Đó là khuyến nghị của nhiều đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 14/4, tại Hà Nội.
DN xuất khẩu cần lưu ý đặc biệt đến nguyên tắc xuất xứ để có chiến lược đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Ảnh: Nhã Chi
Tỷ lệ nội địa hóa còn ít ỏi
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại đã tăng 2,94 lần (từ 111,3 tỷ USD năm 2007 lên 327,8 tỷ USD năm 2015). Trong đó, nhập khẩu tăng 2,6 lần và xuất khẩu tăng 3,3 lần. “Những kết quả này chứng tỏ DN Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại để xuất khẩu hàng hóa” - ông Hải nhận định.
Theo ông Hải, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Rào cản lớn nhất chính là hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ nội địa hóa các nguyên phụ liệu để đảm bảo điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi.
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa của hàng Việt vẫn còn rất khiêm tốn. Đơn cử như ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu thuộc top đầu thế giới, nhưng nguyên phụ liệu để cấu thành một chiếc áo như bông sợi, vải áo, chỉ, cúc… lại hầu như được nhập từ nước ngoài.
Đừng đánh giá thấp khó khăn, thách thức
Nhìn lại bức tranh cán cân thương mại của Việt Nam trong thời gian gần đây, ông Thành cho rằng, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu từ thị trường nước ngoài, nhiều nhất là từ thị trường Trung Quốc (hàng trung gian, hàng vốn)... trong khi đó, xuất khẩu vẫn chủ yếu là hàng tiêu dùng cuối cùng (55%) với giá trị gia tăng thấp.
Bày tỏ lo lắng trước áp lực hội nhập đang đặt trên vai các DN, trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Diễn đàn, đại diện một hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ: “Khi các FTA mới có hiệu lực, mức thuế suất về 0% trong bối cảnh các DN trong nước còn non yếu quả thực sẽ rất khó khăn cho DN. Vì khi đó tất cả các đối tác, đối thủ của chúng tôi có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam”.
Vị đại diện hiệp hội này nói thêm: “Trong quá khứ, hầu như các công trình xây dựng lớn của Nhà nước đều do nhà thầu nước ngoài đứng vai trò tổng thầu và đi kèm theo đó là hệ thống máy móc, công nghệ theo dây chuyền do nhà thầu nước ngoài đảm nhận. Các nhà thầu Việt Nam chủ yếu đứng vai trò thầu phụ”.
Từ thực tế nêu trên, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam nhằm đón bắt các cơ hội từ các FTA mới, ông Võ Trí Thành cho rằng, trong thời gian tới, nhất là giai đoạn từ năm 2017 - 2018, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với các DN Việt Nam khi hàng loạt các FTA mới có hiệu lực, việc nâng cao tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ trong nước là vô cùng cần thiết. “Các DN xuất khẩu cần lưu ý đặc biệt đến yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để có chiến lược đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu”- ông Thành nói.
Trung Hiếu: Theo Baodauthau
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023