Dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt và buộc ngưng hoạt động, nhưng 2 xưởng tái chế hạt nhựa tại ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) vẫn hoạt động gây ô nhiễm môi trường…
Nhiều hộ dân ngụ ấp Sông Mây bức xúc cho biết họ suốt ngày đêm phải chịu đựng khói bụi, mùi khét lan tỏa từ các xưởng tái chế hạt nhựa.
* Bức xúc… mặc dân
Trao đổi về 2 cơ sở sản xuất nhựa tái chế gây bức xúc trong khu dân cư ấp Sông Mây, ông Đặng Hoài Nam, chuyên viên Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom, cho biết huyện đã ban hành quyết định xử phạt và buộc doanh nghiệp ngưng hoạt động (tháng 6 và 11-2016), trong đó có nêu rõ: giao UBND xã Bắc Sơn kiểm tra, giám sát việc chấp hành của cơ sở theo đúng quyết định. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Tài nguyên - môi trường chưa nhận được phản ảnh thêm của bà con về tình trạng 2 cơ sở tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, phòng sẽ kiến nghị UBND huyện chỉ đạo đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động tái chế hạt nhựa tại ấp Sông Mây để có hướng xử lý cụ thể hơn. |
---|
Một xóm nhỏ thuộc ấp Sông Mây chỉ có khoảng 40 hộ dân, nhưng nói về tình trạng ô nhiễm môi trường lâu nay, ai cũng lắc đầu than: khổ lắm!
Những điều người dân nói không sai, bởi khi chúng tôi vừa vào đến đầu xóm là đã cảm nhận được mùi khét khác thường, dù các xưởng tái chế hạt nhựa còn cách đó vài trăm mét.
Bà Nguyễn Thị Rỡ cho biết người dân nơi đây phải sống trong không khí ô nhiễm đã 2-3 năm nay.
Theo bà Rỡ, khu vực này có nhiều cơ sở đốt rác nhựa tái chế làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
“Mỗi khi có người quen từ phương xa đến chơi, gia đình tôi rất xấu hổ vì mùi khó ngửi cứ bao trùm khắp nơi, còn khách thì không chịu nổi không khí nặng mùi đó nên vội vàng ra về. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm không khí trong khu dân cư, nhưng đến nay các cơ sở sản xuất nhựa tái chế vẫn hoạt động khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn” - bà Rỡ nói.
Nhận định về tình trạng ô nhiễm do sản xuất tái chế nhựa gây ra, ông Hoàng Viết Toàn, Trưởng ấp Sông Mây, thừa nhận người dân trong ấp đã chịu đựng nhiều năm nay, một số người đã trực tiếp đến gặp chủ doanh nghiệp yêu cầu có biện pháp sản xuất an toàn, nếu không phải ngưng hoạt động, song các cơ sở vẫn tồn tại đến nay.
“Nhiều ý kiến cho rằng tôi bao che cho doanh nghiệp nên tình trạng ô nhiễm kéo dài hết năm này đến năm khác. Thực tế, bản thân gia đình tôi cũng rất khó chịu vì không khí nặng mùi lan tỏa suốt ngày đêm, song là trưởng ấp, tôi chỉ biết báo cáo lên xã đề nghị có hướng xử lý, còn khắc phục như thế nào là do địa phương. Cá nhân tôi cũng từng đến gặp chủ doanh nghiệp đề nghị khắc phục ô nhiễm nhưng họ không hợp tác, chỉ ậm ừ cho qua” - ông Toàn cho biết.
* Xem thường “lệnh” phạt
Khu vực ấp Sông Mây hiện có 2 xưởng tái chế hạt nhựa đang hoạt động. Trong đó, một xưởng của ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ TP.Biên Hòa) nấu hạt nhựa từ rác thải, và xưởng của ông Nguyễn Văn Thiện (ngụ TP.Hồ Chí Minh) nấu hạt nhựa từ các loại bao bì. Cả 2 xưởng tái chế đều không được cấp phép.
Vào tháng 6 và 11-2016, cơ quan chức năng kiểm tra xác định 2 cơ sở trên sản xuất không bảo đảm môi trường nên tham mưu UBND huyện Trảng Bom ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời buộc ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều tháng trôi qua cả 2 xưởng tái chế hoạt động của ông Hùng và ông Thiện vẫn hoạt động suốt ngày đêm, tiêu thụ từ 6-7 tấn rác thải và bao bì mỗi ngày.
Có mặt tại 2 cơ sở sản xuất trên, phóng viên Báo Đồng Nai đều không gặp chủ cơ sở nhưng ghi nhận có nhân viên đang làm việc. Cả 2 nơi các loại bao bì, rác thải được chất thành đống lớn trong khuôn viên khu sản xuất, còn hệ thống máy chế biến nhựa đang hoạt động bình thường.
Trong khi ít giờ trước đó, trao đổi với nhà báo, đại diện lãnh đạo UBND xã Bắc Sơn khẳng định qua các đợt kiểm tra mới đây vào ban ngày thì 2 cơ sở này đã ngưng hoạt động. Lạ ở chỗ, đi đến một số xóm trong ấp Sông Mây bà con đều phàn nàn về tình trạng ô nhiễm, song đại diện chính quyền xã lại khẳng định chưa nghe người dân phản ảnh về thực trạng từ 2 xưởng tái chế hạt nhựa nêu trên.
Theo Vpas
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023