Khoá tập huấn đào tạo chuyên gia công nghiệp hỗ trợ - lĩnh vực dệt may nằm trong chương trình Hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Hàn Quốc do Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) đã ký.
Từ năm 2013 đến năm 2016 Hàn Quốc đã chuyển giao cho Việt Nam 30 công nghệ thuộc các ngành, lĩnh vực điện tử, ôtô, cơ khí, dệt may. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo Hàn Quốc sẽ chuyển giao 100 công nghệ thuộc lĩnh vực vật liệu và phụ tùng linh kiện (M&C) cho các doanh nghiệp Việt Nam phục vụ thiết thực cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong các khóa đào tạo từ năm 2013-2016, đã có 80 học viên là chuyên gia kỹ thuật, quản lý khối ngành kỹ thuật dệt may Việt Nam thuộc các Sở Công Thương, Viện nghiên cứu, trường Đại học chuyên ngành dệt may, các công ty dệt may thuộc 3 vùng miền trong cả nước được lựa chọn tham dự . Toàn bộ chi phí cho khóa đào tạo cùng chi phí vé máy bay khứ hồi, khách sạn ăn ở cho học viên Việt Nam đều do phía Hàn Quốc tài trợ.
Năm 2017, Hiệp hội Dệt May Việt Nam là đầu mối lựa chọn các học viên thuộc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên toàn quốc tham dự khóa đào tạo chuyên đề dệt may tại Hàn Quốc. Khoá học kéo dài 2 tuần từ 21/8 đến 03/9/2017, bao gồm chương trình học lý thuyết về công nghệ vật liệu mới, nhà máy sản xuất thông minh, chính sách công nghiệp hỗ trợ và tham quan thực tế tại các viện nghiên cứu công nghiệp Hàn Quốc, các nhà máy sản xuất, triển lãm dệt may tại Hàn Quốc.
Đặc biệt năm nay, Ban tổ chức chương trình đã tổ chức một buổi hội thảo giao lưu kết nối các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Ansan, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Buổi hội thảo với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ hơn 40 doanh nghiệp Hàn Quốc và 18 doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Đại diện đoàn Việt Nam, ông Trần Đức Thắng đến từ Bộ Công Thương đã có bài phát biểu giới thiệu về nghành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư FDI vào ngành.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có bài phát biểu giới thiệu tổng quan ngành dệt may Việt Nam, những điểm mạnh yếu, cơ hội và thách thức của ngành cũng như vai trò của Hiệp hội trong việc kết nối các doanh nghiệp dệt may trong nước và các đối tác, khách hàng.
Đại diện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc cũng đã giới thiệu về các thế mạnh của công ty mình cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Theo vietnamtextile.org.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023