Là một trong những ngành chủ lực xuất khẩu, nhưng dệt may lại nhập khẩu tới 99% lượng bông, gần 60% vải dệt thoi và trên 30% dệt vải. Nếu không sớm cải tổ để nâng cao năng suất lao động, dệt may Việt Nam sẽ khó đứng vững trong môi trường hội nhập.
Dây chuyền dệt tại Tổng Công ty Phong Phú
Khó tứ bề
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), khác với kết quả của nhiều năm trước, năm 2016 là một năm đầy khó khăn của ngành dệt may. Với thực trạng hiện nay, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong năm nay chỉ có khả năng đạt 29 tỷ USD, thay vì 31 tỷ USD như kỳ vọng. Dự báo, ngành dệt may sẽ tiếp tục gặp khó đến hết quý 3-2017. “Thách thức đang đặt ra cho ngành dệt may là công nghệ quản trị của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam so với các nước trong khu vực còn đang ở mức khiêm tốn, đặc biệt trong thời điểm hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không bắt kịp với các công nghệ thì sẽ mất cơ hội phát triển”, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang lo lắng.
Hạn chế nữa của doanh nghiệp Việt Nam là sức cạnh tranh đuối hơn so với các doanh nghiệp tại Campuchia, Bangladesh do họ có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Mỹ, châu Âu nên được hưởng thuế suất thấp hơn.
Ngoài ra, hiện nay hàng dệt may phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng. Đặc biệt, tác động từ cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may. Theo Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt, mặc dù tổng doanh thu 9 tháng năm 2016 của Công ty May 10 đạt 96% kế hoạch đề ra, vẫn vượt 8% so với cùng kỳ 2015, nhưng năm nay là năm sau nhiều năm công ty không đạt mức tăng trưởng hai con số.
Khó khăn đầu tiên là lượng đơn đặt hàng từ các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm do các thị trường bán lẻ không tốt nên đều yêu cầu giảm giá hàng. Tính chung trong 9 tháng năm 2016, sản lượng hàng đã giảm từ 5%-10%, giá khách hàng yêu cầu cũng giảm từ 10% - 15%. Nhiều doanh nghiệp dệt may khác trên địa bàn TPHCM cũng cùng chung cảnh ngộ. Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hoàng Long Trần Văn Long, quận 12 cho biết, mặc dù công ty đã áp dụng các hình thức tiết kiệm chi phí sản xuất, đầu tư cải tiến công nghệ nhưng với mức tăng chi phí lao động, chi phí lãi vay ngân hàng và các chi phí khác thì sự cải tiến của doanh nghiệp không thể bù đắp được. “Hiện nay, anh em trong ngành đang san sẻ đơn hàng để có hàng duy trì hoạt động, gần như không có lời. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, có thể phải thu gọn sản xuất hoặc chuyển nghề, vì kéo dài sản xuất sẽ càng thua lỗ”, anh Long buồn bã tâm sự.
Giải pháp kỹ thuật công nghệ
Theo Vitas, lâu nay dệt may Việt Nam chủ yếu mạnh về khâu gia công xuất khẩu như cắt, may, nhưng lại rất yếu về khâu thượng nguồn là sợi, dệt, nhuộm… Hiện có tới 99% lượng bông, gần 60% vải dệt thoi và trên 30% dệt vải ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu. Đây là nguyên nhân mấu chốt khiến ngành dệt may trong nước khó cạnh tranh với các đối tác. Do đó, ngành dệt may Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đầu tư cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bằng giải pháp thành lập mới các doanh nghiệp ở khâu thắt nút là sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Việc Việt Nam kết thúc đàm phán FTA với EU, ký FTA với Hàn Quốc và ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến, đến năm 2018-2020, doanh nghiệp trong nước sẽ đáp ứng khoảng 65%-67% nhu cầu sợi chung trong nước. “Công nghệ phục vụ cho ngành dệt may thế giới đang biến đổi nhanh chóng, nhiều phần mềm, thiết bị hiện đại như phần mềm thiết kế 3D đang tạo ra làn sóng mới cả về sản xuất và tiêu dùng. Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng có dấu hiệu bão hòa, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày một cao, trong khi giá đơn hàng ngày một thấp, đã buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng suất lao động, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đầu tư cho công nghệ sản xuất mới, hiện đại là giải pháp được ưu tiên hàng đầu”, ông Thân Đức Việt chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dệt may. Ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực giữ vị trí xuất khẩu của mình bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về kỹ thuật công nghệ và tìm kiếm nguồn cung ứng phù hợp là trọng tâm. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần khắc phục được nhược điểm về vận chuyển, thanh toán để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, bền vững. “Tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho công nghệ nhằm tìm kiếm thêm thị trường, nâng cao năng lực sản xuất. Cùng đó, đẩy mạnh năng lực dịch vụ từ chào hàng đến giao hàng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu và tăng sức cạnh tranh”, ông Trường nói.
Theo Sggp.org.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023