Sáng 8-4 tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức Hội nghị “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam”. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần cải cách hơn nữa tận dụng được cơ hội từ TPP; mặt khác, cũng cần khai thác nhiều hơn những lợi ích từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại.
Mở đầu hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, Cố vấn cấp cao của Chính phủ trong đàm phán TPP cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam 2016 – 2018, rất khó đoán định. Hiện có nhiều tổ chức dự báo uy tín trên thế giới đưa ra các dự báo về kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2016 – 2017 đều hạ mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu thấp hơn năm 2015. Điều này cho thấy các yếu tố bên ngoài tác động đến mỗi quốc gia là bất định, ẩn chứa nhiều rủi ro. Riêng với Việt Nam, với những Hiệp định Thương mại (FTA) đã ký kết, có thể dự báo những yếu tố bên ngoài tác động đến Việt Nam là tích cực.
Tuy vậy, với nền kinh tế bên trong, dù kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng vẫn còn những yếu kém cần khắc phục như: cân đối ngân sách còn căng thẳng, nợ công tăng cao, nợ xấu chưa được xử lý tốt; DN trong nước khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm... Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đang tăng khiến mặt bằng lãi suất khó có thể giữ như năm 2015 cũng sẽ là yếu tố gây thêm khó khăn cho DN. Như vậy trong năm 2016 vừa có lực đẩy lại vừa có lực cản sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Từ 2017, lực đẩy sẽ mạnh hơn còn lực cản sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế trong nước, nhất là việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Ông Trương Đình Tuyển cũng cảnh báo khi hội nhập nhiều DN Việt Nam có thương hiệu đã phải "bán mình" cho các doanh nghiệp nước ngoài vì không thể cạnh tranh. Ông Tuyển cho rằng, dù có nguyên nhân nhưng để thực trạng này xảy ra lỗi đầu tiên là từ nhà nước khi chưa tạo được một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn cho các DN trong nước.
Để được hưởng quy chế TPP, điều quan trong nhất là chứng minh xuất xứ nguyen phụ liệu của sản phẩm. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, các DN vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam hiện chỉ thực hiện được xuất xứ nguyên liệu từ 20 – 25% trong khi yêu cầu đỏi hỏi từ 45% trở lên. Tại TP Hồ Chí Minh, Hội đang liên kết với nhau thành lập chuỗi; đang thành lập chuỗi hàng thể thao với thị trường Châu Âu trong đó các DN lớn đứng đầu, nhỏ và vừa kết nối với nhau trong thị trường chung đó. Các DNNVV Liên kết này là tự thân DN cung – cầu gặp nhau để cùng phát triển trong điều kiện cấp thiết.
Chia sẻ về những thách thức trong việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP mà DN Việt Nam cần chuẩn bị, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng TPP là hiệp định thương mại phức tạp nhất trong lịch sử thế giới. Toàn văn TPP gồm 5.544 trang, với lượng thông tin quá dày thế này, ngay từ bây giờ DN phải tìm hiểu chính xác các quy tắc vô cùng phức tạp và dễ nhầm lẫn để áp dụng mới tận dụng được cơ hội từ TPP.
Về phía Chính phủ, theo ông Nestor Scherbey, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các DN FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại FTA và các trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với các DNVVN. Những trung tâm thông tin thương mại mới sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài, nên dịch các tiêu chuẩn và yêu cầu nước ngoài, phổ biến thông tin này cho các DN trong nước để họ hiểu, thực hiện nhằm tận dụng lợi thế TPP.
Theo bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) điều quan trọng nhất của TPP là sự hợp tác. Việt Nam hiện đứng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê nhưng giá trị gia tăng thấp vì thế đầu tư FDI vào Việt Nam cần phải đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi khoảng cách giữa DN FDI và DN Việt Nam còn lớn thì vẫn chưa có sự hợp tác khi các dự án phần lớn chỉ là 100% FDI. “Làm sao để kết nối DN FDI với DN trong nước, hợp tác với nhau để khi nguồn vốn nước ngoài đổ vào thì hai bên sẽ cùng phát triển, cùng tận dụng tốt cơ hội từ TPP”, bà Sherry Boger nói.
Đặng Loan: Theo BaoHanoimoi
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023