Ngày 06/01/2017 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều vị Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành đã tới dự.
Năm 2016, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại năm 2016 được quyết liệt triển khai và đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt trong ngành chế tạo, chế biến với các sản phẩm điện tử, máy vi tính, SX kim loại. Công nghiệp dệt may, da giày vẫn là đầu tàu phát triển, là ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%, ngành SX phân phối điện tăng 11,5%. Tuy nhiên, ngành khai khoáng giảm sâu ở mức – 5,9. Trong hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỉ USD, tăng khoảng 8,6% so với năm 2015. Năm 2016 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 173,26 tỉ USD, tăng 4,6% so với năm 2015. Như vậy, năm qua Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thì dệt may vẫn là một trong những ngành công nghiệp chủ lực trong xuất khẩu. Tham luận tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN (Vinatex) ông Lê Tiến Trường cho biết, năm 2016 là một năm hết sức khó khăn của thị trường dệt may thế giới, nhưng Vinatex cùng toàn Ngành DMVN đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 5,2%, là quốc gia đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong Top 7 quốc gia sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. DMVN đã cải thiện tốt thị phần tại các thị trường quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó cho thấy Vinatex nói riêng và toàn Ngành DMVN nói chung có sức cạnh tranh lớn trên thị trường dệt may thế giới. Dệt may vẫn là Ngành nhiều tiềm năng, có sức hút mạnh và duy trì được hiệu quả SXKD. Tuy nhiên, tới năm 2017, khó khăn cho DMVN sẽ tăng lên do các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới sẽ coi Việt Nam là đối thủ trọng tâm, có những đối sách để cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. DMVN sẽ phải nỗ lực hơn, đưa ra những giải pháp mới đối phó thị trường như cải thiện thời gian giao hàng, nâng cấp giao dịch với thị trường cấp I, nghiên cứu nâng cao thị phần ở Liên minh kinh tế Á-Âu, tiếp cận thị trường ngách. Bên cạnh đó, cần đầu tư hoàn thiện chuỗi cung ứng, đẩy mạnh liên kết chuỗi trong toàn hệ thống để nâng cao giá trị hàng hóa dệt may Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực, đề cao tính sáng tạo của nhân lực; Tận dụng nguồn vốn mới khi cổ phiếu Vinatex chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán…
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex tham luận tại Hội nghị
Về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2017, ngành công thương đã đề ra các mục tiêu để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 tăng 6,7%, cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2016; xuất khẩu năm 2017 tăng 6-7% so với năm 2016; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 3,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng khoảng 10-11%.
Theo vinatex
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023