Dệt May Việt Nam nằm trong nhóm hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, để kỳ vọng trở thành hiện thực, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành Dệt May phải có hành động quyết liệt, thay đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm, cùng với đó là đầu tư lớn về công sức, thời gian và tiền bạc.
Để đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải
Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ bỏ thuế nhập khẩu cho nhóm hàng dệt may Việt Nam, nhưng không bỏ ngay mà tiến hành dần trong 7 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018. Hiện thuế nhập khẩu bình quân áp dụng với hàng dệt may từ Việt Nam vào EU là 9,6%. Bởi dệt may cũng là mặt hàng khá nhạy cảm với EU nên Hiệp định đưa ra quy tắc xuất xứ tương đối nghiêm ngặt. Các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép. Cụ thể, để một mặt hàng dệt may của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, thì ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam (tiêu chuẩn xuất xứ đơn là vải có thể được nhập khẩu rồi cắt may tại Việt Nam, tiêu chuẩn kép là vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam).
EU cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ. Nghĩa là hàng hóa có nguồn gốc từ các nước đối tác với EU cũng được coi là có nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi. Cụ thể, trong Hiệp định có nêu rõ việc cho phép sử dụng vải sản xuất tại Hàn Quốc (nước đã có FTA song phương với EU).
“Dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu, vấn đề duy nhất với hàng dệt may là phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, vì chúng tôi ký FTA với Việt Nam chứ không phải nước nào khác gần Việt Nam” - ông Jean Jacques Bouflet - nguyên Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam - đã từng nhấn mạnh điều này.
Những yêu cầu xuất xứ kép nêu trên cũng liên quan trực tiếp đến điểm yếu của ngành Dệt May Việt Nam. Bởi hiện nay có tới gần 75% doanh nghiệp dệt may làm gia công. Việt Nam hiện phải nhập khẩu vải rất nhiều, đơn cử 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã phải nhập 4,2 tỷ USD vải trong số 8,5 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may.
Sớm nhìn nhận được “vấn đề”, ngay khi các điều khoản trong EVFTA còn trên bàn thương thảo, các đơn vị trụ cột của ngành Dệt May trong nước đã lên kế hoạch mở rộng quy mô, xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu.
Từ năm 2013, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đầu tư cực mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm với 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may, tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án được tính toán có khả năng đáp ứng từ 50-60% nhu cầu của Tập đoàn.
Từ cuối năm 2014, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú đã xác định đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm với các sản phẩm chủ lực như vải dệt kim, vải jeans, sợi chỉ may…; đồng thời với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp còn chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và tiếp cận thị trường.
Năm 2015, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) chi xấp xỉ 500 tỷ đồng cho các dự án đầu tư mới, hơn 90% tổng chi được dồn cho dự án sản xuất sợi, năm 2016, hai dự án lớn trong số này sẽ đi vào vận hành.
Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: Mặc dù doanh nghiệp đã xuất khẩu khá nhiều hàng sang thị trường châu Âu, nhưng Tổng Công ty rất mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Hiện một chiếc áo sơ mi của May 10 xuất khẩu sang EU có giá 10 USD và chịu thuế 12% (tương đương với 1,2 USD). Sau khi EVFTA có hiệu lực, nếu chứng minh được nguồn gốc xuất xứ vải, DN sẽ không phải mất loại thuế này, nhờ vậy, giá thành giảm hơn 10%. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm đương nhiên tăng cao hơn.
Sau khi tập trung nghiên cứu các nội dung trong EVFTA, May 10 xác định cần gỡ nút thắt ở khâu nguyên liệu vải. “DN vốn từ trước đến nay chỉ tập trung vào lĩnh vực may mặc. Do đó May 10 đã mời DN từ Ấn Độ, Trung Quốc để liên doanh, liên kết đầu tư vào lĩnh vực dệt.”- ông Thân Đức Việt nói.
Không những chú trọng khâu nguyên liệu cho sản xuất nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ, những DN lớn ngành Dệt May còn tập trung đầu tư nâng công suất. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 550 triệu USD, trong đó, cơ cấu xuất khẩu sang EU chiếm tới 45%, EU là thị trường được Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè đặc biệt coi trọng từ nhiều năm nay. Nhìn nhận cơ hội tăng thêm từ thị trường EU sau tác động của EVFTA, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy may Nhà Bè - Hậu Giang trị giá hơn 300 tỷ đồng đã được DN triển khai đầu tư từ tháng 5/2015 và giai đoạn I với công suất 15 triệu sản phẩm/năm đã được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2015. Dự án khi hoàn thành có năng lực sản xuất khoảng 30 triệu sản phẩm/năm.
Tạo chuỗi liên kết để cộng hưởng sức mạnh
Đầu tư một nhà máy dệt cần vốn gấp nhiều lần đầu tư một nhà máy may, chính vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam khẳng định hướng đi cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam là liên kết theo chuỗi cung ứng. Theo đó, DN xuất khẩu dệt may vừa và nhỏ cần chủ động tìm đến DN sản xuất nguyên liệu, hoặc liên kết đầu tư nguồn nguyên liệu vải nhằm giảm tối đa tình trạng nhập khẩu. Điều này vừa giúp đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa giúp đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.
Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam – nếu xét một cách tổng thể, ngành Dệt Việt Nam không yếu; bởi trung bình 1 năm ngành dệt trong nước cũng sản xuất được 1 tỷ mét vải và tham gia xuất khẩu, trong khi có nhiều DN sản xuất khác lại nhập khẩu vải nguyên liệu. Phải chăng DN làm hàng xuất khẩu và DN xuất khẩu nguyên liệu vải chưa có được sự kết nối tốt (?!).
Ước tính, có đến gần 75% DN dệt may đang làm gia công, quy mô nhỏ, yếu về nguồn lực tài chính. Muốn khai thác và nắm bắt hiệu quả cơ hội từ FTA với EU các DN dệt may phải xác định chuyển từ gia công đơn thuần sang làm hàng FOB (tự chủ nguyên liệu) hoặc ODM (tự thiết kế mẫu) - tức là hướng dần tới phương thức tạo nên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Công ty May TNG là một ví dụ. Mỗi năm, DN thu về khoảng 25 triệu USD từ việc may gia công cho nhãn hàng thể thao nổi tiếng Decathlon của Pháp. Nhưng gần như 100% số vải để may sản phẩm cho Decathlon đều được nhập khẩu. Sớm nhận ra bất cập này, đại diện TNG đã sang Pháp chủ động đề xuất liên kết hợp tác xây dựng một nhà máy dệt vải ngay tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May TNG - cho biết: “TNG sẽ lo mặt bằng, dự kiến năm 2016-2017 nhà máy hình thành. Từ đây, DN chủ động được nguồn nguyên liệu”. Liên kết đã giúp TNG nâng tầm năng lực sản xuất từ chỗ chỉ là đơn vị gia công thuần túy lên thành đơn vị làm FOB.
Với kết quả tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm dự kiến đạt gần 14 tỷ USD, riêng Tập đoàn DMVN đạt mức xuất khẩu dự kiến 1,3 tỷ USD, toàn Ngành đang ra sức nỗ lực khắc phục những khó khăn khách quan, quyết liệt thay đổi, tận dụng thời cơ để đầu tư chuỗi cung ứng toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh và hưởng lợi cao nhất từ EVFTA.
Trong thời gian qua, Vinatex đã thành lập Trung tâm kinh doanh SCDC, cùng 2 Tổng Công ty miền Bắc và miền Nam là nhằm phát triển hệ thống liên kết tạo thành chuỗi kinh doanh cung ứng từ nguyên liệu đến thành phẩm, tận dụng tối đa năng lực sản xuất tại các khâu trong nội bộ và tăng hiệu quả đầu tư đối với đơn vị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Trong đó, Tổng Công ty Dệt May miền Bắc được thành lập dựa trên nền tảng của các đơn vị chính: Tổng công ty CP Dệt May Hà Nội, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP Vinatex Quốc tế và Công ty CP Dệt kim Vinatex. Với tiềm lực sẵn có cộng với cơ chế hoạt động linh hoạt, tập trung, Tổng Công ty giữ vai trò điều tiết, chỉ đạo chiến lược tới các đơn vị thành viên, hình thành các chuỗi sản xuất liên tục về dệt thoi – dệt kim có quy mô lớn, chuyên môn hoá cao, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, từng bước thâm nhập vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Tổng Công ty Dệt May Miền Bắc hướng tới trở thành doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp “Giải pháp may mặc trọn gói” tại Việt Nam, một đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong cả lĩnh vực Dệt thoi và Dệt kim, đứng trong Top 3 doanh nghiệp của Tập đoàn xét cả về quy mô và lợi nhuận. Tổng Công ty Dệt May Miền Nam có trụ sở tại số 10 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Q. I, Tp. HCM, với vốn điều lệ 520 tỷ đồng. Tổng Công ty Miền Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất doanh nghiệp và 5 dự án đầu tư của Tập đoàn tại phía Nam là Chi nhánh Vinatex – Nhà máy sản xuất vải Yarn-dyed; Chi nhánh Vinatex – Nhà máy may Kiên Giang; Dự án Nhà máy sợi Phú Cường; Dự án Nhà máy may Cần Thơ; Dự án Nhà máy may Bạc Liêu. Còn Trung tâm Phát triển Chuỗi cung ứng (SCDC) thuộc Vinatex lại đảm nhiệm việc tìm kiếm các khách hàng Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc để mang về doanh thu xuất khẩu các sản phẩm may mặc, xơ sợi đạt 6,5 triệu USD trong năm 2016.
Nguồn Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023