Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho rằng, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may 2020-2025 đã lỗi thời. Chính phủ và các bộ ngành cần đánh giá lại quy hoạch để ngành đi kịp với quá trình hội nhập.
Theo ông Giang, xuất khẩu dệt may trên thực tế đã đạt hơn 27 tỷ USD vào năm 2015, trong khi đó quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020 chỉ dự kiến xuất khẩu 20-25 tỷ USD.
Như vậy, từ thực tế đến quy hoạch đã có một khoảng cách khá xa và không còn phù hợp. Thế nên, VITAS kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần đánh giá lại quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may bởi quy hoạch đến năm 2020 đã lỗi thời.
“Chính phủ đưa ra một chiến lược dài hạn hơn, cụ thể hơn, trước mắt là đến năm 2020, trung hạn 2020-2030 và dài hạn từ 2030-2040 để dệt may đi kịp với quá trình hội nhập của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ Chính phủ trong nhiệm kỳ mới này sẽ tạo ra nền tảng, cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng”, ông Giang nói.
Nền tảng để tạo sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam theo vị Chủ tịch VITAS, có 5 yếu tố: Quy hoạch khu công nghiệp; hạ tầng giao thông; vấn đề về môi trường, xử lý nước thải; ổn định về chính sách thuế, phí, thủ tục và quan trọng hơn là có chính sách tiền lương.
Trên thực tế, xử lý nước thải đối với ngành dệt may đang là vấn đề nan giải bởi đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn rất tốn kém, thời gian thu hồi vốn lâu nên chủ các khu công nghiệp thường không làm được.
Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Công ty May 10 cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ trong việc xây dựng khu công nghiệp dệt, đầu tư trạm xử lý nước thải… giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu bởi năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế.
“Chúng tôi đã từng tham quan các nước có ngành sản xuất dệt may phát triển, thậm chí là đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… Ví dụ như Chính phủ Trung Quốc bỏ tiền xây trạm xử lý nước thải, sau đó doanh nghiệp đến sản xuất sẽ đóng góp chi phí. Việc này sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp thay vì phải tự đầu tư trạm xử lý nước thải 2-5 triệu USD”, ông Việt nói.
Bổ sung thêm ông Giang cho hay, khi chúng ta có các hệ thống xử lý nước thải sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vào xây dựng các nhà máy sản xuất sơ, sợi và dệt, nhuộm hoàn tất.
“Dệt may Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung về sợi cao cấp và dệt nhuộm hoàn tất. Chúng tôi mong muốn Chính phủ thu hút FDI đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu, còn với lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam đã làm được thì không nên khuyến khích- đó là lĩnh vực may”, ông Giang khẳng định.
Theo baohaiquan.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023