11 thành viên của TPP-11 dự kiến sẽ nhóm họp tại Nhật Bản để xử lý các vấn đề còn chưa được đồng thuận trong khi đó EVFTA sẽ tách làm đôi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải tăng cường phối hợp hơn nữa trong Ban chỉ đạo liên ngành để mang lại hiệu quả cao trong hội nhập. Ảnh: N.AN
Thông tin này được Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại phiên họp của Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018 diễn ra vào ngày 11-1.
Ông Khánh cho biết, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngay trong tháng 1 này, cấp kỹ thuật trưởng đoàn đàm phán các nước tham gia sẽ nhóm họp để bàn thảo.
Dự kiến, cuộc họp có thể diễn ra tại Nhật Bản, sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề chưa đạt được đồng thuận cũng như tiến hành rà soát pháp lý để sớm kết thúc đàm phán.
Một hiệp định quan trọng khác là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo ông Khánh, đã cơ bản hoàn tất rà soát pháp lý, chỉ còn một số nội dung liên quan đến phê chuẩn thẩm quyền các FTA.
Do đó, để sớm ký kết và đưa vào thực thi, theo ông Khánh, EU đề xuất tách riêng nội dung về bảo hộ đầu tư thành một hiệp định riêng được, được gọi là Hiệp định bảo hộ đầu tư.
Nội dung hiệp định mới này bao gồm bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư, sẽ được phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên.
Riêng về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết đã trải qua 20 phiên chính thức, song vẫn còn khoảng cách tương đối lớn giữa các lĩnh vực.
Tuy nhiên, các bên tái khẳng định quyết tâm tạo dựng Hiệp định toàn diện, nỗ lực đàm phán để rút ngắn khoảng cách về trình độ và dự kiến năm 2018 cũng sẽ kết thúc toàn diện.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để đạt được hiệu quả từ hội nhập và tận dụng được cơ hội mang lại, cần tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành, doanh nghiệp và hiệp hội.
Ông Huệ nhấn mạnh rằng muốn hội nhập thành công thì phải hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, các quy định liên quan đến lao động, tích hợp các dòng thuế… cũng như tiếp tục mở rộng thị trường, tham vấn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hội nhập giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận…
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, đến nay Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương.
Trong số đó, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hồng Kông vào tháng 11/2017 và đang tiếp tục đàm phán RCEP, CPTPP và các hiệp định song phương với Israel và Cu Ba.
Khoảng 60 nền kinh tế đã và đang đàm phán các FTA với Việt Nam, bao gồm các đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ khoảng 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Theo vinatex.com
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023