Nghệ nhân H'Mông, Dao Đỏ lặn lội từ núi rừng Tây Bắc xa xôi vào phố cổ Hội An, Quảng Nam. Hành trang họ mang theo là sắc màu thổ cẩm truyền thống của quê hương, với sứ mệnh quảng bá kỹ nghệ thêu - dệt đến bạn bè quốc tế.
“Gánh” thổ cẩm từ Sa Pa vào Hội An
Những ngày đầu tháng 4, Bảo tàng di sản vô giá (26 Phan Bội Châu, TP. Hội An) đón chào các vị khách hết sức đặc biệt. Đó là bạn của Réhahn - nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp (chủ nhân của bộ sưu tập 200 bức ảnh đặc tả vẻ đẹp thiên nhiên - con người trên dải đất hình chữ S và hàng chục bộ trang phục truyền thống của đồng bào thiểu số Việt Nam đang trưng bày tại Bảo tàng di sản vô giá). Nhận lời mời của Réhahn, 10 nghệ nhân thêu - dệt kiêm hướng dẫn viên du lịch đang chảy trong mình dòng máu H'Mông và Dao Đỏ đã không ngần ngại vượt quãng đường cả nghìn cây số từ thắng cảnh Sa Pa kì vĩ để đặt chân đến mảnh đất di sản phố cổ Hội An.
Nghệ nhân Dao Đỏ hướng dẫn du khách thêu hoa văn
Từ buổi chiều ngày 4/4, gian phòng giữa của Bảo tàng di sản vô giá tràn ngập sắc màu thổ cẩm. Không ai khác, chính các vị khách H'Mông, Dao Đỏ đã “gánh” cả “núi” hàng từ xứ sở sương mù vào phố cổ. Mỗi chiếc váy, cái túi đều là sự kết tinh từ từng đường kim mũi chỉ, kỹ nghệ dệt điêu luyện của các nghệ nhân đồng bào thiểu số. Sau khi giúp những người bạn bố trí mặt hàng trưng bày, nhiếp ảnh gia Réhahn cho hay: “Tháng 7/2017, tôi có chuyến tham quan Sa Pa. Đó là một nơi tuyệt đẹp. Tôi đặc biệt ấn tượng với nghề thêu dệt của đồng bào Dao Đỏ và H'Mông. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng sẽ mời họ xuống Hội An để có cơ hội giới thiệu rộng rãi nghề truyền thống này với du khách”.
Réhahn (trái) trực tiếp giới thiệu sản phẩm dệt của đồng bào H'Mông cho du khách
Và sau 8 tháng được Réhahn ngỏ lời mời, 7 phụ nữ H'Mông và 3 phụ nữ Dao Đỏ đã có mặt ở Bảo tàng di sản vô giá. Trong buổi ra mắt, tất cả tỏ ra rất đỗi hào hứng khi đón chào những “học viên” cũng đặc biệt không kém so với sự hiện diện của họ ở phố cổ. Đó là các du khách nước ngoài đang đăng kí tham quan Hội An và háo hức tham gia lớp thêu, dệt miễn phí được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 6/4 do Réhahn giới thiệu.
‘Cầm tay chỉ việc’ cho du khách
Không phải chờ đợi lâu, 3 nghệ nhân Dao Đỏ lành nghề bậc nhất ở bản Tạ Phìn hôm nay đã ‘sắm vai’ người thầy để ‘cầm tay chỉ việc’ thêu thùa cho du khách. Từ cái cách luồn kim xâu chỉ cho đến tỉ mẩn khâu từng nét hoa văn trên dải vải của các nghệ nhân đều tạo sự tò mò, lôi cuốn du khách đến lạ. Ngồi quây quần quanh chiếc bàn tròn, xen kẽ giữa một nghệ nhân Dao Đỏ là một du khách. Tranh thủ khoảng thời gian giải lao ít ỏi, chị Lý Mẩy Phương vui vẻ nói: “Bản Tạ Phìn bao đời nay nổi tiếng với nghề thêu. Nguyên liệu không có sẵn nên chúng tôi phải đặt mua cotton của người Tày. Sau khi qua công đoạn nhuộm, việc của chị em là chọn phối màu chỉ và khâu nên những bộ váy, chiếc túi mang đậm bản sắc của đồng bào mình. Tôi hy vọng, sau khi được chia sẻ kinh nghiệm thêu, du khách sẽ thích thú sản phẩm của bản Tạ Phìn”.
Du khách chăm chú học cách thêu dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Dao Đỏ
Khác với đồng bào Dao Đỏ, người H'Mông lâu nay tạo tiếng vang rất lớn bởi kỹ nghệ dệt truyền thống. 7 chị em hành nghề dệt thổ cẩm kiêm hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa đã mang theo hàng tá túi xách, khăn, váy… xuống phố cổ giới thiệu và bày bán. “Vì điều kiện nên chúng tôi không thể mang khung cửi vào đây để dạy cho du khách chi tiết cách dệt vải từ vỏ cây đay. Nghề dệt của bản Tạ Phìn có từ xa xưa và người trong bản đã tự trồng cây đay để tách lấy vỏ. Vỏ đay phải trải qua nhiều công đoạn như phơi khô, nối, tách thành sợi, luộc với tro… thì mới tạo nên nguyên liệu để dệt vải lanh. Mục đích của chuyến đi này là chúng tôi mong muốn chia sẻ hết thảy những điều này với du khách, đồng thời cũng hướng dẫn trực tiếp cho họ cách thêu hoa văn lên các mảnh vải đã qua khâu dệt”, chị Lồ Thị Gánh (1 trong 7 nghệ nhân của đồng bào H'Mông) cho biết.
Du khách thỏa sức chọn mua các sản phẩm thêu, dệt của đồng bào Dao Đỏ và H'Mông
Ngoài những trải nghiệm thú vị khi được hòa mình vào lớp học thêu - dệt của 2 đồng bào H'Mông và Dao Đỏ, du khách đến với Bảo tàng di sản vô giá còn được thỏa thích mua sắm các mặt hàng thổ cẩm đa sắc màu. Cầm trên tay mớ túi xách do đồng bào Dao Đỏ thêu và H'Mông dệt nên. Susan (nữ du khách đến từ Anh) hồ hởi khoe: “Sau 3 giờ đồng hồ liên tục ngồi thêu dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân Sa Pa, tôi nghĩ mình đã có kỉ niệm vô cùng thú vị. Và tôi đã không đắn đo khi chọn mua rất nhiều túi thổ cẩm để làm quà lưu niệm mang về nước tặng người thân, bạn bè. Chắc chắn, một ngày không xa, tôi sẽ đặt chân đến Sa Pa”.
Theo baocongthuong
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023