(NDH) Trong cuộc gặp mặt của các doanh nghiệp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/4, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã lên tiếng than thở về sự ức chế của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến việc giám sát của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp.
Tại hội nghị ‘Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại TP.HCM ngày 29/4, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – đã đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc triển khai giám sát của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp.
Ông cho biết, trong 1 năm các doanh nghiệp thường phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra từ những người quản lý từ đủ mọi ngành như ngành thuế, ngành hải quan, ngành lao động thương binh xã hội, ngành quản lý môi trường, thực phẩm.
“Các doanh nghiệp vừa vừa nhỏ nhỏ một năm một quý thường có 3-4 đoàn kiểm tra, nay hải quan, mai thuế, mốt là ông lao động thương binh xã hội xuống kiểm tra giờ lao động, rồi thực phẩm, rồi công tác phòng cháy chữa cháy, cứ liên tục như vậy. Cộng đồng doanh nghiệp rất ức chế về các vấn đề này,” ông phát biểu.
Ông Giang đề nghị với các cơ quan quản lý, nếu đã kiểm tra, thì gom lại 1 quý 1 lần, 1 năm 1-2 lần, tất cả các cơ quan vào kiểm tra 1 lần để doanh nghiệp chuẩn bị tất cả các hồ sơ, như vậy sẽ đỡ mất thời gian, công sức cho cộng đồng doanh nghiệp.
Với ngành dệt may của mình, ông đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh quy hoạch đối với ngành này trong giai đoạn 2035-2040. Ông cho biết quy hoạch hiện tại đối với ngành này “đến giờ đã lỗi thời rồi”, vì quy hoạch đến 2020 toàn ngành xuất khẩu 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 Việt Nam đã xuất khẩu đến 27,5 tỷ USD.
Ông đề nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây và Chính phủ xây dựng chiến lược quy hoạch ngành dệt may gắn với quy hoạch các khu công nghiệp tập trung cho vấn đề xử lý nước thải, quản lý nước thải, vì nó liên quan đến sự bền vững của ngành dệt may và việc đảm bảo môi trường.
Ông cũng đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét điều chỉnh quy định về môi trường, cho rằng trong ngành dệt may có rất nhiều ngành không nhất thiết phải đưa ra tiêu chuẩn môi trường quá nặng nề. Ông lấy ví dụ về trường hợp 1 doanh nghiệp may chỉ có 400 lao động, nhưng phải xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải mini tại đó với giá trị mấy tỷ bạc, trong khi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không có nước thải gì có hóa chất, nhưng cũng áp dụng như doanh nghiệp dệt. Đây là quy định “quá nặng nề” đối với doanh nghiệp dệt may.
Đề cập đến môi trường cạnh tranh hiện nay, vị đại diện Hiệp hội Dệt may báo cáo với Thủ tướng rằng: “chỉ sau quý I/2016 thôi, hàng loạt khách hàng của chúng tôi đã chuyển đơn hàng đi Myanmar và Lào, vì ở đây họ có ưu đãi về thuế vào Mỹ và Châu Âu”, trong khi hiệp định TPP của Việt Nam với Mỹ và hiệp định FTA với Châu Âu chưa có hiệu lực.
Trước viễn cảnh nhiều đơn hàng bị chuyển sang nước khác, ông Giang đề nghị cần thay đổi chính sách về lương tối thiểu, cho rằng đây là 1 áp lực rất nặng nề với ngành dệt may. Ông cho biết Trung Quốc từ ngày 1/5 sẽ điều chỉnh bảo hiểm xã hội từ 20% xuống 19%, nên Việt Nam cũng cần xem xét hạ tỷ lệ bảo hiểm xuống để thu hút đầu vào của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng cần có giải pháp điều chỉnh việc này, nếu không chúng ta sẽ khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.
Liên quan đến việc kiểm tra chất formaldehyde của Bộ Công Thương, ông Giang cho rằng trước đây Thông tư 32 còn dễ dàng 1 chút, nhưng giờ đây Thông tư 37 ban hành ra đã “thắt chặt doanh nghiệp quá mức, không chịu nổi”. Ông lấy ví dụ về một miếng vải mẫu chuyển từ nước ngoài về, có 5m thôi, cũng phải kiểm tra, tốn thời gian, tốn chi phí cho doanh nghiệp. Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xem điều chỉnh lại Thông tư 37 này.
Một vấn đề nữa được Hiệp hội Dệt may đề nghị lên Chính phủ là vấn đề giờ làm thêm. Đây được coi là 1 trong những thách thức của doanh nghiệp dệt may.
Ông Vũ Đức Giang cho biết Việt Nam đang đưa quy định giờ làm thêm là 300 giờ/năm, trong khi Trung Quốc – một nước cạnh tranh với chúng ta quyết liệt nhất – lại không đưa quy định nào về giờ.
“Để tạo điều kiện trong hội nhập, chúng ta cần giãn giờ làm thêm lên 500 giờ, vì đơn hàng dệt may có mùa vụ, có thời điểm phải làm thêm nhiều giờ, lúc trái vụ thì đơn hàng không có, cho nên cần phải linh hoạt để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển”, ông đề nghị.
Nguồn: Trung Nghĩa/ndh.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023