Việt Nam trở thành đối thủ trọng tâm để cạnh tranh
Nhớ lại thời đầu năm 2016, DMVN tràn trề hy vọng với việc sẽ có thể đạt KMXK tới 30 tỷ USD, một con số đẹp cho tăng trưởng. Hy vọng ấy là hoàn toàn có cơ sở khi có xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam để hưởng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA, Liên minh kinh tế Á – Âu… Cho tới tháng 5.2016, tình hình đã có những biến động không ai ngờ tới được. Hiện tượng Brexit đã đi ngược lại hoàn toàn xu thế hội nhập ngày một sâu rộng hơn, khiến cả thế giới hoang mang. Và khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố không ủng hộ TPP thì xuất hiện xu hướng bảo hộ sâu, ảnh hưởng tới tâm lý đặt hàng của các khách hàng lớn, và họ bắt đầu chuyển đơn hàng về những quốc gia Cam-pu-chia, Bangladesh, Myanmar, đang có lợi thế về thuế vào các thị trường lớn như EU, Mỹ.
Trước những yếu tố bất lợi như vậy, nhưng năm 2016, DMVN vẫn đạt tăng trưởng 5,2%, là quốc gia đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong Top 7 quốc gia sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. DMVN đã cải thiện tốt thị phần tại các thị trường quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó cho thấy Ngành DMVN đã có sức cạnh tranh lớn trên thị trường dệt may thế giới. Dệt May vẫn là Ngành nhiều tiềm năng, có sức hút mạnh và duy trì được hiệu quả SXKD. Nhưng kết quả đó cũng đã khiến DMVN rơi vào tầm ngắm cạnh tranh của các quốc gia XK hàng DM lớn. Một mặt, họ tấn công trực tiếp chúng ta bằng giá cạnh tranh, thời gian giao hàng. Mặt khác là những yếu tố hỗ trợ mang tầm chính phủ, như các điều chỉnh về chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành DM xuất khẩu của họ.
Bám sát hơi thở thị trường
Bản chất của thị trường là luôn thay đổi, thậm chí khó lường. Nếu như trước đây, thị trường DM sụt giảm phần nhiều do yếu tố suy giảm kinh tế, khủng hoảng kinh tế, thì hiện nay, thị trường còn bị ảnh hưởng do các yếu tố bất định về chính trị. Điều này khiến các nhà kinh doanh nói chung và nhất là DM càng phải cao tay hơn, bám đuổi thị trường ráo riết hơn, nắm bắt hơi thở thị trường và nhạy cảm với mỗi dấu hiệu dù là nhỏ nhất.
Dự báo năm 2017 DMVN tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng. Vấn đề làm sao có đủ đơn hàng luôn treo lơ lửng trước mặt các chủ doanh nghiệp, kể cả DN lớn. Cho dù tính tới hết quý I năm nay, hầu hết các DN DMVN đã có đủ đơn hàng, nhưng điều đó không cho phép các DN chủ quan, mà vẫn phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng trong từng ngày, giờ.
Tuy nhiên, mối lo và cách tính của mỗi DN DMVN cũng có khác nhau về việc chuẩn bị đơn hàng. Những DN lớn, có bề dày thị trường, nhiều kinh nghiệm, uy tín cao thì tập trung vào việc chăm sóc khách hàng chính, khách hàng thân thiết. Bà Ninh Thị Ty, CT HĐQT kiêm TGĐ May Hồ Gươm và Chigamex chia sẻ, rằng bà không quá lo đến việc thiếu đơn hàng. DN đã quá quen với khách hàng, làm việc với họ lâu năm, tin tưởng lẫn nhau và từng cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thì trước những chao đảo của thị trường, càng phải bên nhau, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua, chứ đi tìm đối tác khác lại phải thẩm định cũng rất mệt.
Hoặc như DN may Nagaco tại Nam Định, tuy là một DN may nhỏ, từng gặp nhiều khó khăn cách nay dăm năm, nhưng trong ba năm trở lại đây, nhờ có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo, đổi mới phương pháp quản lý, tự tin vào tay nghề cao của NLĐ và có phương pháp đào tạo liên tục cho NLĐ, cũng đã thành công trong việc lựa chọn đơn hàng có giá gia công cao hơn để thực hiện, và được khách hàng tin tưởng, nên cũng không có nhiều nguy cơ thiếu đơn hàng năm 2017.
Dobico thì lại có phương pháp khác, đó là tập trung chăm sóc khách hàng quan trọng, khiến họ ủng hộ mình, luôn giao hàng cho mình làm. Còn các ông lớn khác như NBC, May 10, Việt Tiến, Hòa Thọ, Dugarco, thì bên cạnh việc chăm lo đủ đơn hàng cho XK, còn tích cực đẩy mạnh SX hàng nội địa, đi từng bước vững chắc trong việc thành lập thương hiệu riêng, chắc chân ở thị trường nội, dần hướng tới thị trường khu vực và quốc tế trong một tầm nhìn dài hơn.
Trong nguy có cơ, DMVN vẫn đang nỗ lực và sáng suốt vượt qua khó khăn, tận dụng từng thời cơ, đi đúng con đường của mình một cách bài bản.
Nguồn: vinatex
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023