Để chuẩn bị cho việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) một cách “sớm nhất”, Bộ Công thương đã có Tờ trình Chính phủ cùng các văn kiện liên quan.
Nhiều nước đang nghe ngóng động thái từ Mỹ
Tờ trình nêu rõ: Theo quy định, TPP sẽ có hiệu lực theo 3 cách. Thứ nhất, TPP sẽ lập tức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày tất cả các thành viên thông báo bằng văn bản cho New Zealand (nước được giao lưu chiểu văn bản của TPP) rằng đã hoàn tất quá trình phê chuẩn hiệp định.
Thứ hai, nếu trong vòng 2 năm kể từ ngày ký mà các nước không thực hiện thông báo theo cách thứ nhất, phải có ít nhất 6 nước thành viên (chiếm ít nhất 85% GDP, tính theo số liệu năm 2013) thông qua, thì TPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi kết thúc thời hạn 2 năm.
Thứ 3, nếu TPP không thể có hiệu lực theo 2 cách nói trên, thì sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước thành viên chiếm ít nhất 85% GDP của 12 nước thông báo bằng văn bản cho New Zealand rằng đã hoàn tất phê chuẩn.
Bộ Công thương cho rằng nếu thời điểm hiệu lực của TPP diễn ra theo cách thứ nhất thì sẽ thuận lợi nhất cho Việt Nam cũng như các nước TPP khác. Tuy nhiên, nếu 1 nước thành viên không hoàn tất được thủ tục phê chuẩn trước ngày 4-2-2018 thì Hiệp định sẽ có hiệu lực theo cách thứ 2 hoặc thứ 3.
Trong 2 trường hợp này, Hiệp định sẽ đương nhiên có hiệu lực đối với các nước đã kịp thông báo hoàn thành thủ tục nội bộ. Các nước thông báo sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực sẽ cần được Ủy ban của Hiệp định TPP (với thành viên là đại diện các nước đã hoàn tất phê chuẩn) đồng ý mới có thể trở thành thành viên chính thức. Do quy định này, các nước đang khẩn trương tiến hành thủ tục nội bộ để phê chuẩn.
Tờ trình cho biết Singapore có khả năng phê chuẩn trong quý II hoặc quý III năm nay. Australia và Nhật đang nỗ lực vận động để Quốc hội thông qua trong nửa cuối 2016. Các nước khác về cơ bản không có vướng mắc, chủ yếu muốn nghe ngóng động thái từ Mỹ để cân nhắc thời điểm.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Obama tỏ rõ quyết tâm thúc đẩy Quốc hội Mỹ phê chuẩn trước khi diễn ra bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy vậy, do tình hình tranh cử phức tạp và TPP là một trong các vấn đề gây chia rẽ, khả năng Hiệp định chỉ có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trong khoảng thời gian sau bầu cử đến trước khi có chính quyền mới, thậm chí sau khi có chính quyền mới. Các nước khác cũng cho biết đã bắt đầu quá trình phê chuẩn ngay đầu năm 2016 để có thời gian chủ động chuẩn bị, đưa Hiệp định vào thực thi đầu 2018.
Đối với Việt Nam, để đảm bảo chắc chắn quyền lợi trong Hiệp định, Bộ Công thương đề xuất cần được phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hoàn thành sớm nhất thủ tục nội bộ. Bộ Công thương cũng không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của hiệp định.
Kỳ vọng lợi ích kinh tế, không tạo áp lực mới cho quốc phòng – an ninh
Đánh giá về tác động của TPP, một lần nữa tờ trình của Bộ Công thương tỏ ra lạc quan. Theo đó, tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á – Thái Bình Dương.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia TPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để đối phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Về mặt kinh tế, Bộ Công thương dẫn tính toán của các chuyên gia của WB và nhiều tổ chức nghiên cứu khác cho rằng, nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ ăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP (tính trên tỷ lệ % tăng trưởng GDP và xuất khẩu).
Việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” lớn. Riêng dệt may, với mức cam kết như đã đạt được với Mỹ (giảm 63,5% số thuế ngay khi TPP có hiệu lực và tiếp tục giảm thêm theo lộ trình xuống 0%), kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo ước tính thận trọng, mức tăng có thể đạt 30% – 40% ngay trong năm đầu tiên và sau khoảng 3 – 4 năm, kim ngạch sẽ tăng gấp đôi.
Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 10 tỷ USD dệt may vào Mỹ. Nếu không có TPP, dự kiến kim ngạch sẽ đạt khoảng 13 tỷ USD vào năm 2018. Với TPP, kim ngạch vào năm này dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD (tăng thêm 5 tỷ USD). Nếu kim ngạch tăng như dự kiến, có thể tạo thêm hàng triệu việc làm mới. Việc có quan hệ FTA với Mỹ và cùng đó là EU, Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Hiện Việt Nam dựa quá mạnh vào các thị trường tại Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước ASEAN.
Do các lĩnh vực nhạy cảm nhất như hạ tầng viễn thông, báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình đều sẽ được bảo lưu như đã bảo lưu ở WTO, TPP lại không ngăn cản việc áp dụng các biện pháp quản lý vì mục tiêu công cộng, chính đáng, bao gồm cả quản lý thông tin, truyền thông, nên về cơ bản sẽ không tạo thêm các thách thức mới cho lĩnh vực văn hóa – tư tưởng cũng như quốc phòng – an ninh.
Nam Phương: Theo CAND
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023