Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
“Có tham gia cũng rất tốt nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua”, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói.
“Có tham gia cũng rất tốt nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua”, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump gần đây đã có những tuyên bố rút khỏi Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, dù Mỹ có đi hay ở trong bản thỏa thuận thương mại tự do này thì hiệp định TPP cũng đã, đang và sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi.
Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh việc thông qua 30 dự luật bao gồm luật lao động, kinh doanh, thương mại... nhằm đáp ứng được những yêu cầu của TPP. Kể từ năm 2013, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thông qua hơn 100 dự luật, một quy mô cải cách chưa từng có từ thập niên 80.
Việt Nam từ lâu đã được coi là nền kinh tế thu được nhiều lợi ích nhất từ hiệp định TPP với khả năng tiếp cận hàng loạt thị trường từ quần áo đến đồ điện tử, da giày. Thêm vào đó, hiệp định này cũng góp phần thắt chặt quan hệ Việt-Mỹ.
Bất chấp việc Tổng thống Trump đắc cử sẽ ảnh hưởng ra sao đến TPP , hiệp định này đã đóng góp công lớn trong quá trình cải cách phát triển đất nước của Việt Nam, thị trường 90 triệu dân với mức tăng trưởng dự báo hơn 6% trong năm nay và cũng là một trong những mức tăng mạnh nhất Châu Á.
Trước đó, khi Việt Nam thực hiện kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 2011, tiến trình diễn ra khá chậm.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump là người chống TPP
Chuẩn bị tốt
Chủ tịch công ty dược lớn thứ 2 tại Việt Nam trên sàn chứng khoán Traphaco, bà Vũ Thị Thuận cho biết: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt cho dù có hay không có TPP. Chúng tôi vẫn phải đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập với kinh tế toàn cầu”.
Bà Thuận cho biết công ty đã đầu tư 22 triệu USD cho việc xây dựng nhà máy nhằm chuẩn bị đối phó với làn sóng thuốc ngoại vào Việt Nam nếu TPP được thông qua.
Bên cạnh đó, Phó vụ trưởng vụ pháp luật quốc hội Phạm Trọng Nghĩa cũng nhận định hàng loạt các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như giày dép, thủy sản, đồ gỗ, dệt may... cũng đang tích cực đầu tư nhằm đối phó với khả năng TPP có hiệu lực.
“Sự chuẩn bị đầu tư này giúp gia tăng hiệu quả cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước dù TPP có hiệu lực hay không. Có thể nói giai đoạn 2011-2016 là khoảng thời gian có nhiều cải cách của Việt Nam nhất kể từ khi phát động chương trình cải cách kinh tế “Đổi mới” và TPP là một trong những yếu tố chủ chốt của tiến trình này”, ông Nghĩa nói.
Đà cải cách
Ông Nghĩa cũng cho biết hiệp định TPP đã góp phần nâng cao nhận thức cho những thành phần chủ chốt trong nền kinh tế như nhân viên công chức, chủ doanh nghiệp, công nhân hay cộng đồng nói chung về các tác động của thương mại tự do. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng duy trì được động lực cải cách vốn được góp phần thúc đẩy bởi TPP.
Chuyên gia kinh tế trưởng Alan Phạm của VinaCapital nhận định TPP như là một hướng đi cho Việt Nam để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
“Cho dù có TPP hay không thì Việt Nam vẫn sẽ phải cải cách. Bản thỏa thuận này đã giúp chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu các bước cần thiết để trở thành một phần của thương mại toàn cầu”, ông Phạm nói.
Tháng trước, chính phủ Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó khẳng định cam kết tiếp tục mở cửa thị trường. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị có những chính sách nhằm hỗ trợ các startup của Việt Nam như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty cỡ nhỏ và vừa từ 20% hiện nay xuống 15%.
Chuyên gia Alan Phạm
Không có TPP thì vẫn có RCEP và các hiệp định khác
Hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam... nhưng lại không có Trung Quốc và sẽ đại diện 40% GDP toàn cầu, tương đương 30 nghìn tỷ USD. Ngân hàng thế giới World Bank dự đoán các thành viên hiệp định TPP sẽ tăng thêm bình quân 1,1% GDP vào năm 2030 nhờ bản thỏa thuận này.
Trong khi hiệp định TPP vẫn chưa rõ sẽ như thế nào thì Trung Quốc đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tháng trước cho biết Việt Nam sẽ theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế thông qua 12 thỏa thuận thương mại tự do khác đã được ký kết cho dù TPP thất bại.
“Có tham gia cũng rất tốt nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trong bản khuyến nghị đến nhà đầu tư của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định những bản thỏa thuận thương mại như với Liên minh Châu Âu hay Trung Quốc là đủ để nền kinh tế Việt Nam với tổng GDP danh nghĩa gần 200 tỷ USD nắm bắt được các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.
Trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, ông Vũ Tú Thành cũng cho rằng sự thất bại của TPP là không tốt nhưng cũng không quá xấu bởi các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị đối phó cho các đối thủ quốc tế.
“TPP là một cuộc chơi cho các tập đoàn lớn trong khi Việt Nam lại có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. TPP chỉ là một phần trong công cuộc cải cách. Nếu không có TPP, tiến trình đổi mới vẫn sẽ được diễn ra tại Việt Nam”, ông Thành nói.
Theo Trí thức trẻ
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023