Còn một tháng nữa, hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng như một số FTA khác đã có hiệu lực, EAEU với cánh cửa vào thị trường Nga và một số nước vùng Viễn Đông chưa phải là sức hút đối với doanh nghiệp Việt.
EAEU là một trong 12 FTA song phương thế hệ mới giữa Việt Nam và một nhóm các quốc gia do Nga đứng đầu. Qua nhiều vòng đàm phán, ban đầu dưới tên gọi FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhtan, sau mở rộng thành liên minh EAEU với sự góp mặt của Cộng hòa Armenia và Kyrgyztan chính thức được ký kết.
Với 14 FTA đã và đang hoàn tất, tính ra Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nền kinh tế. Trong đó có 17/20 đối tác trong nhóm G20 và 7/7 đối tác trong nhóm G7. Việc “phủ sóng” ở các thị trường hầu như đã hoàn tất, chưa kể đến khi ký kết chính thức Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liệu có phải việc ký rất nhiều FTA song phương và đa phương đã khiến EAEU bị “chìm”? Hay doanh nghiệp Việt đã không nắm bắt đủ thông tin về nó nên bỏ qua cơ hội? Hoặc chính bản thân EAEU không thực sự hấp dẫn và dễ dàng, trong khi cơ hội ở các FTA khác còn chưa dùng hết?
Thuế về 0% thì còn hàng rào khác
Mỗi FTA được ký, về lý thuyết, đều là cơ hội mở rộng thị trường, nhất là những thị trường lớn và có quan hệ thương mại lâu năm như Nga trong EAEU.
Cũng như các FTA khác, cắt giảm thuế của EAEU cho hàng xuất khẩu Việt Nam là vấn đề hàng đầu. Sẽ có 59% biểu thuế (6.718 dòng thuế) được cắt giảm ngay cho đối tác từ phía EAEU và 53% dòng thuế bỏ ngay cho đối tác từ phía Việt Nam. Nhóm xóa bỏ thuế quan theo lộ trình chỉ có 25%, nhóm không cam kết chỉ chiếm 13%.
Tuy nhiên, EAEU cũng không quên đưa quy định “áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng” đối với 180 dòng thuế (1,58% biểu thuế). Đây là biện pháp nửa giống hạn ngạch thuế quan do đặt ngưỡng giới hạn về số lượng, nửa giống biện pháp phòng vệ thương mại (có thủ tục tham vấn nếu gây hại cho ngành sản xuất nội địa ở EAEU). Trong danh sách các mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng, có sản phẩm chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ. Mặt hàng gạo không bị áp dụng phòng vệ ngưỡng thì chỉ được xuất tối đa 10.000 tấn/năm vào thị trường 192 triệu dân, bao gồm cộng đồng người Việt đông đảo. Số lượng như vậy có thấm vào đâu?
Ngay cả những mặt hàng trong diện được hưởng thuế 0% thì việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm... để được hưởng ưu đãi thuế cũng không dễ dàng gì.
FTA Việt Nam - EAEU có quy định “áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng” đối với 180 dòng thuế (1,58% biểu thuế) - một biện pháp nửa giống hạn ngạch thuế quan, nửa giống biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó có các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ.
Tại một hội thảo về EAEU năm 2015, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết Nga là thị trường tiềm năng nhất trong việc tiêu thụ hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chỉ khoảng hơn 100 triệu đô la Mỹ/năm, chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Dù Nga đã là thành viên WTO nhưng ngoài các tiêu chuẩn WTO, Nga vẫn đặt ra một số biện pháp quản lý chất lượng đặc thù. Các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch (SPS) của Nga và khối EAEU rất chặt chẽ nên làm khó doanh nghiệp Việt rất nhiều.
Mặt khác, tính chuyên nghiệp của các nhà nhập khẩu Nga không hẳn đã giống các đối tác châu Âu, châu Mỹ. Từ cuối năm 2014, Bộ Công Thương Việt Nam đã gửi danh sách 60 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đủ tiêu chuẩn vào thị trường EU nhưng phía Nga chưa phản hồi việc có chấp nhận hay không.
Ngoài ra, việc thanh toán các đơn hàng cũng không theo cách thông thường. Nếu xuất khẩu suôn sẻ, nhà xuất khẩu chỉ nhận được 30% giá trị đơn hàng thanh toán ngay. Hai phần ba giá trị đơn hàng còn lại được thanh toán trong vòng 60 ngày sau khi nhận hàng, thậm chí sau khi có kết quả kiểm tra mới trả nốt. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn không chịu chấp nhận điều khoản theo kiểu “chiếm dụng vốn” nên cũng thờ ơ luôn với việc thâm nhập EAEU.
Ngoài cắt giảm thuế, trong FTA này, Việt Nam và EAEU còn ký với nhau đầy đủ các quy định về hàng hóa, thuận lợi hóa và hải quan, các chương về đầu tư, sở hữu trí tuệ. Riêng về thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân là đàm phán riêng giữa Việt Nam và Nga nên cam kết đạt được chỉ áp dụng song phương giữa hai nước mà không áp dụng cho các nước còn lại. Bản thân nội dung các đàm phán song phương và danh mục chủ yếu chỉ mang tính hợp tác và chưa được công bố nên cũng không có gì đáng nói.
Chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm xuất khẩu theo EAEU không thuận lợi như các FTA thế hệ mới. Thay vì doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, EAEU áp dụng quy trình chứng nhận xuất xứ qua một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước quy định như các FTA thế hệ cũ, làm gia tăng thủ tục hành chính. Quy trình, thủ tục nhập khẩu như vậy là tương đối phức tạp và không rõ, thậm chí cũng không nhất quán trong bản thân năm nước khối EAEU. Do đó, sự thuận lợi về mặt hải quan, đáng lẽ phải được tạo ra khi FTA được thực thi, lại vẫn là một rào cản khiến cho sự thờ ơ của doanh nghiệp với hiệp định là điều dễ hiểu.
Độ dừng của hội nhập
Năm 2015 được coi là năm bùng nổ ký kết và thực thi các FTA. Cơn sốt này có vẻ lắng xuống trong năm 2016 khi tiến trình ký kết chính thức TPP đang gặp phải một số “nút thắt” do tiến trình bầu cử tổng thống ở Mỹ và các hiệp định như AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) đã có hiệu lực từ năm 2015, EAEU có hiệu lực năm 2016... không tạo ra bước đột phá rõ rệt cho kinh tế Việt Nam.
AEC là bước nâng tầm của hàng loạt hiệp định: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)... nhằm tạo một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ngoài hàng rào thuế quan được bãi bỏ thì hàng loạt mục tiêu đặt ra chưa thực hiện hoặc trong nhiều lĩnh vực, không có mục tiêu nào được tính đến (như việc bãi bỏ phi thuế quan, tự do hóa dịch vụ, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, thuận lợi hóa thương mại, mua sắm chính phủ hay việc sử dụng đồng tiền chung và đặt biểu thuế chung). Nó khác với mô hình của Liên minh châu Âu (EU) hay Khối thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có độ mở rộng và tính liên kết cao hơn.
Theo Saigon Times
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023