Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940506888
Dệt May Việt Nam - khó khăn chồng chất

Nếu như một năm trước đây, trước triển vọng của những cơ hội lợi nhuận lớn từ TPP, hàng loạt dự án mới của doanh nghiệp Việt Nam cũng như FDI đầu tư vào dệt may được khởi động, thì nay, khi còn 2 năm nữa TPP mới thực sự có hiệu lực, ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) đang đứng trước những khó khăn chồng chất. Liệu đây có là thách thức cuối cùng, và khó vượt qua nhất trước khi một cánh cửa mới rộng mở?

Một thực tế cho thấy, trong nửa năm đầu 2016, đã không có thêm một dự án FDI nào mới đầu tư vào ngành dệt may. Trong khi đó 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK của ngành DMVN chỉ tới con số 12,6 tỉ USD, đạt 41% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với cùng kì năm 2015. Như vậy, kết quả XK nửa năm đầu không được như kì vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố khách hàng như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh thế giới còn khó khăn. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ láng giềng, tiêu biểu như Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh… do đơn hàng dệt may dịch chuyển sang các nước này trước sức hấp dẫn của những ưu đãi mới từ các chương trình hỗ trợ dệt may xuất khẩu như không lấy VAT, giảm thuế, giảm bảo hiểm, phá giá đồng tiền... đặng ứng phó với việc họ không nằm trong TPP. Kết quả là đơn hàng của doanh nghiệp DMVN bị sụt giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, chi phí lao động không ngừng tăng cao. Việc tăng lương tối thiểu trung bình từ 16-25% trong những năm gần đây đã trực tiếp làm hụt hơi nhiều doanh nghiệp DMVN, vốn thâm dụng lao động nhất, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới hình thành, chưa tích lũy được nguồn dự trữ.  Thực trạng mỗi lần tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo chi phí nhân công tăng do doanh nghiệp phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn; Phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, từ 01/01/2016 các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp, và từ 01/01/2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác, trong khi tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của doanh nghiệp DMVN đã cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh (Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin, Mexico, Peru…)

Thêm nữa, nhiều bất cập từ chính sách cũng gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành. Đơn cử một quy định với ngành dệt may gây bức xúc suốt 7 năm qua, đó là quy định của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo (gọi tắt là kiểm tra formaldehyde) trong sản phẩm dệt may theo Thông tư 32/2009 và sau đó sửa đổi thành Thông tư 37/2015. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định: “Trước đây là Thông tư 32 và nay là Thông tư 37 đều không dựa trên cơ sở pháp lý của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong 7 năm qua, doanh nghiệp bị kiểm tra liên tục và thường xuyên, gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Tỷ lệ phát hiện sản phẩm không đạt chỉ chiếm dưới 1%. Như vậy hiệu quả của Thông tư này cần xem xét lại. Chúng tôi thấy rằng cơ sở pháp lý Thông tư 37 không đảm bảo và kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư này”. Ngoài ra, những quy định về thanh - kiểm tra khác cũng đang tạo thêm áp lực và chi phí cho doanh nghiệp.

Một yếu tố khác chồng thêm khó khăn cho doanh nghiệp DMVN, đó là chúng ta vẫn còn chịu áp lực rất lớn từ lãi suất vay đến chi phí vận tải, kể cả những chi phí không chính thức. Đặc biệt, những năm gần đây, chi phí vận tải trên đường, phí đường, cảng lớn hơn cả chi phí xăng dầu. Đây cũng là những yếu tố làm năng lực cạnh tranh của DN yếu đi. Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng ở mức 8% vẫn là cao so với các quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam.

Từ những khó khăn nêu trên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đưa ra dự báo, dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng chỉ có khả năng đạt khoảng 29 tỉ USD thay vì 30 tỉ USD như mục tiêu đã đề ra. Vào những tháng cuối năm, các doanh nghiệp DMVN cũng vẫn chưa nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” khi bao quanh chỉ toàn khó khăn. Giải pháp thúc đẩy và khai thác tối đa thị trường nội địa có là cứu cánh được các doanh nghiệp thực hiện thành công hay không, chúng ta cần chờ kết quả. Bên cạnh đó, cũng cần có một Chính phủ hành động thực sự, để đưa các nghị quyết, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ chuỗi  khó khăn cho Ngành DMVN trở thành hiện thực sớm nhất, chứ không chỉ nằm trên giấy tờ và trong các phòng họp.

Kiều Mai

Vinatex

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939