Sáng ngày 17/5/2018, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cùng lãnh đạo một số Ban chức năng đã tới chúc mừng Bộ Khoa học và Công nghệ nhân ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5.
Thay mặt toàn thể CBCNV Vinatex, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và thông qua Bộ trưởng gửi tới toàn thể những người làm công tác khoa học công nghệ những lời chúc tốt đẹp nhất. Nhân dịp này, ông Lê Tiến Trường cũng báo cáo nhanh với Bộ trưởng kết quả thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành Dệt May Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019 - 2030” mà Tập đoàn đang được Bộ KH&CN giao chủ trì. Vinatex cam kết sẽ thực hiện đề tài đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đã đề ra để mang lại một cái nhìn tổng thể về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Dệt May Việt Nam.
Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chân thành cám ơn và đánh giá cao sự quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học của Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Bộ trưởng tin tưởng, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc, Đề tài nói trên sẽ cho kết quả khả quan, giúp các cơ quan quản lý, ngành và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhìn nhận rõ hơn về những tác động của cuộc CMCN 4.0 đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những định hướng mang tầm chiến lược và những giải pháp phát triển cho ngành trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Bộ quan tâm hơn nữa đến hoạt động khoa học công nghệ trong ngành Dệt May Việt Nam thông qua hình thức giao những nhiệm vụ, đề tài cho Tập đoàn và những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex đã dẫn đầu đoàn công tác đến chúc mừng Viện Dệt May, Bệnh viện Dệt May, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nhân ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5.
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, năm 2017, ngành dệt may đã vượt qua khó khăn, thách thức và có một thành quả rất đáng khích lệ, đó là hoàn thành vượt mục tiêu đề ra với kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, KNXK của Vinatex đạt 3,2 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%, vượt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu và là đơn vị duy nhất hoàn thành 100% các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, các kết quả về hoạt động sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu đang có tín hiệu rất khả quan, riêng chỉ tiêu xuất khẩu tăng 17 - 18%. Chỉ số lợi nhuận của Tập đoàn Dệt May Việt Nam 4 tháng đầu năm tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được điều này, ngoài những nỗ lực của các doanh nghiệp thì không thể phủ nhận sự đóng góp của các công trình nghiên cứu khoa học do các Viện nghiên cứu, các Trường, … đã ứng dụng thành công vào sản xuất. Trong thời gian tới, Vinatex mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp nhiều hơn nữa từ các Viện, Trường để ngành Dệt May Việt Nam phát triển ổn định.
Thay mặt Viện Dệt May, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương, Phó Viện trưởng đã cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo Vinatex và các doanh nghiệp trong ngành đối với CBCNV Viện. Viện Dệt May đã cổ phần hóa nhưng trong thời gian tới, toàn thể CBCNV Viện sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, giữ vững và phát huy những truyền thống tốt đẹp đã xây dựng được, tập trung vào lĩnh vực chuyên môn chính để góp phần giúp ngành Dệt May Việt Nam có được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao vị thế xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo vinatex.com
- Ngành giấy theo hướng thân thiện môi trường06-02-2023
- Xu hướng OCC sẽ tăng giá trở lại tại châu Á khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu giấy, bìa09-01-2023
- Trung Quốc tạm thời cắt giảm thuế nhập khẩu đối với giấy bao bì hòm hộp, bìa gấp hộp và giấy in cao cấp về 006-01-2023
- Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa10-01-2023