Hotline : 056 3750 075        Email : info@vina-pack.com.vn
SẢN PHẨM TIÊU BIỂU
Hạt nhựaNPL ngành mayNPL ngành mayNPL ngành mayBao bì giấyThùng cartonThùng cartonBao bì giấyThùng cartonBao bì giấyBao bì PlasticBao bì PlasticHạt nhựaThùng carton
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
HOTLINE : 0256 375 0075
Tư vấn viên 1
Tư vấn viên 2
Lượt truy cập
22940507047
Dệt may nội: Tay cắt may, tay cắt lỗ

Trong lúc đầu ra gặp khó khăn thì các công ty trong ngành dệt may lại đối mặt với chi phí hoạt động tăng vọt.

Có lẽ không nhiều người lường trước được viễn cảnh khó khăn của các công ty dệt may trong nước như năm 2016. 7 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 13,2 tỉ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Đây được xem là năm khó khăn nhất của toàn ngành trong khoảng 3 năm trở lại đây, buộc nhiều công ty phải suy nghĩ lại chiến lược cạnh tranh nếu không muốn bị bỏ lại đằng sau trong cuộc chiến thương trường ngày càng khốc liệt.

Đơn hàng giảm, chi phí lại tăng

Tại Công ty May Đông Bình, lượng đơn hàng trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoài. Đơn hàng của May Thắng Lợi sụt giảm 20% hay tại Công ty May 9, giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm sụt giảm đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, lãnh đạo Công ty May Bình Dương cho biết gần đây có một số khách hàng đã ký hợp đồng đến hết năm nhưng do khó khăn về thị trường nên đã xin Công ty điều chỉnh lại số lượng theo hướng cắt giảm.

Ở một doanh nghiệp được đánh giá cao nhờ chuỗi kinh doanh khá hoàn chỉnh từ sợi đến may mặc như May Thành Công, tình hình cũng không mấy khá khẩm. Báo cáo tài chính nửa đầu năm cho thấy lợi nhuận của Công ty sụt giảm đến 42%, chỉ đạt 50 tỉ đồng. Tại Công ty Sợi Thế kỷ, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 41%, đạt chỉ 32 tỉ đồng.

Bởi thế, trong lúc chỉ số chứng khoán VN-Index liên tục đi lên trong nửa đầu năm thì các cổ phiếu may mặc, dệt sợi lại đi ngược chiều, thậm chí có mã sụt giảm đến gần 50% giá trị.

Có những nguyên nhân gây bất lợi cho hoạt động của các công ty trong ngành. Điển hình là tại May Thành Công, giá dầu thô thế giới diễn biến thấp hơn một năm qua khiến giá bán các sản phẩm tơ sợi sụt giảm theo, làm giảm biên lợi nhuận gộp. Ngoài ra, việc khách hàng dần chuyển sang các loại sợi nhân tạo có giá rẻ hơn cũng tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh của Công ty.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, triển vọng thị trường sợi khó có khả năng chuyển biến trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, mảng may mặc, vốn chiếm hơn 60% trong cơ cấu doanh thu, cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi lượng đơn hàng sụt giảm mạnh, đặc biệt từ phía cổ đông lớn của May Thành Công là tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc E-Land (chiếm 30-35% doanh thu xuất khẩu) do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc và Hàn Quốc chững lại.

Khó khăn của các doanh nghiệp Việt còn đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia như Campuchia, Lào. Các quốc gia này được hưởng thuế ưu đãi 0% từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dành cho nước kém phát triển, trong khi Việt Nam phải chịu mức thuế suất 9,6%, bởi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vẫn phải ít nhất 2-3 năm nữa mới có hiệu lực.

Chênh lệch về mặt thuế suất có thể mang lại khác biệt rất lớn. Theo thống kê của World Bank trong năm 2014, Campuchia đã xuất được 2,2 tỉ USD giá trị dệt may vào thị trường EU, gấp 3 lần so với giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Khoảng cách này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay.

 

2016 được xem là năm khó khăn nhất của toàn ngành trong khoảng 3 năm trở lại đây. Ảnh: thanhtra.com.vn

Thực tế, việc tỉ giá của Việt Nam khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay hóa ra lại không mang lại thuận lợi cho các công ty trong nước, bởi đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh thị phần trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh.... lại giảm mạnh so với đồng USD. Điều này vô hình trung khiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở nên đắt hơn trong tương quan so sánh với các đối thủ khác.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hiện kinh tế thế giới chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Thị trường châu Âu, Nhật và một số nước đang phát triển khác tăng trưởng kinh tế không cao nên tổng cầu năm 2016 của thế giới vẫn chỉ tương đương năm 2015. Vì thế, theo ông Trường, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam dự kiến chỉ đạt từ 8-10%, nhưng để đạt mục tiêu này cũng không phải là chuyện dễ. Bởi lẽ, trong lúc đầu ra gặp khó khăn thì các công ty trong ngành lại đối mặt với chi phí hoạt động tăng vọt. Tại May Thành Công, chi phí nhân công tăng đến 13% trong nửa đầu năm 2016. Tình hình tại Sợi Thế kỷ, Vinatex cũng diễn ra tương tự.

Chi phí tăng mạnh là do chính sách lương tối thiểu mới được thực thi. Theo lãnh đạo Tổng Công ty May Việt Tiến, các chính sách lương tối thiểu cùng quy định về đóng bảo hiểm xã hội khiến chi phí nhân công của Công ty tăng thêm 50 tỉ đồng. Tại các công ty khác, các quy định mới về tiền lương tối thiểu cũng khiến chi phí tăng vọt lên đến 16-25%.

Điều này đã gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đặc thù mô hình kinh doanh của các công ty may mặc Việt Nam vẫn là gia công cấp thấp, sử dụng nhiều lao động. Sự tăng giảm trong chi phí nhân công (chiếm khoảng 26-30% trong tổng chi phí) vì thế sẽ quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp.

Lối thoát duy nhất

Để đối phó với các thách thức, bên cạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước về thuế, vốn vay có chi phí rẻ, thủ tục hành chính thì một số công ty đã lên kế hoạch thay đổi cấu trúc sản phẩm và chuỗi hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Lãnh đạo Công ty May Thành Công cho biết đang quyết liệt tái cơ cấu danh mục sản phẩm, đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm sợi mới có giá cạnh tranh hơn và phù hợp với xu thế của thị trường. Tổng Công ty May Việt Tiến đang hoàn thiện chuỗi dây chuyền khép kín từ nguồn cung vật liệu đến sản phẩm đầu ra để tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời kiểm soát chất lượng tốt hơn.

Theo ông Trường, Vinatex, nút thắt của dệt may Việt Nam là cần phải chủ động được khâu nguyên phụ liệu (FOB), tránh nhập khẩu quá nhiều từ nước ngoài. Hiện Vinatex đang tập trung đầu tư vào các khâu dệt, nhuộm, trong đó đã khởi công các khu công nghiệp dệt may Nam Định, khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may Hương An (Quảng Nam) để giải quyết thách thức này. Mặt khác, Vinatex cũng sẽ đẩy mạnh liên doanh với các đối tác nước ngoài ở Nhật, Hồng Kông nhằm tận dụng công nghệ, nguồn vốn và thị trường của chính các đối tác.

Doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng cần từng bước chuyển dần từ gia công sang các mô hình tạo ra giá trị gia tăng cao hơn như FOB, ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) và hạn chế việc xuất khẩu qua khâu trung gian. Tuy nhiên, trong dài hạn, để gia tăng năng lực cạnh tranh so với thế giới, các doanh nghiệp nội địa sẽ cần phải liên kết hỗ trợ nhau tốt hơn. Thực tế, một trong những điểm yếu cốt lõi của ngành dệt may Việt Nam bấy lâu nay vẫn là thiếu các đề án quy hoạch phát triển các cụm ngành dệt may có quy mô lớn và có chiều sâu.

Việc hình thành các cụm ngành chuyên sâu được xem là một trong những nhân tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi trong đó bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất chủ chốt thì còn có sự tham gia của các doanh nghiệp phụ trợ, chuyên sâu vào một khâu nhất định như thiết kế, logistics, marketing…Tất cả sẽ tạo nên một hệ sinh thái vững mạnh.

Hãy lấy ví dụ từ sự thành công của Samsung khi đầu tư vào Bắc Ninh, Thái Nguyên và biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng điện tử, điện thoại hàng đầu thế giới. Bởi lẽ, không chỉ có Samsung, nhiều doanh nghiệp phụ trợ khác đã theo chân Samsung, mở nhà máy tại khu công nghiệp xung quanh, tạo thành một cụm công nghiệp điện tử hùng mạnh, bổ trợ cho nhau.

Theo phân tích của Giáo sư Michael Porter của Đại học Harvard, một cụm ngành có tiềm năng mang lại khá nhiều giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp như mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, giảm chi phí vận hành chuỗi cung ứng, tăng khả năng tuyển dụng nhân công lành nghề và giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, còn có thể gia tăng năng suất, thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới, thương mại hóa và thậm chí còn tạo cơ hội khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trẻ.

Nguồn: Sơn Thanh/ NCĐT

www.vinapack.com.vn

Công ty cổ phần Vinapack (VNP)

Trụ sở chính: Cụm công nghiệp Phù Cát, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Tel: 02563 750 075 - Fax: 056 3850 668

VP đại diện: Số 4 Bến Nghé, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Tel: 08 3872 2835 - Fax: 08 3872 2835

Email: info@vina-pack.com.vn

Website: www.vina-pack.com.vn

Mã số thuế: 4101392939