Trong quý 1/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị thặng dư thương mại đạt 3,87 tỷ USD, tăng 3,69% so cùng kỳ năm ngoái.
Hiện các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đủ đơn hàng cho hết quý II năm 2018
Đó là thông tin được ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại buổi họp báo đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu quý I/2018 của ngành dệt may Việt Nam, diễn ra ngày 17/4 do Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức.
Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu hàng dệt may trong quý I/2018, ông Trương Văn Cẩm cho hay, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017 và tình hình kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định về vĩ mô, lãi suất hợp lý, chính sách tỷ giá linh hoạt, ngành dệt may Việt Nam trong quý I/2018 cũng có những kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý I/ 2018 đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 22,4% kế hoạch xuất khẩu của cả năm; trong đó, mặt hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,49%, tăng khá so với mức 9,7% của quý I năm 2017.
Về thị trường xuất khẩu, những thị trường trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 2 tháng đầu năm 2018 là áo thun, áo jacket, áo sơ mi...
Đáng chú ý, giá trị thặng dư thương mại của ngành dệt may trong quý 1/2018 đạt 3,87 tỷ USD, với tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt gần 50%. Đây là mức thặng dư thương mại cao so với nhiều ngành xuất khẩu khác- ông Trương Văn Cẩm phấn khởi cho biết.
Tiếp đà tăng trưởng của quý 1, các doanh nghiệp ngành dệt may đang tập trung đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh những thị trường xuất khẩu dệt may chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, doanh nghiệp dệt may cũng đang tập trung khai thác các thị trường còn dư địa tăng trưởng như thị trường Trung Quốc, Asean...
Trong thời gian tới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh.
Đặc biệt, để tận dụng được cơ hội khi Hiệp định CPTPP và FTA VN – EU có hiệu lực, Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp ngành dệt may thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục tham vấn kiến nghị Nhà nước về cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho DN như: chính sách lương tối thiểu, giờ làm thêm…, chính sách thuế, thủ tục hải quan, các loại phí, phụ phí, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, vấn đề ưu đãi đầu tư tại khu công nghệ cao…- ông Trương Văn Cẩm khẳng định.
Theo baocongthuong.com.vn
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023