Chiều ngày 26/3/2017 tại Văn phòng Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp Tập đoàn năm 2017 “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của quá trình kiểm soát chất lượng sợi có sự hỗ trợ của máy Uster” do Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu bao gồm: ThS. Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn – Chủ tịch Hội đồng, TS. Nguyễn Sỹ Phương – Phó Viện Trưởng Viện Dệt May – UV Phản biện 1, KS. Đỗ Thanh Tùng – Phó Giám đốc Nhà máy Sợi Nam Định – UV Phản biện 2, KS. Trần Gia Huyến – Giám đốc Công ty Mỹ Hào – đại diện Uster tại Việt Nam – Ủy viên và ThS. Phạm Thành Nam – Chuyên viên Ban KTĐT – Ủy viên Thư ký.
Thiết bị Uster (Uster Technologies) là thiết bị được các doanh nghiệp sợi tại Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong kiểm soát, đánh giá chất lượng sợi. Tuy nhiên việc khai thác và sử dụng các tính năng của thiết bị này tại các doanh nghiệp chưa triệt để, chính vì vậy năm 2017 Tập đoàn Dệt May VN đã giao nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của quá trình kiểm soát chất lượng sợi có sự hỗ trợ của máy Uster” cho Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực hiện với mục tiêu nâng cao hơn nữa việc khai thác và sử dụng máy Uster, góp phần cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm sợi tại các doanh nghiệp Sợi, Dệt của Tập đoàn, đề tài được yêu cầu hoàn thành trong 7 tháng.
Tại buổi nghiệm thu, đề tài đã được các thành viên hội đồng khẳng định tính cần thiết của đề tài trong giai đoạn hiện nay đối với các doanh nghiệp sản xuất sợi. Hội đồng đánh giá đề tài đã hoàn thành được các nội dung như đăng ký với Tập đoàn với kết quả chính là:
1. Xây dựng được tập tài liệu tổng quan về quản lý chất lượng sợi và máy Uster; về tình hình sử dụng máy Uster hỗ trợ trong việc kiểm soát chất lượng sợi tại một số doanh nghiệp phía Bắc và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình kiểm soát chất lượng sợi có sự hỗ trợ của máy Uster có giá trị tham khảo cho cán bộ ngành sản xuất sợi.
2. Dựa vào kết quả trên, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội còn thiết kế được chương trình đào tạo sử dụng máy Uster cho các sinh viên ngành Sợi Dệt của nhà trường, đáp ứng được yêu cầu về khả năng thích nghi cao với thực tế sản xuất của sinh viên trước khi ra trường.
Bên cạnh đó Hội đồng cũng đã đóng góp những ý kiến tập trung vào một số vấn đề về các máy thí nghiệm của Uster cho từng công đoạn từ chải cho tới đánh ống; về so sánh ưu điểm, nhược điểm với các hãng cung cấp thiết bị khác, để có thể làm cơ sở dữ liệu cho việc đầu tư thiết bị thí nghiệm trong các dự án sợi sau này của Tập đoàn,…
ThS. Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên thực hiện trong một thời gian ngắn (7 tháng) đã hoàn thành các nội dung như đăng ký, đồng thời đề nghị đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng, hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm kèm theo để bàn giao đề tài chính thức cho Tập đoàn.
Theo vinatex.com
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023