Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động rất lớn đến ngành dệt may. Đó là nhận định của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong trao đổi với ĐTTC về ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 với ngành dệt may những năm tới.
Phóng viên: - Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2017 dự báo đạt 31 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng chưa cao khi các DN chỉ tập trung gia công. Vậy theo ông cần làm gì để cải thiện giá trị gia tăng ngành dệt may?
Ông Trương Văn Cẩm: - Từ nhiều năm nay ngành dệt may đã đưa ra định hướng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để cải thiện giá trị gia tăng trong xuất khẩu. Tuy nhiên, dù các DN đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Hiện giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt trên 51%, nếu so với các ngành khác đây là tỷ lệ khá cao. Chẳng hạn, ngành da giày giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 40-45%, ngành sản xuất lắp ráp ô tô, sản phẩm điện tử dưới 10%.
Tóm lại, ngành dệt may phần nào đã đạt được mục đích đề ra trong chiến lược phát triển. Song so với các quốc gia đi trước, DN nước họ có vốn lớn, công nghệ kỹ thuật hiện đại, trình độ quản lý cao, đầu tư vào những khâu thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành dệt may như sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm sẽ thu được giá trị gia tăng cao hơn và lợi nhuận cũng sẽ cao hơn.
Trong khi các DN dệt may trong nước còn yếu về tài chính, nếu đầu tư mạnh khâu sản xuất nguyên, phụ liệu đầu vào sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Thực tế đã có những dự án đầu tư sản xuất xơ sợi được thực hiện trong thời gian qua như Đình Vũ nhưng không thành công. Các DN dệt may trong nước cũng phải lượng sức mình, để từng bước cải thiện giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng dệt may.
Nhiều năm qua chúng ta cũng thu hút nhiều DN FDI đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm, sản xuất nguyên phụ liệu dệt may để đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia. Thí dụ, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ vải, nếu không đáp ứng DN dệt may trong nước không để tận dụng các lợi thế, ưu đãi thuế quan.
Hiện nay nhiều DN FDI đang đầu tư vào lĩnh vực dệt may nhằm cải thiện giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng của các DN trong nước. Bản thân các DN nội cũng hợp tác với nhà đầu tư FDI để họ đưa vốn, đưa công nghệ vào, qua đó học hỏi kinh nghiệm của họ.
- Ngành dệt may đang thâm dụng lao động nhiều, vậy việc tăng lương, tăng bảo hiểm trong năm 2108 sẽ ảnh hưởng thế nào đến năng lực cạnh tranh các sản phẩm dệt may xuất khẩu, thưa ông?
- Với DN dệt may vốn sử dụng nhiều lao động, lương tăng, bảo hiểm tăng sẽ làm cho chi phí nhân công tăng cao, dẫn đến lợi nhuận DN thấp. Và khi lợi nhuận DN thấp sẽ không đủ khả năng để cải thiện công nghệ theo chiều sâu. Mặt khác, hầu hết DN dệt may hiện nay đều cổ phần hóa, nếu lợi nhuận DN dệt may không đảm bảo có thể họ sẽ rút vốn, càng tạo ra khó khăn về vốn cho DN.
Hơn nữa ta đang lấy lương tối thiểu làm căn cứ để xây dựng thang bảng lương, có nghĩa không khống chế một thang bảng lương cụ thể, lương tối thiểu chỉ là mức lương cơ bản sàn. Nghĩa là khi lương tối thiểu tăng DN sẽ lấy đó làm căn cứ để xây dựng lương bậc 1 và cứ thế tăng lên theo bậc 2, bậc 3…
Như vậy lương tối thiểu tăng, chi phí bảo hiểm sẽ tăng lên theo, nên ngành dệt may đã kiến nghị Chính phủ không nên tăng lương tối thiểu quá nhanh hàng năm, mà nên điều chỉnh theo chu kỳ 2-3 năm tăng 1 lần. Bởi những tác động của việc tăng lương rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh các sản phẩm dệt may xuất khẩu, và có thể tác động đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong những năm tới.
- Thưa ông, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất, ngành dệt may cần làm gì để cải thiện tình trạng thâm dụng lao động?
- Cuộc CMCN 4.0 tất yếu sẽ tới, nhiều DN dệt may hiện nay đã từng bước sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại, sử dụng robo, máy in 3D, công nghệ cắt laser để thay thế những khâu giản đơn, độc hại. Khi DN áp dụng công nghệ vào sản xuất chắc chắn nhiều lao động trong ngành dệt may sẽ mất việc làm.
Nhưng thách thức từ cuộc CMCN 4.0 với ngành dệt may là DN cần có nguồn vốn lớn để đầu tư máy móc, người lao động phải có trình độ cao mới vận hành được thiết bị hiện đại, như vậy các DN sẽ phải đào tạo để nâng cao trình độ lao động.
Dự báo, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra tốc độ phát triển đột biến trong thời gian tới. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội và vượt qua những thách thức cuộc cách mạng này mang lại có ý nghĩa quyết định đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may.
Hiện nhiều DN dệt may trên thế giới đã ứng dụng công nghệ cao trong ngành dệt may, như Tập đoàn Efi Optitex đã tạo ra phần mềm Optitex chuyên thiết kế sản phẩm trong lĩnh vực thời trang. Việc áp dụng phần mềm thiết kế này giúp DN tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí, tiết kiệm nhân công trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phần mềm này có khả năng xác định lượng vải, các tính chất, cỡ số, chi phí và khối lượng, do đó tiết kiệm tối đa nguyện liệu, tránh lãng phí trong quá trình sản xuất. Sử dụng phần mềm Optitex còn mang lại sự đồng bộ trong dữ liệu, khi nhận file mẫu sẽ bớt được các công đoạn nhập mẫu thủ công, tốn nhiều thời gian và độ chính xác không cao.
Đồng thời, phần mềm Optitex còn giúp tiết kiệm diện tích nhà xưởng của DN. Mặt khác, xu hướng ứng dụng công nghệ thiết kế 2D, 3D của Optitex vào dệt may cũng đang cho thấy ảnh hưởng của công nghệ đối với lĩnh vực dệt may.
Tóm lại tác động của cuộc CMCN 4.0 với ngành dệt may rất lớn, khi áp dụng công nghệ vào sản xuất thì cần tính toán đến việc chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động ngành dệt may.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Đăng Tuân (thực hiện): http://saigondautu.com.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023