Trung tâm Sản xuất dịch vụ thuộc Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU). Với 5000m2 nhà xưởng chuyên sản xuất áo Jacket xuất khẩu đồng thời là nơi để các học viên, sinh viên thực hành, trong những năm gần đây với việc áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn Lean và chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) đã tăng năng suất lao động lên gần 30%.
Dây chuyền sản xuất tại Trung tâm Sản xuất dịch vụ được áp dụng Lean
Với vị thế là một đơn vị đào tạo hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp dệt may - nơi có đội ngũ cán bộ vừa làm công tác giảng dạy vừa làm công tác tư vấn, nên các chuyên gia của nhà trường vừa có kỹ năng triển khai Lean và kỹ năng kỹ thuật chuyên ngành công nghệ nghệ may. Đây chính là lợi thế để triển khai Lean thành công tại Trung tâm Sản xuất dịch vụ của nhà trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng HTU - cho biết: Đội ngũ tư vấn Lean của trường đều là các thạc sỹ chuyên ngành công nghệ may, chuyên sâu về công nghệ sản xuất tinh gọn Lean do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đào tạo. Tại Trung tâm Sản xuất dịch vụ, nhóm tư vấn đã triển khai tổng thể lean cho 12 chuyền sản xuất, đồng thời hướng dẫn trung tâm xây dựng quy trình chuẩn, thời gian chuẩn cho các công đoạn giúp các chuyền sản xuất không bị tồn sản phẩm trên chuyền quá mức cho phép, giúp cho chuyền thông thoáng và dễ dàng trong kiểm soát năng suất, chất lượng. Đồng thời hệ thống bảng biểu trực quan tạo không khí lao động sôi nổi, giúp công tác quản lý được thuận lợi, dễ dàng, chính xác, giảm thiểu được mọi lãng phí trong sản xuất.
Bên cạnh đó, hệ thống cân bằng chuyền được áp dụng đã thúc đẩy năng suất lao động, công tác kiểm soát chất lượng tại nguồn cũng như chỉ số đánh giá thực hiện công việc KPI được triển khai chặt chẽ cho tất cả cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ của trung tâm. Nhờ đó, năng suất lao động của trung tâm năm 2015 đã tăng lên 25,9% so với 2014, thu nhập người lao động tăng từ 5,8 triệu đồng lên 6,3 triệu đồng/người/tháng tương đương tăng thêm 9%.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả quản trị sản xuất thông qua việc áp dụng Lean và KPI, năm 2015 trung tâm đã đầu tư trên 5 tỷ đồng trang thiết bị tự động trong lĩnh vực may công nghiệp, nồi hơi được nâng cấp lên gấp đôi (1.000 kg); đồng thời HTU cũng đã tổ chức đào tạo chuyên sâu 2 lớp cán bộ quản lý sản xuất cho trung tâm.
Mặc dù thị trường ngày càng có nhiều khó khăn khi mà nhiều khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các nước khác như Myanma, Campuchia do chi phí lao động và nhiều chi phí khác tại các nước này thấp hơn nhưng trung tâm xác định vẫn phải bảo đảm mức thu nhập cho người lao động tăng từ 5 - 10%/năm. Để bảo đảm mục tiêu trên, trung tâm sẽ tiếp tục cải tiến và duy trì mô hình sản xuất tinh gọn Lean, tiếp tục phối hợp với các khoa chuyên ngành của HTU để nghiên cứu chuyển dần từ phương thức gia công sang phương thức sản xuất FOB và ODM. Song song với các giải pháp trên, trung tâm cũng sẽ tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật để bảo đảm khu vực sản xuất luôn phát triển bền vững, người lao động có thu nhập cao.
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội: Trung tâm sẽ là địa điểm lý tưởng để sinh viên của HTU được thực hành, thực tập trong môi trường sản xuất tiên tiến trước khi tốt nghiệp.
Theo Baocongthuong.com.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023