Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940506852
Bài toán tăng trưởng XK DMVN 2016: Làm gì khi còn nửa chặng đường?

Cuối năm 2015, trước vận hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) vừa ký kết, đặc biệt là xu hướng đón đầu các FTA quan trọng nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã có những dự đoán lạc quan rằng năm 2016, Dệt May Việt Nam (DMVN) sẽ tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế đã không suôn sẻ như vậy.

Những con số cần suy nghĩ

Năm 2016, DMVN đặt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, gần nửa năm đầu của 2016 đã qua đi, những trụ cột của ngành đang khá đau đầu trước thực tế suy giảm đơn hàng và giá xuất khẩu. Tạm tính trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu DMVN đạt gần 8,5 tỷ USD, chỉ tăng 6,1 % so với cùng kỳ. Trong số tăng trưởng đó, đều khối FDI tăng mạnh hơn so với doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí có doanh nghiệp Việt Nam còn giảm nhẹ, do thiếu đơn hàng trầm trọng. Song song đó, nếu so sánh với tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may thì lại tăng ít hơn so với xuất khẩu. Vải nhập 4,2 tỷ USD, chỉ tăng 4,1%, phụ liệu nhập 2,1 tỷ USD, chỉ tăng 3,3%. Như vậy, số thặng dư ở lại Việt Nam vẫn còn tương đối.

Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn cho biết, đơn hàng xuất khẩu mà đối tác đặt hàng doanh nghiệp đã có xu hướng không tăng từ đầu năm 2016 và kèm theo đó là giảm giá xuất khẩu, trong khi chi phí sản xuất (giá nhân công, điện nước, phí bảo hiểm…) không giảm mà còn gia tăng. Đơn cử như trường hợp của Tổng công ty May 10 - CTCP, kết quả kinh doanh đầu năm 2016 của doanh nghiệp có sự biến động lớn do sức mua và giá nguyên liệu đầu vào thay đổi. Tính đến thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu và giá đều có xu hướng giảm, khiến doanh nghiệp chật vật hơn rất nhiều. Là doanh nghiệp có quy mô lớn - với 17 xí nghiệp thành viên và có bạn hàng truyền thống khá ổn định - vậy mà khó khăn không loại trừ May 10.

Tình trạng này diễn ra còn trầm trọng hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - ông Vũ Đức Giang phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ láng giềng, tiêu biểu như Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh… Tuy nhiên, xét về tình trạng chung, thì một số quốc gia sản xuất hàng dệt may chính của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, cũng bị giảm lượng xuất khẩu, do tổng cầu giảm, đơn cử trong quý I năm 2016, Trung Quốc giảm tổng lượng xuất khẩu dệt may tới 10,6% so với cùng kỳ năm trước, Ấn Độ giảm 0,9%.

DMVN đang đứng trước nhiều thách thức từ nay cho tới 2018, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Bởi một thực tế, khách hàng đã và đang chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ - vốn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành DMVN.

Trong khi đó, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam trung bình là 17%, vào EU gần 10%. Lộ trình giảm thuế với cả TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nếu không có gì thay đổi phải giữa năm 2018 hai hiệp định này mới có hiệu lực.

Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều có nhiều giải pháp tích cực để giảm chi phí sản xuất, chi phí vận hành doanh nghiệp nhằm khắc phục các bất lợi họ phải chịu do không là thành viên trong khối TPP, không có các lợi ích về thuế vào 2 thị trường chính là USA và Nhật Bản. Đáng lưu ý là Trung Quốc đã tiến hành Chương trình "Các nền tảng dịch vụ chung cho các cụm công nghiệp tiêu biểu", áp dụng đối với 7 lĩnh vực trong đó có dệt may: bao gồm các khoản trợ cấp thông qua hình thức tài trợ hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc dịch vụ giảm giá từ chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc. Ấn Độ trong kế hoạch ngân sách 2016-2017 sẽ giảm thuế nhập khẩu một số loại xơ, sợi nguyên liệu từ 5% xuống 2,5%, miễn thuế nhập khẩu một số loại vải phục vụ sản xuất hàng may mặc xuất khẩu với giá trị miễn thuế tương ứng với 1% giá trị xuất khẩu FOB của doanh nghiệp trong năm tài chính liền kề trước đó. Bangladesh trong năm tài chính 2016 – 2017 có nhiều ưu đãi thuế cho ngành dệt may, như: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%, giảm thuế nhập khẩu xơ lanh và sợi spandex từ 10% xuống còn 5%, giảm thuế nhập khẩu một số loại hóa chất thuốc nhuộm từ 25% xuống còn 15%. Pakistan cũng đã công bố chế độ thuế 0% trong năm 2016 - 2017 để  thúc đẩy ngành dệt may, ngành công nghiệp chủ lực của Pakistan. Cụ thể: Từ 1/7/2016 Pakistan áp dụng chế độ thuế 0% (không cần nộp thuế & hoàn thuế tiêu thụ/VAT) đối với nguyên phụ liệu, bán thành phẩm và năng lượng (điện, gas, dầu, than) phục vụ hàng dệt may xuất khẩu. Miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị dệt may. Hoàn thuế nhập khẩu xơ nhân tạo. Tiếp tục thực hiện Chương trình hoàn thuế và phí nội địa, cắt giảm lãi suất Chương trình tái tài trợ xuất khẩu từ 9,5% xuống 3%; thành lập Quỹ Nâng cấp Công nghệ cho ngành dệt may.

Trong khi TPP chưa có hiệu lực thì các giải pháp của các nước cạnh tranh vừa nêu có tác dụng ngay sẽ làm đơn hàng đã và đang có xu thế không tăng ở VN.

Năm 2016, dù một số FTAs đã đàm phán xong, nhưng chưa xác định rõ thời gian hiệu lực, nên xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động lớn. Các nhà nhập khẩu đã và đang tìm đến các nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí. Do đó, KNXK cả năm của Ngành trong năm nay dự báo chỉ đạt 29,5 đến 30 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.

Và hành động cần thiết

Trước thực trạng khó khăn nêu trên, trong thời gian nửa năm còn lại của 2016, doanh nghiệp DMVN không thể án binh bất động mà cần có những giải pháp rốt ráo để thay đổi tình hình, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho cạnh tranh, nắm bắt cơ hội khi TPP thực sự có hiệu lực.

Như trên đã đề cập, đơn hàng cho các doanh nghiệp DMVN sụt giảm, một phần do khách quan (đơn hàng đang dịch chuyển về Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, và ngược trở lại Trung Quốc, Ấn Độ do những lợi thế về thuế xuất khẩu, và những giải pháp cạnh tranh mới của họ đối phó với TPP), một phần do chính năng lực cạnh tranh của chúng ta. Hiện nay DMVN mới chỉ mạnh ở khâu may, các khâu còn lại như sợi, dệt, nhuộm – hoàn tất chưa đáp ứng được nhu cầu, nên dịch vụ cung ứng hoàn chỉnh cho khách hàng chưa đáp ứng được, trong khi đó giá nhân công của chúng ta lại đang tăng lên, yếu tố cạnh tranh bằng giá gia công thấp đã dần mất đi, tất yếu dẫn đến việc đơn hàng sẽ chạy về nơi có giá gia công thấp hơn (Lào, Campuchia, Myanmar), và nơi có dịch vụ cung ứng hoàn chỉnh hơn (Trung Quốc, Ấn Độ).

Điểm yếu trong khâu sợi, dệt, nhuộm – hoàn tất được ngành Dệt May Việt Nam nhìn ra từ sớm. Thời gian qua, ngoài việc các doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào khâu này, thì doanh nghiệp DMVN cũng đã rất nỗ lực đầu tư, dù đây là bài toán không dễ giải. Đầu tư cho khâu sợi, dệt, nhuộm – hoàn tất đòi hỏi vốn lớn về tài chính cũng như chất lượng nhân sự cao, không thể tuyển lao động phổ thông như khâu may, công nghệ máy móc cũng cần hiện đại mới đáp ứng được sản phẩm sợi, vải, phụ liệu chất lượng cao. Hiện nay, ngành Dệt May Việt Nam cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đầu tư cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bằng giải pháp thành lập mới các doanh nghiệp ở khâu thắt nút là sợi, dệt, nhuộm – hoàn tất, song song đó là giải pháp liên kết các doanh nghiệp ở từng công đoạn để hình thành chuỗi.

Chúng ta đang dần mất đi lợi thế về giá nhân công rẻ, đó là sự phát triển tất yếu. Trước đây, khi các đơn hàng may ồ ạt đổ về VN, là nhờ sự cạnh tranh về giá nhân công, điều đó có nghĩa DMVN có sức cạnh tranh cao, nhưng chỉ ở cấp độ 1 - cấp độ cạnh tranh thấp nhất và cũng là lợi thế cạnh tranh kém bền vững nhất. Một đất nước lấy giá nhân công làm lợi thế cạnh tranh chính thường là một đất nước có trình độ phát triển ở mức dưới trung bình. Một ngành công nghiệp lấy giá nhân công làm lợi thế cạnh tranh chính thường là ngành công nghiệp thuần túy gia công cho các nước khác. Lợi thế về giá nhân công của một ngành, hay rộng hơn là của một đất nước, sẽ dần mất đi khi mà tiền lương dần tăng lên. Khi lợi thế này mất đi mà ngành công nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn chưa tiến lên các cấp độ cạnh tranh cao hơn thì ngành công nghiệp ấy đương nhiên sẽ khủng hoảng và thậm chí đi đến lụi tàn.

Tuy nhiên, DMVN đang tiến lên cạnh tranh ở cấp độ 2, cấp độ trung bình. Đó là cạnh tranh bằng yếu tố: “Kỹ năng nhân công”, “Công nghệ của máy móc thiết bị”, “Đa dạng về chủng loại sản phẩm”. Trong đó, năng suất lao động kỹ thuật ngành May VN được xếp vào top đầu của thế giới. Nhưng vấn đề đa dạng chủng loại sản phẩm đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành DMVN phải đầu tư nhiều hơn vào máy móc thiết bị, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm mới, tăng năng suất lao động… thì không phải tất cả các DN đều đã làm được việc đầu tư này. Hầu hết DN chọn cách đầu tư dần theo từng năm, do hạn chế nguồn vốn.

Để giải quyết vấn đề thiếu đơn hàng, và việc làm cho người lao động, còn có một thị trường tại chỗ mà các DN VN cần nhanh chóng phục vụ thật tốt, chính là thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân. Đó là một thị trường lớn và tiềm năng khiến các DN nước ngoài cũng thèm khát, thì tại sao DN VN lại không tìm mọi cách để khai thác, mà lâu nay để các DN nước ngoài, phần lớn là DN Trung Quốc, chiếm mất? Hiện nay, có một số các DN VN đang khai thác tương đối tốt thị trường nội địa là May 10, Nhà Bè, Việt Tiến. Các DN khác nên theo tấm gương đó, bởi DN bạn đã làm được, tại sao ta không làm được. Họ cũng là người Việt, kinh doanh trên đất Việt với cùng những khó khăn và thách thức như ta mà thôi.

Các DN cũng nên tranh thủ quãng thời gian này để tập trung đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho CBCNV của mình, đặng đáp ứng đòi hỏi cao về chất lượng nhân sự trong giai đoạn phát triển mới. Bởi hiện nay, khi Ngành DMVN đã tiến lên một bậc cạnh tranh cao hơn, mà nhân sự vẫn ỳ ạch dậm chân tại chỗ về trình độ, tay nghề thì tất yếu tạo nên lực cản rất lớn. Hiện tượng đói nhân sự chất lượng cao của Ngành cần được giải quyết rốt ráo trong chính thời gian này.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời để giảm khó khăn cho DN DMVN… Cần giảm thiểu các chi phí vô lý đang làm DN DMVN suy yếu. Thực tế là chi phí vận hành ngoài SX tại VN hiện kém cạnh tranh so với các quốc gia khác, bao gồm chi phí vận tải, chi phí không chính thức tại các khâu hải quan, thuế…, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các trách nhiệm đóng góp như BHXH, BHYT, thất nghiệp cao thứ 2 trong 9 nước xuất khẩu dệt may chính của thế giới (chỉ thấp hơn Trung quốc); tỷ lệ % lương tối thiểu /GDP bình quân đứng thứ 2/27 nước châu Á; có đóng góp 2% quỹ lương từ người sử dụng lao động cho công đoàn. Đây là rủi ro lớn cho sức phát triển của Ngành khi các lợi thế tương đối không còn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc cùng DN, thở chung bầu không khí sống còn trong SXKD cùng với DN, ra tay điều chỉnh các quy định, cơ chế quản lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất về vốn, quy hoạch Ngành, hạ tầng giao thông, đào tạo nhân lực… không nên để DN đơn thương độc mã căng mình chịu đủ mọi áp lực từ nhiều phía.

Kiều Mai

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939