Mặc dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại nhiều cơ hội về xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam, song để nắm bắt được cơ hội này, doanh nghiệp phải vượt qua “vô số” rào cản thương mại. Do đó, ngoài sự tự lực của bản thân doanh nghiệp cũng cần đến các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước.
Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong hội nhập TPP” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Cơ hội đi liền với thách thức
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những Hiệp định quốc tế đa phương Việt Nam đã và đang ký kết, sẽ triển khai trong hai năm tới với rất nhiều việc cần phải làm để tận dụng được cơ hội, đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức đi kèm.
Ông Jeff McLean (Tổng Giám đốc Tập đoàn UPS Việt Nam, thành viên Hội đồng quản trị Phòng Thương mại Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, lợi thế doanh nghiệp dễ nhìn thấy nhất là TPP cho phép doanh nghiệp tiếp cận khách hàng của mình sâu rộng hơn.
“TPP với 12 nền kinh tế đại diện cho gần 40% GDP (tổng sản phẩm nội địa) toàn cầu với dự kiến xóa bỏ 98% thuế quan sẽ là thị trường khổng lồ cho doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, nâng cao cải tiến và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế”, ông Jeff McLean dẫn chứng.
Ông Lê Xuân Sang (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi vào các thị trường Nhật Bản, Canada và Mỹ.
“Vào TPP, môi trường kinh doanh sẽ có động lực để thay đổi toàn diện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, thế giới. Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, năng suất và sức chống chịu đối với các cú “sốc” kinh doanh”, ông Sang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thử thách, như thay đổi và cải cách các chính sách Nhà nước theo quy định của TPP. Việc dỡ bỏ các rào cản thuế quan sẽ tạo nên xu hướng áp dụng rào cản phi thuế quan tại thị trường các quốc gia thành viên.
“Doanh nghiệp Việt với quy mô nhỏ, phân tán trong khi luôn ở tình trạng “đói” vốn, yếu công nghệ, kém quản trị sẽ rất khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) để giành phần “ngon” về phía mình”, ông Sang nói.
Theo ông Sang, ngành dệt may được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi nhiều nhất song đây là ngành có đặc trưng cần vốn lớn, công nghệ cao - cả hai yếu tố này Việt Nam đều khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Ngành dệt được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP
Bên cạnh đó, theo ông Vương Đức Anh (Phó Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), quy tắc xuất xứ là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt khi tham gia TPP, nhất là quy định đối với ngành dệt may, ngành ô tô...
“Tôi cho rằng, gián đoạn trong chuỗi cung ứng và những quy định thương mại phức tạp là một trong những rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Jeff McLean đánh giá.
Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
TS Lê Xuân Sang cho rằng, môi trường kinh doanh trong bối cảnh hội nhập đang biến đổi rất nhanh, đòi hỏi doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải có tầm nhìn toàn cầu và kiến thức về thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực là một khâu/mắt xích trong chuỗi liên kết giá trị toàn cầu để bắt kịp các xu hướng sản xuất, quản lý, công nghệ và là “người chơi” trong các “cuộc chơi” trong và ngoài nước.
Từng doanh nghiệp cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hoạt động của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng. Đồng thời, xem xét khả năng chuyển dần chất lượng cạnh tranh giá rẻ sang các chất lượng khác như khác biệt sản phẩm, chọn các thị trường ngách… Chú trọng cạnh tranh phi giá gắn liền với tiêu chuẩn cao, mẫu mã giao dịch.
Doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc có chiến lược tham gia ngành này cần xác định rõ các điều kiện phát triển hữu hiệu từng ngành đặc thù cũng như các doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động để có chiến lược đầu tư, liên kết kinh doanh phù hợp.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần xem xét thay đổi phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp. Cần có chiến lược phát triển thương hiệu, chủ động đăng ký và quản trị nhãn hiệu sản phẩm để được bảo hộ về pháp lý.
Nhằm khắc phục hạn chế về quy mô nhỏ và nguồn vốn hạn hẹp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên “lột xác” để thu hút vốn bên ngoài, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn.
Đặc biệt, có 5 quy định quan trọng mà doanh nghiệp cần phải lưu ý là quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ; Thủ tục hành chính – hải quan; quy định về bảo vệ môi trường; chính sách cạnh tranh; các quy định về lao động, công đoàn.
Cũng theo TS. Lê Xuân Sang, để giúp doanh nghiệp hội nhập TPP, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp yếu thế, như: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để tăng khả năng tiếp cận thị trường các nước thành viên TPP. Xây dựng và hoàn thiện các mô hình/công cụ kết nối doanh nghiệp, địa phương thông qua cải cách các thể chế phát triển vườn ươm doanh nghiệp khoa học - công nghệ, cụm liên kết ngành. Ngoài ra, cũng cần nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc giúp các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, thông tin...
Còn theo ông Vương Đức Anh, trong đàm phán hiệp định thương mại tự do, nhất là TPP, quy tắc xuất xứ và mức độ mở của thị trường (mức độ và thời gian cắt giảm thuế) luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Điều này đồng nghĩa với việc TPP mở ra nhiều cơ hội về thuế quan cho Việt Nam, thì các quy tắc xuất xứ của TPP cũng lại “thắt chặt” hơn.
Cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Jeff McLean cho rằng, để tận dụng được lợi thế từ tự do hóa thương mại, doanh nghiệp cần nắm vững khả năng quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu đến nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Với những yếu kém nội tại, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tự mình làm tất cả mọi việc. Do đó, để hội nhập TPP thành công, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thuê ngoài các dịch vụ hỗ trợ phát triển, như: tư vấn thương mại, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ, marketing, thiết kế bao bì, dịch vụ tin học...”, ông Jeff McLean nêu quan điểm.
Toàn cảnh Hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong hội nhập TPP
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trước những thách thức khi tham gia TPP, vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam lúc này là phải tự đổi mới mình, phải xác định đâu là thế mạnh, đâu là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của mình, từ đó mới có thể nói đến năng lực cạnh tranh. Cũng theo ông Lang, hiện nay, điện tử đang được xem là thế mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
“Ngoài việc giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin về hiệp định, thông tin thị trường TPP, Cục Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp về đào tạo, tập huấn, kết nối với các đối tác, chuyên gia nước ngoài”, ông Đỗ Kim Lang khẳng định.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Nhật Hải) cho biết, doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu và cũng định hướng mở rộng xuất khẩu sang thị trường trong khối TPP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường:
“Doanh nghiệp phải mày mò, mất nhiều thời gian để có giấy phép kiểm định chất lượng, chứng nhận tiêu chuẩn để vào thị trường mới, kết nối với khách hàng. Nhật Bản, Mỹ là những thị trường lớn trong khối TPP. Chúng tôi mong có những hướng dẫn cụ thể hơn về những tiêu chuẩn, cách thức tham gia thị trường để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Tuyết nói./.
Thu Hồng: Theo Pháp Luật VN
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023