Công nghệ số và tự động hóa đang thay đổi thế giới chúng ta đang sống, đặc biệt là trong sản xuất kinh doanh. Nếu không chú ý tới cuộc cách mạng 4.0 với công nghệ số và tự động hóa, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ sớm bị loại ra khỏi thị trường. Với ngành Dệt May Việt Nam, giải pháp nhà máy thông minh sẽ mang tới những lợi ích to lớn và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ngày 13/7/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức Hội thảo “Sản xuất thông minh hướng tới phát triển bền vững trong ngành dệt may”. Đây là lần thứ Ba sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp DMVN, các nhà nghiên cứu, lập chính sách, các nhà khoa học trong cả nước.
Hội thảo với những tham luận hữu ích, thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may chủ động hơn trong tiến trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó hướng tới mục tiêu thay đổi để sản xuất thông minh nhờ các đột phá của công nghệ số và tự động hóa đang diễn ra. Giải pháp nhà máy thông minh trong ngành may mặc sẽ mang tới những lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp dệt may, giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, định lượng sản xuất, cắt giảm chi phí, quản lý nhân sự hiệu quả, cải thiện môi trường làm việc...
Ông Park Jun Ho, Đại diện KITECH Việt Nam cho biết, hội thảo mang tính học thuật, đào tạo nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tham gia vào kỷ nguyên số, và cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay giai đoạn cạnh tranh bằng lao động giá thấp đã qua rồi, chúng ta phải thay đổi, phát triển công nghệ thì mới cạnh tranh thành công.
Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Vitas nhấn mạnh, khi Việt Nam và Hà Quốc ký Hiệp định thương mại tự do, giúp quan hệ thương mại song phương hai nước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã xuất khẩu tới 2,28 tỷ USD hàng Dệt May sang Hàn Quốc năm 2016 và nhập khẩu tới 1,96 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã đầu tư tới hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm và góp phần tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tới hai con số/năm. Trong thời gian tới đây, dự báo cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo nên phát triển đột biến, và để vượt qua thách thức này, các DN Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ hơn với DN Hàn Quốc để cùng phát triển, trong đó tận dụng thế mạnh từ nguồn lao động dồi dào của Việt Nam và vốn đầu tư cũng như công nghệ của Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành của Hàn Quốc về công nghệ đã trình bày chi tiết về những mô hình và phương thức sản xuất mới, sử dụng công nghệ kỹ thuật số và tự động hóa trong dệt may, tiến tới sản xuất thông minh hơn. Hai bên đều kỳ vọng đây sẽ là chương trình đào tạo thường niên mà KITECH và VITAS phối hợp tổ chức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam, được thông qua trong Biên bản Ghi nhớ hợp tác song phương tại Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Hàn Quốc- Việt Nam ngày 7/12/2016 tại Seoul, Hàn Quốc.
KITECH là đơn vị duy nhất trực thuộc chính phủ Hàn Quốc có chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghiệp dệt may. KITECH có trụ sở chính tại Hàn Quốc và nhiều văn phòng đại diện đặt tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam, KITECH có Văn phòng đại diện đặt tại Tp. Hồ Chí Minh.
KH
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023