Hiệp định thương mại tự do giữa EU - Việt Nam (EVFTA) đã hoàn tất ký kết vào tháng 12/2015, có hiệu lực từ năm 2018 sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nếu biết tận dụng.
Theo nội dung đã đạt được trong các vòng đàm phán, việc ký kết EVFTA sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực Liên minh Châu Âu (EU) và ngược lại, trong thời hạn từ 7 đến 10 năm. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015, chủ yếu là các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản. Năm 2018, EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi để nâng tầm vị thế thương mại giao thương trong khối EU.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong EU cảnh báo nếu Việt Nam không cải thiện về chất lượng phát triển thì lợi thế cũng chỉ là tạm thời và nhanh chóng biến mất với sự ganh đua khốc liệt của các nước trong khu vực ASEAN mà EU ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và FTA giữa EU - ASEAN.
Phát biểu tại hội thảo “Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam: Tác động đến kinh tế và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN”, ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham, EVFTA đi vào thực thi trong một năm tới và Việt Nam trở thành cầu nối 500 triệu người Châu Âu với hơn 500 triệu người dân ASEAN, đóng vai trò là trung tâm mạng lưới thương mại cho khoảng 1 tỷ khách hàng tiềm năng.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc và Trưởng phòng nghiên cứu, Dragon Capital, với tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động lớn, mức độ phát triển tầng lớp trung lưu đứng thứ 2 toàn thế giới và năng suất sản xuất liên tục gia tăng, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện lợi thế của Việt Nam là dân số trẻ, trung bình 25-45 chiếm đa số và đây là độ tuổi xài tiền nhiều. Do đó, 65% tăng trưởng GDP đến từ tiêu dùng, trong khi Trung Quốc chỉ 35%.
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh và chỉ sau Myanmar. Hiện Thái Lan 45 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và Việt Nam là 25 triệu người. Đến năm 2030 con số này của Việt Nam sẽ tăng lên 35 triệu người. Đây là một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, cửa sổ cơ hội này sẽ khép lại trong 7-10 năm tiếp theo vì những lợi thế cạnh tranh này sẽ giảm dần.
Cùng với sự phát triển về thương mại, EVFTA cũng tạo sự phát triển mạnh trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, nhưng Thái Lan và Indonesia sẽ có nhiều lợi thế hơn khi dịch vụ của họ có giá trị gia tăng cao hơn. Muốn cạnh tranh, Việt Nam cũng phải tăng nhanh giá trị gia tăng trong các dịch vụ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI từ khối EU đổ nhiều vào ASEAN thì Việt Nam chỉ chiếm 2%, điều này cho thấy cơ hội thu hút vốn ngoại đối với Việt Nam còn nhiều nếu Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn…
Về từng ngành cụ thể của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, chẳng hạn như ngành ô tô, ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp ASEAN – EU, cho rằng Việt Nam sở hữu lợi thế của chi phí thấp và với sự gia tăng sản xuất phụ tùng ô tô, EVFTA mang lại tiềm năng để Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức do sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Indonesia, cũng như các vấn đề về cơ sở hạ tầng thôi thúc Việt Nam nâng cao các tiêu chuẩn về kỹ thuật và tăng cấu phần sản xuất nội địa cho xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất được các hợp phần dành cho xe hơi để tham gia vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm phương tiện vận chuyển có động cơ.
Đối với ngành dệt may, da giày, hiện có tới 40% hàng dệt may và 30% hàng giày dép của Việt Nam xuất khẩu vào EU, trong khi đó đa phần người Việt Nam lại mặc quần áo nhập từ Trung Quốc, Thái Lan.
Các FTA sẽ giúp thị trường nội địa của ngành dệt may Việt Nam được mở rộng nhưng ngành dệt may Việt Nam cũng phải gia tăng hàm lượng nội địa để được hưởng ưu đãi từ EVFTA.
Khi EVFTA có hiệu lực thì tiềm năng xuất khẩu dệt may và giày dép của Việt Nam vào EU cũng rất lớn. Chẳng hạn, 1% xuất khẩu giày dép của Trung Quốc vào EU chuyển qua Việt Nam sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 10%. Đang có sự dịch chuyển cơ sở sản xuất giày dép từ Trung Quốc về Việt Nam.
Theo Bizlive.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023