Những cơ hội và thách thức về lao động, việc làm trong thời hội nhập; việc kết nối cung-cầu lao động; thị trường xuất khẩu lao động... là những nội dung được Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phân tích, giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến "Việc làm trong quá trình hội nhập" do Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ tổ chức tại Hà Nội, ngày 31/3.
Cơ hội và thách thức về việc làm khi hội nhập ASEAN, TPP
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định FTA khác, mang lại cho Việt Nam có những cơ hội, nhưng đồng thời có những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam.
Việc hội nhập quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong nước cho người lao động. Lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ.
Việt Nam cũng có điều kiện để thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc, bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế. Năng suất lao động của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên giúp cho nền kinh tế giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng khuyến nghị những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập, trong đó, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập là những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam.
Hội nhập, tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt đòi hỏi về lao động có kỹ năng, trình độ cao, có nguy cơ lao động nước ngoài sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao trong thị trường lao động của Việt Nam.
Nếu không có những giải pháp, hướng đi đúng đắn, những thách thức của quá trình hội nhập sẽ tác động đến vấn đề việc làm của người lao động, một bộ phận người lao động sẽ bị thất nghiệp, khó cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh do người lao động không đáp ứng được yêu cầu.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập, hệ thống chính sách về lao động - việc làm phải tiếp tục được đánh giá, bổ sung và sửa đổi đảm bảo ngày càng thông thoáng, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế như các chế độ ưu đãi đối với lao động là người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động dôi dư... góp phần hỗ trợ người lao động có được việc làm ổn định.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các biện pháp để hỗ trợ người lao động như đẩy mạnh sự hợp tác, phối hợp liên ngành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp, từ đó nâng cao nhận thức của người lao động để họ tích cực tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như chủ động đến trung tâm dịch vụ việc làm để được hỗ trợ khi có nhu cầu học nghề và việc làm.
Trước những cơ hội và thách thức đan xen trong quá trình hội nhập, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khuyến nghị người lao động, người sử dụng lao động cần chủ động tìm hiểu về các quy định của pháp luật lao động nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ để bảo vệ và thực hiện đúng pháp luật.
Người lao động cần tận dụng cơ hội của các chính sách về hỗ trợ người thất nghiệp, về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động để có việc làm ổn định và thăng tiến trong công việc.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023