Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940506941
Những đóng góp quan trọng của Ngành Dệt May
Ngành Dệt May Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là ngành xuất khẩu chủ lực, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của Ngành dự kiến lên tới 30 tỷ Đô la. Bên cạnh đó, với 2,7 triệu công nhân dệt may trên toàn quốc, chiếm khoảng 1/10 lao động công nghiệp quốc gia, Ngành đang đóng góp quan trọng cho công tác an sinh xã hội.

Tạo việc làm, tạo nguồn nhân lực chất lượng hơn

Ngoài một số phần trăm ít ỏi người lao động trong Ngành DMVN có bằng Đại học, kỹ sư được đào tạo bài bản, phần còn lại đều là những người với hai bàn tay trắng. Những bàn tay trắng này đến với DN dệt may với ý định ban đầu thật khiêm tốn, kiếm một việc làm ổn định để mưu sinh. Họ là con em nông dân hoặc các gia đình lao động ở tầng lớp bình dân. Đa phần họ không hề ý thức rằng, mình cần có sự đầu tư ban đầu, sau đó mới có thể làm ra sản phẩm lao động để bán sản phẩm đó mà sinh sống. Nhưng Ngành DMVN đã dang rộng vòng tay đón họ vào DN, đào tạo nghề, thậm chí lo chỗ ở để họ yên tâm làm việc.

Với xuất phát điểm là những công nhân may, trình độ học vấn có thể chỉ tốt nghiệp THCS hoặc THPT, nhưng qua quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, luôn học hỏi trong công việc, trong trường đời, có những người công nhân đã từng bước trưởng thành, tiến bộ không ngừng, tiến lên những vị trí tổ trưởng, quản đốc, thậm chí rồi đây họ sẽ có cơ hội nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong doanh nghiệp may, như những thế hệ cha, anh họ từng làm. Như vậy, qua môi trường dệt may, người lao động đã dần trưởng thành, tiến bộ vượt bậc. Nói cách khác, qua việc tạo điều kiện cho những người công nhân vừa lao động, vừa học tập, Ngành DMVN đã dần tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn so với ban đầu mới tiếp nhận người lao động.

Hơn thế nữa, khi đưa các DN dệt may về các địa phương, còn giúp thay đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của những nơi này. Điển hình của việc góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống người lao động cải thiện bằng dệt may là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Hiện nay Vinatex có gần 100 doanh nghiệp thành viên và liên kết. Các DN này nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, Vinatex và các DN thành viên còn góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương, tạo cho người lao động tác phong công nghiệp, làm việc hiệu quả, phát triển nếp sống lành mạnh, văn hóa tốt đẹp.

Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết: Giá trị văn hóa, tinh thần, ý chí và sứ mệnh của Tập đoàn với đất nước sẽ lan tỏa tới các địa phương nơi Tập đoàn có các đơn vị trú đóng. Hình ảnh Tập đoàn là cánh tay nối dài qua người công nhân tới xã hội. Người công nhân là tế bào xã hội, họ làm việc để nuôi gia đình họ, và cũng thông qua gia đình người công nhân mà hình ảnh, uy tín Tập đoàn được biết đến, trân trọng và lan tỏa. Việc Tập đoàn phấn đấu luôn trả mức lương để người công nhân có thể nuôi thêm một người nữa, là cách hiệu quả để tạo nên lợi ích xã hội, phát triển vững bền.

Hiện nay, vai trò của người công nhân dệt may Việt Nam thật ý nghĩa trong việc góp sức làm giàu đất nước và nâng cao hình ảnh quốc gia qua những sản phẩm dệt may chất lượng mà họ làm ra, đang hàng ngày làm đẹp cho người dân trên toàn cầu.

Hiệu ứng của dệt may

Không chỉ tạo nên nhiều việc làm, góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội, ngành DMVN còn tạo điều kiện để các ngành công nghiệp khác phát triển.  Đó là những ngành sản xuất phụ kiện, bao bì, vận tải, phân phối, dịch vụ, năng lượng, xây dựng v.v... Đến lượt chúng, những ngành này lại lôi kéo theo sự phát triển của những ngành khác. Cứ như thế, các ngành liên quan sẽ thúc đẩy nhau cùng tăng trưởng, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội hơn là nếu chỉ nhìn vào từng ngành riêng lẻ tự thân phát triển.

Ngành DMVN cũng mang lại cho ngân sách một khoản thu không hề nhỏ dưới dạng thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, các loại phí theo quy định. Lấy ví dụ về thuế nhập khẩu, thuế suất ưu đãi nhập khẩu vải bông là 12%; một số loại vải nhập từ Trung Quốc còn có thuế suất cao hơn, lên đến 15%-20%. Do vậy, nếu tính sơ sơ thì riêng tiền thuế, phí các loại nộp vào ngân sách đã lên đến cả chục USD hoặc hơn tính cho một cái áo sơ mi có giá bán ở nước ngoài là 100 USD. Cùng một lý do như vậy, tiền thuế và phí thu được từ các ngành “ăn theo” nói trên cũng nên và cần được tính vào đóng góp của ngành dệt may cho nền kinh tế Việt Nam.

Khi xét đến toàn bộ quá trình phát triển kinh tế quốc gia, thì ngành dệt may là một trong những nền tảng ban đầu cần thiết để tạo ra bước chuyển biến trong cơ cấu kinh tế của một nền kinh tế đang phát triển, có nguồn lao động dồi dào, trình độ và tay nghề thấp như Việt Nam trong những thập kỷ qua. Ngay cả những “con rồng châu Á” như Hong Kong, Đài Loan cũng từng có ngành dệt may phát triển khá thịnh trước khi đi vào suy vong vì giá nhân công ngày càng tăng lên đến mức đắt đỏ theo đà tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế những vùng lãnh thổ này, buộc họ phải “di dời” ngành này ra các nước ở trình độ phát triển kém hơn, có chi phí nhân công rẻ hơn.

Mặt khác, trong giai đoạn này, khi các DN FDI ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, đương nhiên họ muốn hưởng lợi thế cùng với Việt Nam từ các FTA, mà nhất là TPP. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng được hưởng lợi từ các DN FDI, do người lao động của chúng ta có việc làm, thu hút những doanh nghiệp vệ tinh của địa phương cung ứng dịch vụ, v.v… tạo ra những nền tảng mới cho sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Và sau hết, DN dệt may của ta có thể học tập kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến của họ, trở nên năng động hơn, nỗ lực hơn để có thể dần thay thế FDI trong các khâu dệt-nhuộm, thiết kế, thị trường để hưởng giá trị gia tăng cao hơn. Tất nhiên DN của ta phải trải qua một quá trình dài mới có thể làm được điều này.

Như vậy, có thể thấy rằng, ngành Dệt May Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều hơn, và có tầm quan trọng lớn hơn trong nền kinh tế quốc gia. Vai trò và đóng góp này còn được kỳ vọng sẽ ở mức cao hơn nhiều khi TPP có hiệu lực.

 

Nguồn Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939