khách hàng, tạo mặt bằng chi phí tốt nhất cho sản xuất trong nước còn rất hạn chế, trong khi 6.000 doanh nghiệp Dệt may trên cả nước 90% đều còn ở quy mô nhỏ ~500 công nhân, không phải là mô hình cạnh tranh hiệu quả cho xuất khẩu nếu không có liên kết. Quy hoạch và phân bố doanh nghiệp chưa thực sự tối ưu.

4.Dệt may Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế thì điều kiện trở thành trung tâm sản xuất Dệt may của thế giới thì một ngành công nghiệp cần có:

- Có khả năng cung ứng 10% trở lên nhu cầu của thế giới.

- Có khả năng phát triển bền vững trong 20-30 năm.

- Có chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh với khả năng cung cấp nội tại lên tới 50-60% lượng nguyên phụ liệu.

- Có thị trường trong nước quy mô đủ lớn.

-  Hệ thống giao thông và nhất là hệ thống cảng biển thuận tiện cho xuất khẩu. Chi phí ngoài sản xuất có tính cạnh tranh cao, nhất là cạnh tranh về thời gian giao hàng.

Đối chiếu với các tiêu chí này thì Việt Nam đủ các điều kiện đề phát triển thành trung tâm Dệt may của thế giới do:

- Để sản xuất cung ứng trên 70 tỷ USD hàng Dệt may, Việt Nam cần có khoảng 7-8 triệu lao động trong khu vực này, tăng thêm 5 triệu lao động so với hiện nay. Với quy mô dân số Việt Nam, đặc biệt là với 30 triệu lao động còn ờ khu vực nông thôn, theo tính toán là dư thừa khoảng 20% lao động ngay cả với phương thức SX hiện nay (nghiên cứu của TS Phạm Đăng Quyết Viện khoa học thống kê trên mẫu tỉnh Hải Dương năm 2012) thì việc thu dụng thêm 5 triệu lao động trong 10-15 năm tới là hoàn toàn khả thi.
- Chuỗi cung ứng trong nước đang có ở mức 35% lượng nguyên liệu cần dùng là tiền đề đủ để phát triển lên trên 50% trong 5 năm tới. Nhất là có chất xúc tác là các hiệp định FTA quy định xuất xứ nguyên liệu từ Việt Nam (YF trong TPP và FF trong VN-EU)
- Thị trường trong nước với quy mô dân số trên 100 triệu.
- Vị trí địa kinh tế thuận lợi cho xuất khẩu đường biển, khoảng cách tới các cảng biển từ các điểm sản xuất trong nội địa dưới 200km.

5.Giải pháp và kiến nghị:

Để xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và năng lực cạnh tranh ngành Dệt may nói riêng cần xây dựng năng lực cạnh tranh trên cả 3 khu vực doanh nghiệp, thể chế quản trị và xã hội. Trong đó:

- Về phía doanh nghiệp ngành Dệt may:

  • Nhanh chóng hình thành các chuỗi cung ứng hữu cơ, liên kết cung ứng theo nguyên tắc thị trường từ sợi - vải - đến khâu May. Hiện tại năng lực cung ứng trong nước sẵn có về vải đạt khoảng 40%, nếu kể cả các dự án sẽ đưa vào vận hành trước 2018 sẽ đạt trên 55%, các phụ liệu khác đạt trên 70%. Đến năm 2020, ngành Dệt may có thể đạt trên 60% tỷ lệ nội địa.
  • Tiếp tục nâng cao năng suất lao động. Hiện tại năng suất lao động kỹ thuật của Dệt may Việt Nam đã đạt tương đương các quốc gia cạnh tranh chính như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico, Indonesia. Cao hơn các quốc gia Trung mỹ - Caribe, Myanma, Campuchia. Đạt 80% năng suất của Trung Quốc với đơn hàng lớn, và trên 90% với đơn hàng vừa và nhỏ. Mục tiêu, năng suất lao động kỹ thuật của Việt Nam phải đạt trong top 3 quốc gia đứng đầu thế giới để đảm bảo duy trì và đạt được vị trí là quốc gia xuất khẩu Dệt may lớn từ thứ 3- 5 trên thế giới. Đây cũng là giải pháp căn bản để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc giảm giá đồng tiền của các quốc gia canh tranh chính như Trung Quốc (giảm 6% năm 2015), Malaysia (giảm 17%), Ấn độ (giảm 4%), Pakistan (giảm trên 6%), Indonesia (14%), đồng euro và đồng Yên yếu cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường này.
  • Nâng cao chất lượng nhân lực, trong đó trọng tâm là nhân lực thiết kế kỹ thuật, nhân lực kỹ thuật ngành sản xuất nguyên liệu, nhân lực xử lý đơn hàng tổng hợp (merchandise) và nhân lực quản trị sản xuất.
  • Tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư cho ngành sản xuất nguyên liệu theo chiến lược chung cả nước có từ 10-15 trung tâm sản xuất nguyên liệu và thiết kế, cung ứng cho các doanh nghiệp may phân tán về đến cấp huyện trên cả nước. Quy mô lao động toàn ngành đạt trên 5 triệu vào năm 2020.

Mục tiêu chiến lược là: Khẳng định Việt Nam là quốc gia có khả năng cung cấp giải pháp trọn gói từ thiết kế đến tất cả các khâu của quá trình sản xuất trong ngành dệt may (one stop shop, supply comprehensive solution for T&G industry of the world).

- Về thể chế quản trị quốc gia:

  • Xây dựng các tiêu chí đo lường chi phí và thời gian trong các thủ tục hành chính, hướng tới chi phí quản trị công mà doanh nghiệp Việt Nam cần chi trả tương đương các quốc gia cạnh tranh.
  • Có quy hoạch ngành Dệt may đến 2050 với chi tiết vê quy mô tại các khu vực cả trong đất đai, nguồn lao động và trong tổng thể kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông - cảng biển quốc gia.
  • Chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành theo hướng xã hội hóa, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tạo việc làm chuyển đổi cho lao động nông nghiệp sang công nghiệp.
  • Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm nhẹ thủ tục và thời gian xử lý trong các thủ tục xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, kiểm định các chỉ tiêu phi thuế quan. Giảm chi phí logistic của Việt Nam tiến tới ngang bằng với các quốc gia cạnh tranh.
  • Quan tâm cân bằng giữa mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân hiện ở khu vực nông nghiệp với các chính sách an sinh xã hội như lương tối thiểu, mức đóng BHXH, các loại hình thuế. Có lộ trình về chính sách BHXH, lương tối thiểu phù hợp, nghiên cứu khả năng áp dụng lương tối thiểu theo ngành nghề bên cạnh theo khu vực. Hiện nay Việt Nam đã có mức đóng BHXH cao thứ 2/27 quốc gia châu Á, 2/9 quốc gia sản xuất Dệt may lớn nhất thế giới. Lương tối thiểu trên GDP theo đầu người đứng thứ 9 thế giới và thứ 2 trong các nước XK dệt may.
  • Có chính sách tỷ giá linh hoạt, khuyến khích các ngành nghề xuất khẩu, không gặp khó khăn khi so sánh tương quan với các quốc gia cạnh tranh chính. Không bỏ lỡ cơ hội từ mở cửa thị trường và cắt giảm thuế quan từ các FTAs

- Về xã hội:

  • Xây dựng văn minh và tác phong công nghiệp, nhất là ở khu vực nông thôn để đáp ứng sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang làm việc trong khu vực công nghiệp.

Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939